Quần vợt trong cơn bão Covid-19: Đâu phải ai cũng giàu như Federer, Nadal, Djokovic…

Thứ Hai, 30/03/2020 13:27 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Federer, Nadal, Djokovic, Dominic Thiem,... làm gì khi nghỉ thi đấu vì Covid-19? Họ ở yên tại nhà, họ tự tập luyện, họ nghỉ ngơi thư giãn, và họ làm từ thiện,.... Song những gì chúng ta đọc được trên báo chỉ xoay quanh về những gương mặt có tên tuổi…

6 cầu thủ tệ nhất từng vô địch Champions League trong thập kỷ qua

6 cầu thủ tệ nhất từng vô địch Champions League trong thập kỷ qua

Một số cầu thủ với tài năng thực sự đã làm tất cả để giúp đội bóng của mình giành được chức vô địch danh giá nhất châu Âu. Một vài người khác thì không giống như vậy.

Thực tế phần lớn các tay vợt đang phải đối mặt với bài toán hóc búa về cơm áo, gạo tiền khi sự nghiệp của họ bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19 đang lan ra khắp toàn cầu.

Lời cầu khẩn tới ITF

Chúng ta vẫn hay nghĩ rằng quần vợt là môn thể thao cho những người dư dả (chứ chưa đến nỗi quý tộc như golf), vì để theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp, các tay vợt trẻ và gia đình của họ sẽ phải đầu tư cả đống tiền. Nhưng thật ra, phần lớn trong số họ đều không chỉ thi đấu vì đam mê mà còn vì phải kiếm sống. Với những tay vợt nhỏ, một cuộc chiến thực sự đã bắt đầu khi họ bị thất nghiệp (dù chỉ là tạm thời) do tác động của đại dịch Covid-19. Bạn sẽ làm gì khi chỉ có 100 USD trong túi và phải vật lộn sống qua ngày?

Sofia Shapatava, hạng 371 WTA, là một trong số những tay vợt như thế. Và cô quyết định rằng mình phải làm một cái gì đó để đảm bảo quyền lợi cho mình cũng như nhiều đồng nghiệp khác. Một lời cầu khẩn đã được gửi lên Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF), rằng họ cần giúp đỡ hàng trăm tay vợt đang lâm vào cảnh khốn khó khi sân quần đã và đang bị đóng băng trong vòng ba tháng vì đại dịch Covid-19.

“Những tay vợt xếp hạng ngoài Top 250 sẽ không thể mua đồ ăn trong vòng 2, 3 tuần”, Shapatova cảnh báo dù cô chẳng mấy tin tưởng ITF sẽ để ý tới lời cầu xin của mình, “Họ bảo rằng sẽ trả lời tôi sớm nhất có thể. Nhưng sau email ấy, không có bất kỳ thư trả lời nào nữa cả”.

Shapatava đã thi đấu chuyên nghiệp 16 năm, từng góp mặt ở Roland Garros 2014, và xếp hạng cao nhất là 188 WTA. Nhưng trong phần lớn quãng thời gian ấy, cô chỉ thi đấu ở hệ thống ITF (giành 2 danh hiệu). Đó là một sân chơi khác xa với hệ thống Grand Slam danh giá gắn liền với tên tuổi của những triệu phú như Serena Williams, Roger Federer, Novak Djokovic và Rafael Nadal. Trong sự nghiệp của mình, tay vợt 31 tuổi người Georgia đã đánh gần 1.500 trận đơn và đôi, nhưng chỉ thu về 354.000 USD tiền thưởng. Từ đầu năm, cô mới kiếm được khoảng 3.000 USD từ các giải đấu ở Andrezieux-Bouthion (Pháp), Michigan, Kentucky và Californian (Mỹ).

Chú thích ảnh
Trong năm 2020, Ksenia Kolesnikova chỉ kiếm được vỏn vẹn 68 USD tiền thưởng

Ai dám đầu tư cho họ?

Shapatava khá thiếu khốn, nhưng so với nhiều đồng nghiệp, cô vẫn còn hơn khối người. Hiện tại, bảng xếp hạng WTA có hơn 1.000 tay vợt, và bảng xếp hạng ATP cũng vậy. Hãy lấy Ksenia Kolesnikova (Nga) làm minh chứng. Tay vợt 27 tuổi này đang xếp chót trên bảng xếp hạng WTA ở vị trí 1.283, và trong năm 2020, cô kiếm được vỏn vẹn… 68 USD.

Rất nhiều các tay vợt ngoài Top 100 phải kiếm thêm bằng việc làm HLV hoặc thi đấu cho các CLB. Nhưng bây giờ, với việc sân quần bị đóng băng, nguồn thu của họ bị hạn chế tối đa. “Tôi đã gửi kiến nghị cho ITF sau khi nói chuyện với rất nhiều đồng nghiệp cũng như tham khảo kế hoạch của họ trong vòng 3 tháng tới. Tôi nhận ra rằng nhiều người thậm chí sẽ không thể mua thức ăn nữa”, Shapatava đã chia sẻ rất bi quan trên blog cá nhân, “Vấn đề là môn thể thao này sẽ chết, vì các tay vợt ở ngoài Top 150 sẽ không thể thi đấu”.

So với Shapatava, Alla Kudryatseva dư dả hơn nhiều. Tay vợt từng xếp hạng 15 thế giới và từng loại Sharapova ở Wimbledon 2008 giờ tụt xuống thứ 292 WTA, nhưng cô cũng đã gom góp được hơn 3 triệu USD trong sự nghiệp và hầu hết là từ các giải đánh đôi. “Tôi có tiền tiết kiệm và không phải lo lắng. Nhưng còn những tài năng trẻ đã chọn quần vợt làm nghề nghiệp của mình, và đang đứng trước ngưỡng cửa thi đấu nhà nghề? Những người chưa có cơ hội tích lũy tiền bạc? Ai dám đầu tư cho họ? Họ cũng không phải sinh viên để có thể nhận những khoản vay ưu đãi”, Kudryatseva băn khoăn.

Theo kế hoạch thì sớm nhất là ngày 8/6 tới, các giải đấu mới có thể trở lại. Mùa giải đất nện đã bị hoãn toàn bộ, trong khi Roland Garros thì được lui lại vào giai đoạn tháng Chín – tháng Mười, thay vì tháng Năm – tháng Sáu như truyền thống. Trước tình hình đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu bị kiềm chế, người ta cũng chưa rõ Wimbledon có thể diễn ra đúng theo kế hoạch là ngày 29/6 hay không.

Và quan trọng nhất, cho tới thời điểm này, ITF vẫn không có phản ứng tích cực nào với kiến nghị mà Shapatova gửi lên bằng cả tâm huyết của mình.

Tara Moore: Thật khó để sinh tồn vài tháng tới

Kiến nghị của Shapatava được khá nhiều người hưởng ứng, và Tara Moore là một trong số đó. “Rất nhiều các tay vợt đến từ những nước nhỏ không thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống, và cũng chẳng thể đòi quyền lợi vì họ thuộc dạng tự thân vận động. Thật khó để sinh tồn trong vài tháng tới”, Tara đồng tình với Shapatava.

Moore, 27 tuổi, mới kiếm được 2.500 USD từ đầu năm nhưng đã có 473.500 USD tiền thưởng trong sự nghiệp – chủ yếu nhờ những lần nhận suất đặc cách với tư cách tay vợt chủ nhà Wimbledon. Thành tích lớn nhất của tay vợt gốc Hồng Kông này là lọt vào vòng 2 Wimbledon 2016, và nó giúp cô bỏ túi 62.000 USD.

 

Tuấn Cương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›