Quần vợt: Trung Quốc trên đường tìm kiếm Li Na thế hệ mới

Thứ Ba, 06/10/2015 06:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng của Li Na ở các giải đấu lớn đặc biệt là Grand Slam đã đem lại những điều kỳ diệu cho quần vợt Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ một Li Na thì không đủ để đưa họ vào vị thế cao hơn trong bộ môn thể thao này.

Thời gian qua, quần vợt Trung Quốc cũng có nhiều điểm khởi sắc. Một bằng chứng hữu hình chứng minh sự phát triển của họ là giải quần vợt Vũ Hán Mở Rộng (Wuhan Open) với sân vận động có sức chứa 15 ngàn chỗ ngồi, bằng sân trung tâm của Wimbledon. Khán giả đến sân đều. Nước chủ nhà cũng có tới 12 tay vợt nằm trong Top 200 nữ, chỉ sau Nga, Mỹ và Cộng Hòa Séc. Điều này cho thấy một dấu hiệu cực kỳ lạc quan.

Những sự tiến bộ này là nhờ công lớn của Li Na, tay vợt châu Á đầu tiên giành chức vô địch đánh đơn Grand Slam với danh hiệu ở Roland Garros 2011 và Australian Open 2014. Và Li Na đã chọn cái kết rất đẹp là giải nghệ ngay trước lễ khai mạc giải Vũ Hán năm ngoái – cũng là quê hương cô.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ khó mà có thêm một nhà vô địch Grand Slam trong 10 năm tới vì quần vợt vẫn chưa được đầu tư kỹ lưỡng như nhiều bộ môn khác. Simon Chadwick, giáo sư về chiến lược kinh doanh thể thao tại Đại học Anh Coventry Business School cho rằng Trung Quốc cần phải có sự thay đổi văn hóa, tư duy trong cách làm thể thao nói chung và quần vợt nói riêng.

"Họ vẫn còn dồn nhiều ưu ái cho các bộ môn thể thao như thể dục dụng cụ, bơi lội nhưng quần vợt khác hoàn toàn. Nó cần nhiều sự đầu tư cho từng cá nhân một cách rõ ràng. Trừ khi Trung Quốc thay đổi tư duy văn hóa thể thao thì nền quần vợt nước họ mới có được sự phát triển ổn định và nhảy vọt”, Chadwick nhận định.

Li Na chính là một ví dụ điển hình cho thấy sự mâu thuẫn tồn tại giữa sự thiết lập nền thể thao của Chính phủ Trung Quốc với những tham vọng của họ để tỏa sáng trên các đấu trường quốc tế. Cô đã tự tách ra khỏi “bộ máy” đó để tự làm nhà trợ cho chính mình và chồng cô cũng chính là HLV của Li Na.

Bởi thế mà cô phải mất nhiều năm khó khăn tự vươn lên và không có được sự ưu ái của truyền thông nước nhà. Chỉ cho đến những năm cuối sự nghiệp khi mà Li Na bỗng dưng tỏa sáng bất ngờ trên sân khấu Grand Slam, cô bỗng trở thành siêu sao được ái mộ đặc biệt ở quê hương. Tại Vũ Hán, Li Na còn được đúc tượng đồng.   

Jorge Salkeld, thành viên hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch cao cấp tại Octagon Tennis của WTA, đồng thời là người khởi xướng Vũ Hán mở rộng cho rằng Li Na là một “yếu tố” cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của quần vợt Trung Quốc. Tín hiệu đáng mừng nhất là chính quyền các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng mở ra những học viện quần vợt mới.

Tuy nhiên, để tìm được Li Na thứ 2 như thế nào, hiện giờ họ chưa có câu trả lời.

Y.N
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›