Quảng Bình được xem là miền đất võ của miền Trung, là nơi có nhiều võ đường, võ phái đang hoạt động. Tuy vậy, việc các hội, liên đoàn võ thuật cùng lúc hoạt động và phát sinh nhiều vấn đề đang đặt ra những thách thức mới trong việc quản lý các tổ chức này đi đúng hướng.
Nhiều vấn đề tồn tại
Quảng Bình là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đã từng sản sinh ra nhiều danh nhân văn hoá, nhiều danh tướng nổi bật trong lịch sử song toàn cả văn lẫn võ, tiêu biểu như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…Có lẽ vì vậy, Quảng Bình là nơi có tinh thần thượng võ rất cao, người dân nơi đây yêu võ, trọng võ.
Trong những năm qua, mặc dù chưa đạt được nhiều thành tích cao trên các đấu trường chuyên nghiệp, các giải đấu quốc gia và quốc tế, tuy vậy, Quảng Bình được xem là địa phương có phong trào tập luyện võ thuật tương đối phát triển ở nhiều môn võ khác nhau như Võ cổ truyền, Vovinam, Taekwondo, Karate, và một số môn võ quốc tế khác…
Hiện nay, nhằm đưa phong trào tập luyện võ thuật đi vào nề nếp, các tổ chức hội, liên đoàn của các môn võ đã từng bước ra đời nhằm quản lý việc phát triển phong trào. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, một số tổ chức võ thuật cũng bắt đầu phát sinh những vấn đề chung đòi hỏi phải có sự cải tổ, thay đổi.
Tại Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình, mặc dù phong trào tập luyện trong tỉnh vẫn đang phát triển mạnh, tuy nhiên, công tác tổ chức Hội này đã phát sinh rất nhiều vấn đề nổi cộm xuyên suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua.
Cụ thể, trong suốt 10 năm qua, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Bình đã không có những hoạt động mang tính tổ chức khi Chủ tịch Hội này không tổ chức các cuộc họp BCH hàng năm; các vấn đề quan trọng không lấy ý kiến của BCH, Ban chuyên môn; không công khai các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch mới từ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền việt Nam; nhân danh Hội tự ý thực hiện các hoạt động cá nhân; cấp phép hoạt động võ thuật bừa bãi trái quy định pháp luật; chưa có quyết định chuẩn y của UBND tỉnh đối với các chức danh lãnh đạo trong Hội… Đáng chú ý, sau 3 năm hết hạn nhiệm kỳ khoá 2 (2015-2020), Hội võ thuật cổ truyền Quảng Bình vẫn chưa thể tổ chức Đại hội khoá mới do cá nhân Chủ tịch Hội là võ sư Trần Đình Nghĩ đã giới thiệu nhiều thành viên vào BCH khoá mới không có liên quan đến hoạt động võ cổ truyền khiến nhiều võ sư, huấn luyện viên phản đối, không đồng tình…
Mặc dù vậy, những việc này chưa được cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Nội vụ hay Sở VHTT tỉnh Quảng Bình chấn chỉnh kịp thời khiến giới võ cổ truyền trong tỉnh hết sức bức xúc.
Tại Liên đoàn Karate Quảng Bình, trong suốt 2 năm đầu của khoá I (2020-2025), phong trào tập luyện Karate Quảng Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia đông đảo của thanh thiếu niên trong tỉnh. Cùng với đó, thành tích thi đấu tại các giải đấu khu vực và quốc gia đã có sự cải thiện tích cực. Trong quá trình hoạt động, Liên đoàn Karate Quảng Bình nhận được sự quan tâm hỗ trợ lớn từ tỉnh, và các doanh nghiệp mạnh thường quân.
Tuy vậy, chu kỳ phát triển bắt đầu "chững lại" khi nhà báo Phùng Hiệp rời khỏi vị trí chủ tịch để trở lại Hà Nội và nhận nhiệm vụ mới tại VTV. Sau khi Liên đoàn Karate Quảng Bình thay đổi Chủ tịch, thành tích thi đấu giải khu vực Miền Trung - Tây nguyên bắt đầu đi xuống (từ 6 HCV trong giải năm 2022, chỉ còn lại 2 HCV trong năm 2023); đồng thời, Liên đoàn đã không còn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tài trợ cho Liên đoàn trước đây như Đất Xanh Miền Trung, An Phát, Babylon, Medlatec, Phước Sỹ, Netin Travel, Hyundai QB… Bên cạnh đó, các văn bản thu chi tài chính có đóng dấu và kiểm toán cua Liên đoàn cũng chỉ lưu hành nội bộ trong một vài thành viên chủ chốt chứ chưa được công khai rộng rãi với các thành viên BCH.
Theo một nguồn tin cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, mặc dù đã được UBND tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện bố trí 30 triệu đồng hỗ trợ chi phí hoạt động, tuy vậy, Liên đoàn Karate Quảng Bình vẫn âm nợ rất lớn và gần như không có khả năng chi trả nếu không kịp thời bổ sung nguồn từ xã hội hoá.
Cụ thể, âm 11 triệu đồng khi tổ chức đội tuyển thi đấu tại giải vô địch Karate Miền Trung - Tây Nguyên; âm 20 triệu đồng tiền chi phí Văn phòng Liên đoàn (mua sắm bàn ghế, máy tính, máy in, bảng hiệu và các chi phí khác hơn 50 triệu đồng, trong đó, Ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng).
Tại giải Giải vô địch Karate các câu lạc bộ Quảng Bình mở rộng lần thứ II năm 2023 tranh cup Tâm Việt Miền Trung, Liên đoàn tổng thu 179 triệu đồng (bao gồm thu từ lệ phí thi đấu 114 triệu đồng, 15 triệu đồng tiền từ 2 nhà tài trợ, tiền cho vay từ Công ty Tâm Việt Miền Trung 50 triệu đồng). Tuy vậy, tổng chi giải này lên đến 217 triệu đồng – âm 38 triệu đồng.
Đáng chú ý, số tiền âm nợ phần lớn đến từ nguồn vay ứng trước chứ không phải được tài trợ hoàn toàn từ doanh nghiệp của vị đương kim chủ tịch Liên đoàn (Công ty Tâm Việt Miền Trung) và sẽ được trừ nợ khi Liên đoàn có nguồn thu bù vào.
Nên thống nhất thành một mối?
Theo một võ sư lâu năm tại tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay bên cạnh các môn võ đã có phong trào tập luyện và phát triển lâu năm như Karate, Võ cổ truyền, Vovinam, thì một số môn võ mới cũng đã từng bước có mặt và bắt đầu phát triển tại Quảng Bình như Wushu, Boxing, Kick Boxing- Muay Thai…
"Nếu các môn võ này cũng từng bước xin cấp phép thành lập Hội, Liên đoàn thì khi ấy sẽ có rất nhiều tổ chức võ thuật đồng thời cùng hoạt động, sẽ tạo ra nhiều vấn đề trong khâu quản lý đối với cơ quan Nhà nước, nhất là khi các tổ chức võ thuật đã tồn tại hiện nay sau khi ra đời vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn mục tiêu xã hội hoá và công tác tổ chức", vị võ sư này cho biết.
Theo Sở Nội vụ Quảng Bình cho biết, Sở Nội vụ và Sở VHTT tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức liên đoàn, hội thể thao nhằm triển khai đề án sắp xếp hội quần chúng cấp tỉnh có tính chất tương đồng, trong đó có võ thuật.
Tại Quảng Bình, hiện nay tỉnh này đang có 3 tổ chức xã hội nghề nghiệp lĩnh vực võ thuật đang hoạt động đó là Liên đoàn Vovinam – Việt võ đạo tỉnh, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh, Liên đoàn Karate tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan, Phó giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình cho biết: "Chủ trương này đã có từ năm 2014, hiện nay Sở đang lấy ý kiến của các hội có chức năng tương đồng sau đó báo cáo UBND tỉnh xem xét. Có thể là sáp nhập hoặc không sáp nhập, nếu có chức năng tương đồng thì việc sáp nhập lại sẽ giúp cho bộ máy tinh gọn, còn nếu không tương đồng thì giữ nguyên. Trước mắt, Sở sẽ họp với các hội, liên đoàn để lấy ý kiến".
Được biết, hiện nay mô hình thành lập liên đoàn, hội võ thuật bao gồm các bộ môn võ thuật trực thuộc đã hình thành ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Long, Thanh Hoá, Cà Mau, Hà Nam, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Thọ…
Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh luôn tạo điều kiện cho việc thành lập hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội, hội, CLB thể thao nhằm phát triển phong trào. Tuy vậy, các đơn vị hội, hiệp hội, liên đoàn lập ra trên tinh thần tự nguyện, xã hội hoá kinh phí hoạt động chứ tỉnh không thể cấp Ngân sách để duy trì hoạt động cho các hội, liên đoàn được. Và nếu các hội, liên đoàn không thể tự duy trì được kinh phí xã hội hoá thì có 2 phương án là giải thể hoặc tính đến phương án sáp nhập với các hội khác tương đồng để thuận lợi cho việc quản lý.
Tags