(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình Trần Vũ Khiêm cho biết, ngày 27.8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2968 và 2971 về việc công bố 2 lễ hội ở tỉnh Quảng Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Đập trống của người Ma–Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) và Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Lễ hội Đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch ở bản Cà Roòng 1.
Để lễ hội diễn ra, ngay trong chiều 16 tháng Giêng âm lịch, dân bản đã dựng một dãy nhà tranh nhỏ làm nơi hành lễ và cũng là nơi treo trang trọng chiếc trống. Mâm cỗ cúng Giàng gồm rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo. Thời khắc trịnh trọng nhất của lễ hội là khi già bản thắp sáng nến sáp ong lên, cúi lạy giàng rồi khai hội bằng một hồi trống thật dài nhằm thông báo với thần linh, mời con ma rừng về dự hội.
Sau đó, từng nhóm dân bản hay khách thập phương về tham dự đều có thể thay nhau lấy que đập trống cho đến khi mặt trống vỡ mới thôi. Khi trống vỡ cũng là lúc trai gái dắt tay vào rừng tình tự hay tìm duyên nhau bên đống lửa bập bùng. Họ được tự do kết ước với nhau cho tới lúc mặt trời thức giấc rồi ai lại về nhà nấy, chăm chỉ làm lụng và mong ngóng những đêm trăng hội tiếp theo...
Về nguồn gốc của lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ, trong cuốn Ô Châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An, người làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ viết: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh, gái lịch. Hạ đến, bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa, nơi ca...”
Trước khi vào cuộc đua, bơi các làng xã ở Lệ Thủy đã có sự chuẩn bị chua đáo. Họ đóng những con thuyền đua dài, thon nhẹ, mũi nhọn, có độ lướt nhanh. Đường bơi đi qua nhiều làng xã, từ khu vực hạ lưu ở An Lạc lên đến thượng lưu ở Mỹ Thuỷ, cả một chặng sông dài đều nằm trong phạm vi của lễ hội. Khi cuộc đua diễn ra, dọc hai bên bờ sông, người người đứng chen chân để xem trên đường đua có những cuộc giành giật, bứt phá ngoạn mục, bất ngờ, hấp dẫn của các đội.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, người dân Lệ Thuỷ vui mừng đón Tết Độc lập và tổ chức đua thuyền vào dịp mừng Quốc khánh 2-9. Từ đó đến nay, hằng năm trên dòng Kiến Giang lễ hội đua thuyền truyền thống được duy trì, phát huy và trở thành lễ hội truyền thống cấp tỉnh.
Phạm Phú/Báo Văn hóa
Tags