Cả Quang Hải và Filip Nguyễn đều đang có những rào cản nhất định để toả sáng tại đội bóng mới CLB CAHN.
1. Cuối tuần vừa qua, Quang Hải đã có trận đấu đầu tiên trong màu áo CLB CAHN sau khi đồng ý ký vào bản hợp đồng gắn bó cùng đội bóng Thủ đô. Người hâm mộ và giới chuyên môn kỳ vọng anh sẽ toả sáng ngay lập tức khi trở lại môi trường quen thuộc với nhiều đồng đội tại ĐTQG.
Nhưng thực tế đôi khi khác biệt rất nhiều so với tưởng tượng. Quang Hải chơi hơn 70 phút trong cuộc đối đầu CLB SHB Đà Nẵng và không để lại quá nhiều dấu ấn. Việc ngôi sao này chưa thể toả sáng ngay lập tức đến từ một vài yếu tố khách quan tác động lên lối chơi, phạm vi hoạt động.
Cụ thể, chân sút sinh năm 1997 được bố trí đá vị trí tiền vệ kiến thiết trong sơ đồ chiến thuật 4-4-2 biến thể thành 2-4-4, 2-5-3 khi tấn công. Điều này khiến vị trí thi đấu của cầu thủ 26 tuổi bị đẩy ra rất xa khung thành thủ môn Phan Văn Biểu. Những chân sút ngoại như Gustavo, John Cley, Raphael Success được ưu tiên chiếm lĩnh khoảng không gần vòng cấm.
Thậm chí, những cầu thủ như Văn Hậu, Văn Thanh còn được ưu tiên đẩy lên thi đấu như một tiền đạo mỗi khi CLB CAHN có bóng. Việc phải thi đấu lùi sâu, quá xa khung thành và không có hệ thống phụ trợ làm cho vai trò của Quang Hải trên hàng tấn công trở nên mờ nhạt.
Trong suốt thời gian có mặt trên sân, Quang Hải thậm chí còn phải lùi sâu hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn cả việc lên tham gia tấn công. Tại đội tuyển Việt Nam, Quang Hải vẫn chơi tiền vệ nhưng anh được phép hoạt động tự do, bởi 2 "máy quét" phía dưới là Tuấn Anh, Hoàng Đức đảm bảo cho Quang Hải có đủ nguồn cấp bóng và không phải lo lắng quá nhiều cho mặt trận phòng ngự.
2. Không chỉ riêng Quang Hải gặp phải khó khăn trong trận đấu đầu tiên cùng CLB CAHN, thủ thành Filip Nguyễn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vị trí thủ môn đem đến cho anh đặc thù phải giao tiếp nhiều, chỉ huy hàng phòng ngự, điều chỉnh cách đứng chỗ, di chuyển cho bộ tứ vệ phía trên.
Tuy nhiên, do mới trở về Việt Nam và không có vốn tiếng Việt cần thiết nên thủ thành sinh năm 1992 gần như "mất liên lạc" với các đồng đội phía trên. Theo dõi trận đấu thì thấy Filip Nguyễn đa số giao tiếp với đồng đội bằng tiếng Anh hoặc ít đưa ra các chỉ thị chi tiết về vị trí đứng.
Thủ thành mang 2 dòng máu Việt Nam - CH Czech chỉ đưa ra các khẩu lệnh đơn giản như: "bên phải", "bên trái", "lùi sâu", "lên cao"…bằng tiếng Anh. Rất khó để những hậu vệ phía trên, đặc biệt là 2 trung vệ Bùi Tiến Dụng, Huỳnh Tấn Sinh, có thể mau chóng hoạt động hiệu quả, ăn khớp cùng người đồng đội mới Filip Nguyễn.
Đây là lý do mà CLB CAHN sẽ phải thuê riêng giáo viên dạy tiếng Việt cho cầu thủ 31 tuổi này. Sợi dây liên kết giữa hậu vệ và thủ môn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giao tiếp của cả 2 bên.
"Thủ môn phải là người hô, nói thật nhiều để hàng thủ phía trên biết vị trí đứng hợp lý, có cầu thủ nào đối phương lẻn ra sau không, bẫy việt vị thế nào…", một HLV đào tạo thủ môn trẻ cho biết.
Khi rào cản về ngôn ngữ được xoá bỏ hoặc thời gian thi đấu cùng nhau đủ lâu, Filip Nguyễn sẽ dần khắc phục được các điểm yếu mắc phải và chỉ huy hàng thủ tốt hơn. Anh cũng cần thời gian để thích nghi tốt hơn với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam.
Giống như câu chuyện tại CLB CAHN, Filip Nguyễn sẽ phải cải thiện khả năng giao tiếp rất nhiều nếu hướng đến một suất cạnh tranh trong khung gỗ cùng Đặng Văn Lâm, Đình Triệu, Nguyên Mạnh…
Tags