Cũng không có gì lạ khi ở một nền bóng đá còn kém phát triển, chúng ta luôn kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến, nhiều kỳ tích hoặc đòi hỏi sự thay đổi mau lẹ hơn. Tuy nhiên, khi tiệm cận đến một mức độ nào đó, thì điều quan trọng không phải là kỳ vọng nhiều hay ít mà phải học cách chấp nhận những điều thực tế.
1. Đến thời điểm này, mối quan tâm về chuyến xuất ngoại của Quang Hải là hầu như không còn. Khả năng ra sân đá chính cho Pau FC đã vô cùng thấp, nhất là ở giai đoạn cuối mùa giải này, mà triển vọng Quang Hải sẽ được chuyển đến một CLB tốt hơn thì lại càng không, bởi mọi căn cứ tuyển dụng đều dựa trên những gì mà Quang Hải thể hiện ở Pau FC.
Chuyện Quang Hải sẽ ra sao ở trời Âu vẫn chưa thể nói chắc, nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế đó là khả năng thành công quá thấp, nếu không nói là gần như không có. Đó là thứ phải chấp nhận. Nó không liên quan gì đến tài năng của cầu thủ Việt Nam, đẳng cấp của Quang Hải cả. Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế là vậy.
Cần tách bạch 2 chuyện: Vẫn phải khuyến khích, trân trọng, ghi nhận nỗ lực xuất ngoại tìm kiếm thử thách bản thân của các cầu thủ Việt Nam. Nhưng mặt khác, cần phải thừa nhận tỷ lệ thành công là vô cùng thấp. Chấp nhận được cả 2 điều này, thì mới có những tính toán cho sau này, với các phương cách hợp lý, khoa học hơn chứ không thể cứ quyết định dựa trên cảm tính.
Ví dụ như cách nghĩ rằng tài năng như Quang Hải phải sang châu Âu, Nhật Bản … chứ sang Thái Lan thì thà đá V-League còn hơn. Thực tế thì chưa chắc ở ThaiLeague, Quang Hải đã là ngôi sao. Hơn nữa, cũng không nên xem ThaiLeague ngang tầm V-League, vì thực tế là bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua Thái Lan. Đó cũng là điều phải học cách chấp nhận.
2. Quang Hải xuất ngoại, ngoài lý do của cá nhân anh, còn có một thực tế là nếu đá ở V-League anh sẽ mất động lực phấn đấu. Chơi bóng cho đội bóng mạnh nhất Việt Nam từ 17 tuổi đến nay, mọi danh hiệu đều có, thì nếu có ở lại V-League Quang Hải sẽ chẳng biết làm thế nào để nâng cao tài nghệ cá nhân.
Nghĩa là vấn đề nằm ở tính cạnh tranh của V-League không tốt. Hà Nội chỉ mới lên đá V-League từ 2009 đến nay nhưng họ thống trị đến mức tuyệt đối. Một vài mùa giải họ không vô địch, có vẻ như là chính họ tự lùi lại hơn là do các đối thủ tiến lên.
Tất nhiên là trên thế giới cũng chẳng thiếu các đội bóng làm điều tương tự ở giải vô địch quốc gia của họ, nhưng thử nghĩ xem, trước khi Hà Nội FC xuất hiện, V-League có đến 4-5 nhà vô địch khác nhau, nhưng sau đó con số ngày càng ít đi, thậm chí như các trường hợp của SHB Đà Nẵng hay Quảng Nam đều bị xem là có sự "hỗ trợ" từ Hà Nội FC.
Đội bóng của bầu Hiển vượt trội đến mức mà người ta đưa ra "thuyết âm mưu" về sự thao túng của ông bầu này thông qua một loạt đội bóng có mối quan hệ gián tiếp. Việc Hà Nội vô địch nhờ thực lực, hay nhờ "liên minh" thì cả 2 đều không tốt cho V-League, vì nó triệt tiêu tính cạnh tranh cần thiết của một giải đấu.
V-League không chỉ "dở" ở chuyện này, mà còn vô số chuyện khác. Như chuyện các đội bóng khi được lấy ý kiến về điều lệ, về lịch thi đấu … thì cứ 100% thông qua nhưng khi có vấn đề gì thì lại phản ứng, than vãn. Ví dụ như vụ lùm xùm "đụng" thương quyền tài trợ giữa HAGL và V-League, hay chuyện đá ít - nghỉ dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng V-League. Phía Công ty VPF, đơn vị tổ chức giải, thì cho biết các quyết sách đó đều đã thông qua các CLB từ đầu chứ họ đâu có tự quyết.
Đụng chạm đến quyền lợi của mình nhưng chính các CLB chuyên nghiệp còn không quan tâm, thì chuyện vì sao Hà Nội FC cứ vô địch hết mùa này sang mùa khác, cũng thành chuyện nhỏ.
Một giải đấu mà phần lớn các đội bóng đều chỉ cố đá cho xong, trụ hạng, chạy kiếm tiền, đá tiếp mùa sau thì có bảo Quang Hải ở lại Việt Nam thi đấu thì cũng khó. Đội nào đủ tiền trả lương? Trả trong bao lâu? Xây dựng đội bóng ra sao để giúp Quang Hải phát huy khả năng? Tất cả các yếu tố đó đều liên quan đến tham vọng vô địch theo kiểu dài hạn chứ không phải là đổ tiền ra 1-2 mùa giải không được thì thôi.
Thế nên, việc HLV Philippe Troussier mong muốn V-League đá mỗi năm 10 tháng, 40-50 trận là điều không thể xảy ra, cần phải chấp nhận sự thật này. Đá càng nhiều càng tốn kém. Đã không có động lực, thì đá nhiều hay đá ít cũng vậy thôi.
Nếu điểm lại những đối thủ cạnh tranh của Hà Nội FC trong khoảng 5-6 mùa trở lại đây, chúng ta sẽ không thấy những đội bóng cũ, ngoài trường hợp của HAGL trong mùa giải dang dở 2021. Các thế lực trước đây ở đâu rồi? Tại sao bầu Hiển làm bóng đá lâu dài còn những người khác thì không?
3. Với một V-League như vậy, thì cái cách mà HLV Troussier bắt tay vào việc thực hiện tham vọng World Cup từ đội bóng trẻ cũng là lẽ đương nhiên. Nếu mục tiêu là World Cup 2026, thì lẽ ra việc đầu tiên ông Troussier làm là phải với đội tuyển quốc gia do HLV Park Hang Seo trao lại mới đúng vì đa số họ đều đang ở độ tuổi trẻ, thêm 1-2 năm nữa vẫn ở đỉnh cao sự nghiệp. Đành rằng ông Troussier kiêm công việc ở đội U23 theo hợp đồng, nhưng mục đích chính khi tuyển dụng ông vẫn là World Cup mà năm sau thì đã bắt đầu đá vòng loại rồi.
Nhưng có thể ông biết rằng ông khó tìm ra được nhân tố mới nào từ V-League, tương tự như người tiền nhiệm Park Hang Seo. Danh sách đội tuyển hiện nay, phần lớn đều đến từ Hà Nội FC hay Viettel, Bình Định, tức là các đội bóng được xem là mạnh nhất V-League.
Nếu V-League vẫn diễn ra thiếu tính cạnh tranh, số ứng cử viên hoặc các CLB có tham vọng vô địch cũng chỉ chừng đó, thì dù đi xem tất cả các trận đấu thì ông Troussier và các trợ lý cũng chỉ nhìn thấy chừng đó cái tên. Thậm chí, có khi vẫn phải gọi lại những Quang Hải, Công Phượng … dù họ không ra sân thi đấu ở Pháp hay Nhật Bản.
Nhìn vào nội lực của một nền bóng đá, thì vẫn phải bắt đầu từ giải vô địch quốc gia. ThaiLeague xuất khẩu hàng chục cầu thủ ra nước ngoài gần một thập niên nay, có những người khá thành công, chắc chắn cũng có nguyên nhân từ chất lượng của ThaiLeague.
Vậy mà 20 năm trước, khi V-League mới ra đời, cầu thủ Thái Lan kéo sang Việt Nam thi đấu hơn phân nửa đội hình tuyển quốc gia, qua đó cũng nói lên được tính cạnh tranh, chất lượng của V-League không tồi. Và điều đó, thể hiện ở số đội bóng từng vô địch trước khi Hà Nội FC có mặt…
Hiện đang có 6 cầu thủ Việt Nam thi đấu ở nước ngoài là Huỳnh Như (Lank FC), Quang Hải (Pau FC), Công Phượng (Yokohama FC), Văn Toàn (Seoul E-Land FC), Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Cảnh Anh (Cheonan City FC), nhưng người thành công nhất tính đến thời điểm này là Huỳnh Như. Tiền đạo chủ lực của đội tuyển nữ Việt Nam đã ghi 4 bàn sau 12 trận ở giải vô địch quốc gia và 2 bàn ở Cúp Quốc gia Bồ Đào Nha cùng 2 pha kiến tạo. Huỳnh Như không phải cầu thủ ghi bàn nhiều nhất, nhưng tính trên số phút thi đấu, thủ quân đội tuyển nữ Việt Nam đang là tiền đạo hiệu quả nhất tại Lank FC. Cụ thể, Huỳnh Như chỉ cần 121,5 phút để ghi 1 bàn thắng, cao hơn so với con số 138,9 phút cho mỗi pha lập công của chân sút chủ lực Malu Schmidt.