(Thethaovanhoa.vn) - Như đã biết, CLB đang chơi ở J2 League (giải hạng 2) của Nhật Bản Renofa Yamaguchi đã chính thức gửi thư cho CLB Hà Nội đề nghị cho mượn hoặc bán đứt Quang Hải nhưng phía đội bóng Việt Nam đã từ chối.
- HLV Lê Thụy Hải ủng hộ việc Quang Hải chưa xuất ngoại
- Từ Công Vinh... tới Quang Hải
- Quang Hải và giấc mơ hóa rồng của cầu thủ Việt
Chúng ta khẳng định đây là quyết định chính xác từ nhà tân vô địch V-League 2018. Còn nếu giả định CLB Hà Nội đồng ý cho Quang Hải sang Nhật Bản thi đấu cho Renofa Yamaguchi thì liệu tiền đạo 21 tuổi nên ra đi hay ở lại?
Không khó để chúng ta thấy ngay là Quang Hải nên ở lại. Renofa Yamaguchi đang xếp thứ 12 ở J2 League, là đội bóng vào loại trung bình của giải hạng 2 Nhật Bản. Sang J2 League thi đấu cho họ thì Quang Hải có cơ hội thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp hơn V-League, có chất lượng kỹ chiến thuật cao hơn V-League, có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ những đồng đội tài năng hơn.
Nhưng đấy là trên lí thuyết với điều kiện Quang Hải phải được ra sân thường xuyên, thể hiện được tài năng và hòa nhập tốt. Thực tế liệu viễn cảnh ấy có thành hiện thực? Rất khó tin như vậy.
Thực tế, cơ hội để Renofa Yamaguchi lên chơi ở J1 League là không có vì hiện họ kém điểm nhóm cạnh tranh vé lên chơi ở J1 League khá nhiều mà mùa giải chỉ còn 10 vòng. Nhưng ngay J2 League cũng vẫn có chất lượng cao hơn V-League, cạnh tranh khốc liệt hơn và không có cơ sở nào khả dĩ để chúng ta tin rằng Quang Hải sẽ có nhiều cơ hội thi đấu hơn những Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường từng xuất ngoại trước em.
Những gì diễn ra với Công Phượng (cũng chơi ở J2 League nhưng chỉ được ra sân đúng 5 trận) hay Công Vinh (cũng đá ở J2 League và được đá nhiều hơn một chút với 9 trận) hay Xuân Trường (hầu như chỉ dự bị tại CLB ở K-League của Hàn Quốc) có thể coi là những tấm gương tày liếp mà Quang Hải cần soi vào để thấy.
Khi sang Nhật, sang Hàn thi đấu, những ngôi sao kia cũng nổi như cồn, cũng tỏa sáng ở trong nước và cũng được kỳ vọng rất nhiều nhưng rốt cuộc không ai trong số họ khẳng định được vị trí, được trao cơ hội thi đấu thường xuyên ở đội bóng của mình.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Quang Hải sang chơi cho Renofa Yamaguchi và cùng chung số phận như Công Phượng, Tuấn Anh? Lấy đâu ra cơ hội cho Hải học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ kỹ chiến thuật khi năm thì mười họa mới được vào sân thi đấu?
Nhưng nếu Quang Hải vẫn ở lại với CLB Hà Nội thì ngược lại. Ở đây, Hải là ngôi sao tấn công hàng đầu của đội và mặc định đá chính thường xuyên. Quang Hải có cơ hội phát triển sự nghiệp lên tầm cao mới vì chúng ta nên nhớ năm nay Quang Hải mới 21 tuổi và cần có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn qua thực tiễn thi đấu.
Và dĩ nhiên, Quang Hải dễ dàng tham gia thi đấu cho ĐTQG cũng như đội U23 Việt Nam, điều không dễ làm được nếu em sang Nhật Bản chơi cho Renofa Yamaguchi vì khi đó VFF sẽ phải thương lượng với đội bóng Nhật để dàn xếp cho Quang Hải trở về Việt Nam. Về phía CLB Renofa Yamaguchi, thực sự họ muốn có Quang Hải vì lẽ gì?
Nếu vì tài năng chuyên môn thì tại sao bây giờ lời đề nghị mới được gửi đến CLB Hà Nội trong khi Quang Hải đã nổi lên từ khá lâu trước đó? Thời điểm đưa ra đề nghị mượn hoặc mua đứt Quang Hải của đội bóng Nhật Bản đến sau khi em rực sáng ở VCK U23 châu Á và cũng chơi khá hay ở ASIAD 2018 khiến người ta phải tin rằng họ nhắm đến tài năng trẻ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam lúc này vì mục đích thương mại.
Nhưng thực sự thì Quang Hải cần gì nhất vào lúc này, ở tuổi 21 này? Rõ ràng không phải là những hợp đồng quảng cáo, tài trợ mà là tiếp tục mài giũa, trau dồi chuyên môn, tiếp tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để hướng tới một sự nghiệp thành công bền vững thay vì chạy theo ảo vọng trước mắt với những rủi ro tiềm ẩn. Xét cho cùng, khi Quang Hải càng thi đấu thành công thì giá trị hình ảnh của em càng được nâng cao và những gì ngoài bóng đá em thu được tự nhiên sẽ đến.
HT
Tags