(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cũng là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội hướng ra biển, phấn đấu đến năm 2020 đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
- Cuốn sách ảnh vô giá về biển đảo Việt Nam của nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn
- Chung tay phổ biến, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo ở Tây Nam bộ
- Biển đảo là mũi nhọn phát triển bền vững, hiệu quả du lịch Kiên Giang
Là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển
Tỉnh Quảng Nam có 6/18 đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển, bao gồm 2 thành phố (Hội An, Tam Kỳ) và 4 huyện (Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành.)
Với chiều dài bờ biển trên 125 km và 2 cửa biển lớn là Cửa Ðại (gắn liền với phố cổ Hội An) và cửa An Hòa (gắn liền với Khu Kinh tế mở Chu Lai), cùng với các làng nghề truyền thống (làng chài Hà My, nước mắm Cửa Khe, Tam Hòa, Tam Hải…), các phong tục tập quán, lễ hội vùng biển (lễ hội cầu ngư, lễ hội làng nghề…) đã giúp Quảng Nam có lợi thế lớn để đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái đa dạng.
Cùng với đó, với ngư trường rộng lớn, thềm lục địa kéo dài, vùng biển Quảng Nam có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều loài thuộc loại quý hiếm. Đặc biệt, cách thành phố Hội An gần 20km về phía Đông là quần đảo Cù Lao Chàm-khu bảo tồn biển quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới với các hệ sinh thái đặc thù gồm quần thể san hô và các loài hải sản đa dạng, phong phú.
Tận dụng những lợi thế trên, thời gian qua, Quảng Nam đã chú trọng quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản…
Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản tăng dần qua các năm, năm 2012 đạt 82.300 tấn, năm 2013 đạt 83.900 tấn, năm 2014 đạt 91.766 tấn, năm 2015 đạt trên 97.600 tấn và năm 2016 đạt trên 102.600 tấn. Cùng với đó, nhiều tour tuyến du lịch biển, khám phá đời sống dân cư ven biển được đưa vào khai thác và được nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm như ngắm hoàng hôn trên sông Thu Bồn kết hợp khám phá đời sống của cư dân làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, ngư dân Cửa Đại; Khám phá Cù Lao Chàm… Kinh tế biển đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực vùng Đông của tỉnh.
Bên cạnh phát triển kinh tế biển, tỉnh cũng luôn chú trọng đến nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển với sự gắn kết liên hoàn 3 tuyến biển-đảo-bờ và lực lượng bảo vệ biển, đảo được xây dựng vững mạnh cả về tổ chức, biên chế và trang bị. Các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên các đảo cũng được tỉnh đầu tư xây dựng khá kiên cố.
Đưa kinh tế biển và vùng ven biển giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế
Trong định hướng phát triển, Quảng Nam đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ven biển; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh; giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển.
Theo đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành thủy sản bền vững trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng và chế biến, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, kết hợp bảo vệ chủ quyền. Cụ thể, điều chỉnh, sắp xếp lại nghề khai thác hải sản ven bờ, đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ; kiện toàn các tổ, đội tàu cá xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần trên biển. đẩy mạnh công nghiệp chế biến hải sản; đa dạng đối tượng nuôi, phát triển nuôi trồng kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái;
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các xã ven biển; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp chế tạo, công nghiệp điện, khí...
Về du lịch, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo trên cơ sở bảo tồn, phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vùng biển, đảo của tỉnh gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Về vận tải biển, tiếp tục nạo vét luồng các tuyến sông Trường Giang, sông Bàn Thạch, sông Cổ Cò, Bến Cảng Kỳ Hà và Tam Hiệp để đón tàu có trọng tải lớn 30.000 tấn. Đẩy mạnh việc tổ chức các tuyến vận tải quốc tế, đặc biệt là tuyến Chu Lai - Hàn Quốc. Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông liên kết trong vùng, thông tuyến giao thông đường bộ ven biển, xây dựng các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A với vùng ven biển.
Minh Hiếu (tổng hợp)
Tags