(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 18/3, Ban tế tự và Ban quản lý di tích đình làng An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ hàng trăm năm trước.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được các tộc họ xã An Hải tổ chức trang nghiêm, thành kính với những nghi thức cúng lễ như: Lễ yết, Lễ Cung nghinh, Lễ thả thuyền… Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất của thế hệ cha ông đối với thế hệ trẻ ngày nay; đồng thời, thể hiện nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người dân trên đảo Lý Sơn.
Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 17, khi vào trấn nhậm phía Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải nay thuộc xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Theo đó, mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được sung vào đội Hoàng Sa.
Đến đầu thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ vua ban, những dân binh phải lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu trong suốt 6 tháng, từ tháng Hai đến tháng Tám âm lịch.
- Việt Nam phản đối hành vi trồng rau của Trung Quốc ở Hoàng Sa
- Triển lãm bản đồ và tư liệu 'Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử'.
Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương vì nước quên thân. Hiện nay, tên tuổi của những người con hy sinh vì non sông, đất nước, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được sử sách ghi lại.
Ngay sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Đinh Hương/TTXVN
Tags