Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có các quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong đó, Quảng Ninh có 5 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu; lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái) và lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên).
Như vậy đến nay, Quảng Ninh có tổng cộng 12 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bảy Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); lễ hội đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội đình Trà Cổ; lễ hội đình Quan Lạn và lễ hội Bạch Đằng. Đây là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác phục dựng, phát huy giá trị di sản gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa. Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ ngành Du lịch phát triển bền vững; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè bốn phương.
Trước đó, ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 2 di tích của tỉnh Quảng Ninh, gồm: Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn); Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái).
Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, văn hóa Quảng Ninh thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Văn hóa địa phương được cấu thành bởi văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Tags