(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/5, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019.
Theo đó, kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) 2019 của các bộ, ngành thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu 17 bộ, ngành về Chỉ số CCHC năm 2019. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ GTVT.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước, cuối cùng là tỉnh Bến Tre.
Cụ thể, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 84,64%. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 84,43%, tăng 0,72%. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 lần lượt thuộc về thành phố Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây.
Bến Tre là địa phương xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành phố, với kết quả đạt 73,87%. Chi tiết kết quả đánh giá cũng cho thấy, công tác CCHC năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khá nhiều tồn tại, hạn chế.
Khoảng cách chỉ số CCHC của tỉnh cao nhất là Quảng Ninh (90,09%) với tỉnh thấp nhất là Bến Tre (73,87%) là 16,22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước, 62 tỉnh, thành phố có điểm đánh giá tăng so với năm 2018.
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.
Chỉ số SIPAS 2019 nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Năm 2019 là năm thứ ba SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc và kết quả Chỉ số SIPAS 2019, tương tự như năm 2018, 2017, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2019, 10 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt. So sánh năm 2019 với năm 2018, 41/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng, 22/63 tỉnh giảm. So sánh năm 2019 với năm 2018 và 2017, 25/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng bền vững qua các năm, 35/63 tỉnh tăng thiếu bền vững và 3/63 tỉnh giảm.
My Lan
Tags