Ngày 10/5, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh".
Theo đó, Hội thảo nhằm nghiên cứu định vị Then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, không gian văn hóa Then và văn hóa Tày - Thái nói riêng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị Then của người Tày huyện Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề xuất các giải pháp khai thác diễn xướng Then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu nói riêng, khu vực cư trú các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam nói chung.
Những năm vừa qua, các cấp ủy Đảng, Chính quyền huyện Bình Liêu rất quan tâm đến phát triển du lịch của địa phương thể hiện qua nhiều đề án, chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch. Trong đó, huyện Bình Liêu xác định di sản then là vốn quý của địa phương và là một sản phẩm du lịch rất có tiềm năng. Tuy nhiên việc khai thác và đưa di sản này vào hoạt động thực tiễn ở Bình Liêu đang gặp rất nhiều khó khăn gồm cả yếu tổ chủ quan cũng như khách quan. Đây cũng là lý do cơ bản để huyện Bình Liêu tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển Du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh".
Hội thảo khoa học lần này do UBND huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển (thuộc Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn) và Chương trình Thái học Việt Nam thực hiện với sự tham gia của 36 nhà khoa học đến từ các Trường Đại học, Cao đẳng có uy tín trong đào tạo Văn hóa, Du lịch; Viện nghiên cứu văn hóa, Chương trình Thái học Việt Nam và địa phương. BTC Hội thảo đã nhận được 22 tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Trong hội thảo này, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc cử giảng viên Nguyễn Văn Bách (Khoa Nghiệp vụ VH&DL) tham gia viết và trình bày tham luận. Trước đó, các đại biểu đã tham gia điền dã, khảo sát và tìm hiểu thực tiễn, xem diễn xướng then nghi lễ, hoạt động của các câu lạc bộ hát then - đàn tính, hoạt động chế tác đàn tính, soạn lời then, trưng bày các hiện vật mang giá trị văn hóa gắn liền với then; Ngày hội Then Tày Bình Liêu, biểu diễn các trích đoạn nghi lễ then, trích đoạn sinh hoạt văn hóa gắn liền với then và ẩm thực của dân tộc Tày.
Năm 2019, Thực hành Then của các tộc người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo hồ sơ của Viện âm nhạc đệ trình lên UNESCO thì di sản thực hành Then hiện diện ở 11 tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, trong đó có huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh. Cộng đồng người Tày ở địa phương này chủ yếu thuộc nhóm Tày Phén và có di sản then hiện diện cả ở hình thức thực hành tín ngưỡng then cũng như then sân khấu.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên thì vùng then Bình Liêu còn giữ được nhiều nét nguyên bản trong lề lối thực hành và hệ thống thần điện so với các vùng then khác. Đồng thời, theo NSND Triệu Thủy Tiên thì âm nhạc trong then Bình Liêu có nhiều giai điệu độc đáo và là kho báu quý giá, dồi dào để khai thác.
Bình Liêu là huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh với hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Then Tày Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2013. Trong những năm qua, các cấp ngành cùng người dân đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy vốn di sản quý giá này.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu chia sẻ, huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.
Đến nay, huyện đã hoàn thành đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Địa phương mong muốn được các nhà khoa học giúp định vị diễn xướng Then Bình Liêu trong vốn văn hóa chung của Việt Nam, khẳng định giá trị của diễn xướng Then Bình Liêu, cũng như chỉ ra những giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của di sản.
Thạc sĩ Tô Đình Hiệu, Trung tâm Thể thao và Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, Then là một liệu pháp tinh thần, giúp người Tày vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống; là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng với tâm thế hứng khởi, tin tưởng vào sự sáng suốt của chế độ được nhìn nhận với một tâm thế, khí thế mới. Cũng có nhiều tác phẩm diễn tả những tâm tư sâu kín của cá nhân với những ca từ ví von ý nhị, thể hiện được nét đặc sắc của ngôn ngữ Tày.
Tiến sĩ Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, diễn xướng Then Tày là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu, đặc sắc, phản ánh một cách sinh động đời sống xã hội trong tiến trình hình thành và phát triển của người Tày ở miền biên viễn này. Trong Then, mọi sinh hoạt ở xã hội xưa đều được thể hiện thông qua hàng loạt những mẩu truyện thần thoại, những truyện cổ tích, những câu thành ngữ, tục ngữ, châm ngôn, tất cả đều được xâu chuỗi, miêu tả rất sinh động, logic thành từng tầng, từng lớp, từng giai đoạn của sự phát triển xã hội.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc kết hợp bảo tồn và đưa Then vào phục vụ du lịch sẽ giúp du khách thấy sức hấp dẫn và sự lan tỏa của Then trong đời sống văn hóa cộng đồng. Để thu hút du khách, nội dung diễn đạt cần tập trung vào những câu chuyện, sự tình hấp dẫn (có thể mới sáng tác), gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương; ngôn ngữ dễ tiếp nhận; xây dựng không gian văn hóa Then Tày Bình Liêu để giới thiệu và trưng bày các sản phẩm liên quan đến Then như đàn tính, xóc nhạc, pháp khí (ấn, kiếm, cái xin âm dương...), trang phục và kinh sách.
Địa phương có thể xây dựng các sản phẩm liên quan đến Then để bán cho du khách (đồ thủ công mỹ nghệ, các đặc sản địa phương); đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát triển các làn điệu Then cổ, việc giáo dục nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ; xây dựng cơ sở dữ liệu về Then Bình Liêu (lịch sử, văn hóa, âm nhạc, và các dạng biểu diễn khác). Chính quyền địa phương cần đưa ra những chính sách liên quan đến việc khuyến khích nghệ nhân giữ nghề; đầu tư, xây dựng Nhà truyền thống của người Tày và khu sân khấu ngoài trời trong quy hoạch tổng thể; phát huy vai trò gia đình, dòng họ và cộng đồng trong việc trao truyền giá trị Then trong đời sống hiện nay…
Việc phát triển Then để phục vụ du lịch là hướng đi đúng và hết sức cần thiết. Then sẽ tăng thêm giai điệu, sắc màu cho du lịch phát triển, và ngược lại, lợi ích thu được từ du lịch sẽ góp phần cổ vũ, nuôi sống Then.
Kết thúc hội thảo, ông Hoàng Ngọc Ngò (Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu) bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn được các nhà khoa học giúp định vị diễn xướng Then ở Bình Liêu trong vốn văn hóa chung của Việt Nam, khẳng định giá trị của diễn xướng Then Bình Liêu, cũng như chỉ ra những giải pháp để bảo tồn, để phát huy được giá trị quý báu của di sản".
Tags