Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi mới được tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.
Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện tại, toàn tỉnh đang có trên 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, cụ thể 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao quốc gia.
Đáng chú ý, hiện nay tỉnh đã có 25 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Điển hình như Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long (khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) được đưa vào hoạt động từ năm 2021 với diện tích khoảng 3.000m 2 , trưng bày, giới thiệu và bán khoảng 100 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài vị trí thuận lợi, trung tâm được tổ chức khá quy củ dưới dạng một điểm dừng chân thu hút các đoàn khách. Các sản phẩm OCOP của tỉnh được lựa chọn trưng bày, giới thiệu dưới dạng đặc sản địa phương, theo chủ đề, không gian từng tầng. Tầng 1 là siêu thị hải sản, các sản phẩm hải sản đặc trưng như: Chả mực, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, ruốc tép và các sản phẩm OCOP Hạ Long. Tầng 2 là sản phẩm OCOP các địa phương trong tỉnh. Hầu hết các sản phẩm đều đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo đánh giá của Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương: Đây là một trong những trung tâm OCOP lớn của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh. Không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo sức hút với du khách, mà còn tạo được đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp tục được thực hiện có hiệu quả thông qua các sự kiện, như: Hội chợ OCOP Xuân, Hội chợ OCOP Hè, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc và một số lễ hội truyền thống của các địa phương... thu hút hàng chục vạn lượt du khách và người dân tham quan mua sắm mỗi năm. Cùng với đó, sản phẩm OCOP còn được giới thiệu quảng bá tại Lễ hội Trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ), Hội đình Tràng Y (xã Đại Bình), Hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội hoa sở Bình Liêu... Đặc biệt sản phẩm OCOP cũng được quảng bá sâu rộng tại các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch...
Đến nay, đã có trên 100 sản phẩm nông thủy sản của tỉnh được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị (Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...); có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh tới rộng rãi các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực đến người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đối với những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh.
Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh cả năm ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ 2021. Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng do dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động du lịch mở cửa trở lại. Với lượng khách và doanh thu trên cho thấy ngành du lịch tỉnh đang được khai thác hiệu quả. Điều này mở ra cơ hội để các địa phương, tổ chức, cá nhân khai thác lợi thế sẵn có nhằm đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục tới gần hơn với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thời gian tới, để hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ phát huy được hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được giá trị kinh tế và nhiệt tình tham gia. Các cấp chính quyền chú trọng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ. Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ, Tuần xúc tiến OCOP... tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, thu hút, giữ chân được khách du lịch.
Tags