Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin kế hoạch này nằm trong báo cáo của Bộ trưởng Lao động Lee Jeong-sik trình Tổng thống Yoon Suk-yeol về kế hoạch làm việc năm 2023 của bộ. Trước hết, chính phủ Hàn Quốc hướng đến đảm bảo 18 tháng nghỉ nuôi con cho cả lao động nữ và lao động nam.
Cả cha và mẹ đều đủ điều kiện miễn là họ đang làm việc, mặc dù cơ cấu trả lương cho khoản trợ cấp mới này vẫn chưa được xác nhận.
Đề xuất này sẽ được đưa ra bỏ phiếu, và nếu được xác nhận, sự thay đổi này sẽ khiến thời gian nghỉ phép dành cho cha mẹ vốn đã tăng khá nhiều của Hàn Quốc trở thành dài nhất ở châu Á. Đây cũng sẽ là thời gian nghỉ sinh con dài nhất trên thế giới.
Các quan chức cho biết kế hoạch này là nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nhiều cặp vợ chồng xin nghỉ thai sản hoặc nghỉ sinh con để đối phó với tỷ lệ sinh rất thấp của đất nước.
Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu của Hàn Quốc
Tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ Hàn Quốc năm 2021 là 0,81 con/người, giảm so với năm trước và phá vỡ kỷ lục thế giới về tỷ lệ sinh thấp. Đây là dữ liệu được Cục Điều tra Dân số Hàn Quốc công bố trong tuần, kèm nhận định nước này đang đối mặt với viễn cảnh giảm hơn một nửa dân số vào cuối thế kỷ 21.
Nhiều năm liền, Hàn Quốc nằm trong nhóm quốc gia phát triển có tỷ lệ sinh giảm. Để so sánh, tỷ lệ sinh ở Mỹ là 1,66 và ở Nhật Bản là 1,37. Tỷ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ là 2,09 con/người, theo điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê.
Hàn Quốc đang đối diện với nguy cơ bất ổn về dân số do tỉ lệ sinh con thấp.
Theo chuyên gia, các nước cần giữ tỷ lệ sinh trung bình là khoảng 2,1. Tuy nhiên, năm 2020, tỷ lệ sinh trung bình trong suốt cuộc đời một phụ nữ Hàn Quốc là 0,84 con. Như vậy, tỷ lệ sinh năm 2021 được cho là con số thấp nhất trong 6 năm liên tiếp ở nước này.
Cùng kỳ, số trẻ sơ sinh của Hàn Quốc cũng xuống mức thấp nhất mọi thời đại, là 260.000 trẻ, giảm 4,3% so với năm trước. Đây là năm thứ hai liên tiếp, số trẻ chào đời của nước này dưới 300.000.
"Người dân cảm thấy khó khăn khi sinh con, lập gia đình và nuôi dạy con cái. Nếu chúng ta coi sinh con là thước đo cơ bản của cuộc sống thì dữ liệu khá ảm đạm", Lee Samsik, giáo sư về chuyên ngành chính sách tại Đại học Hanyang ở Seoul, cho biết.
Hệ quả của tỷ lệ sinh thấp là tháp dân số Hàn Quốc bị thu hẹp trong hai năm qua. Tháp dân số cho thấy dân số mới của đất nước (trẻ sơ sinh) ít đi theo từng năm, trong khi tỷ lệ người lao động mới cũng thấp. Điều này có nghĩa dân số Hàn Quốc có xu hướng già hóa. Các trường học đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, quân đội mở rộng điều kiện nghĩa vụ quân sự vì không tuyển đủ người. Số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm khiến lương hưu giảm theo.
Ở góc độ khác, Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định tỷ lệ sinh và tỷ lệ tham gia lao động nữ của Hàn Quốc "phản ánh các chuẩn mực xã hội cố định, khó thay đổi". Theo ông, các khoản trợ cấp có thể giúp ích nhiều song chúng không tạo ra sự khác biệt lớn. Hỗ trợ tài chính đối với các cặp vợ chồng nhìn chung tác động hạn chế đến khả năng sinh sản.
Người trẻ nước này cũng đối mặt với áp lực xã hội, áp lực công việc kéo dài nhiều giờ và văn hóa tiếp rượu cấp trên, đồng nghiệp sau khi tan làm. Những vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng với phụ nữ đi làm. Các yếu tố đó khiến nhiều người không còn khát khao trở thành cha mẹ. Hơn một nửa thanh niên Hàn Quốc cho biết họ không muốn có con sau khi kết hôn.
Văn hóa cạnh tranh của xã hội Hàn Quốc, bất bình đẳng thu nhập lớn và giá bất động sản cao đang buộc những người trẻ tuổi phải gác lại kế hoạch kết hôn và sinh con.
Thay đổi quan niệm
Kể từ khi chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ được đưa ra lần đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 2001, số lượng nhân viên hưởng chế độ này đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, nam giới đã bắt đầu tận dụng sự thay đổi văn hóa này tại nơi làm việc của Hàn Quốc, nơi mà thời gian làm việc dài là tiêu chuẩn và việc dành thời gian nghỉ ngơi từ trước đến nay đã bị phản đối.
Theo dữ liệu từ Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, 27.423 lao động nam đã nghỉ thai sản vào năm 2020, tăng 23% so với năm 2019 và hơn gấp đôi so với 12.042 người vào năm 2017.
Ngoài ra, nghiên cứu mới từ Viện Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc chỉ ra 16,8% trong 1.000 cặp phụ huynh trẻ cho biết họ từng hoặc đang có ý định xin nghỉ thai sản. Các đôi ở độ tuổi 20 chiếm đa số với 30,4%, theo sau là nhóm cha mẹ trên 30 tuổi và ngoài 40.
Thời gian nam giới Hàn Quốc dành để chăm sóc con cái thấp hơn vợ
"Các cặp vợ chồng trẻ coi việc nuôi con là nghĩa vụ chung, không đặt nặng trách nhiệm lên người phụ nữ như trước", Kwon Me-kyung - nhà nghiên cứu tại Viện Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc - nhận định.
Ngoài ra, với luật hiện hành của Hàn Quốc, các cặp vợ chồng phải nghỉ phép chăm sóc con trước khi đứa trẻ được 8 tuổi và trong ba tháng đầu tiên nghỉ phép chăm con toàn thời gian, các cặp vợ chồng có thể nhận được 80% thu nhập hàng tháng của họ, được tài trợ thông qua hệ thống bảo hiểm việc làm của chính phủ nếu con số đó rơi vào khoảng từ 700.000 won đến 1,5 triệu won.
Trong chín tháng còn lại, cha mẹ có thể nhận 50% tiền lương hàng tháng của họ, với giới hạn được đặt trong khoảng từ 700.000 won đến 1,2 triệu won.
Áp lực vô hình việc "bố nghỉ thai sản"
Bất chấp điều kiện nghỉ thai sản của các bậc cha mẹ đã được cải thiện về cả thời gian lẫn mức chi trả, nhiều người vẫn tỏ ra rất ngại ngùng và không muốn sử dụng quyền lợi của họ.
Kim Ji-hoon (37 tuổi), nhân viên văn phòng ở Seoul, mới trở lại làm việc sau 3 tháng xin nghỉ thai sản. Kim cho biết văn hóa doanh nghiệp của công ty khiến anh khó xin nghỉ phép, dù ngày càng nhiều đồng nghiệp nam muốn làm như anh.
"Nghỉ thai sản là một điều cấm kỵ ở nhiều công ty. Khi một nhân viên nam như tôi nói sẽ sử dụng chế độ nghỉ phép của cha mẹ, những người xung quanh lo lắng và hỏi liệu anh ta có nghỉ việc hay không. Tôi đã trải qua tình huống tương tự khi yêu cầu nghỉ phép", Kim nói.
Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Hàn Quốc, tỷ lệ người bố nghỉ thai sản quay trở lại công việc ở các công ty lớn duy trì ở mức 87,4%, trong khi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, con số này chỉ là 69,5%. Sự vi phạm các chính sách nghỉ thai sản, ví dụ như sa thải người lao động hoặc đối xử tệ bạc... chỉ vì việc sử dụng kỳ nghỉ thai sản đã tăng từ 101 trường hợp (năm 2016) lên 265 trường hợp (năm 2018). Một số công ty thậm chí từ chối cho phép nhân viên nam nghỉ thai sản.
Ông Yi Sang-gu, chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi xã hội Hàn Quốc cho rằng, rào cản lớn nhất là "văn hóa Nho giáo định hình việc người phụ nữ ở nhà chăm con, trong khi đàn ông đến nơi làm việc kiếm tiền". Tuy nhiên điều này không đúng trong xã hội ngày nay khi cả vợ và chồng đều phải kiếm tiền và nó đã dẫn đến sự xung đột giữa nhu cầu gia đình và định kiến xã hội.
Do vậy, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, bởi trẻ em cần phải phát triển nhận thức từ khi còn nhỏ về sự thay đổi vai trò giới trong xã hội. Ý thức đàn ông cũng nên chăm sóc con cái ở nhà nên được nhấn mạnh trong sách giáo khoa ở trường học, hoặc trong các quảng cáo dịch vụ công cộng của chính phủ.
Ngoài ra, cũng cần có thêm các bộ phim, chương trình truyền hình đề cập đến lợi ích của việc người cha chăm sóc con cái, biến khái niệm này thành một phần của văn hóa đại chúng.
Tags