Quốc gia nhỏ nhất hành tinh

Thứ Năm, 13/03/2014 08:57 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Sau 3 hiệp ước lịch sử, hơn 20 văn bản khác nhau bị xé bỏ, “quốc gia mini” Vatican chính thức ra đời, một trong những quốc gia kỳ lạ nhất thế giới.

85 năm đã trôi qua, kể từ khi Giáo hoàng Pio XI cùng Thủ tướng Ý đương nhiệm ký Hiệp ước Laterano đặt nền móng cho quốc gia Vatican. Tối 11/2/1929, cả nước Ý đổ ra đường, người ta đốt đuốc sáng rực trời và hò reo nhảy múa. Chuông gióng từ tất cả các tháp nhà thờ, trên đỉnh Alps cũng hừng hực lửa lễ hội. Các tín đồ Thiên Chúa giáo ăn mừng sự thỏa hiệp được mong đợi bấy lâu giữa chính quyền và giáo hoàng.

Thăng trầm quốc gia mini

Để có được chữ ký từ ngòi bút vàng của Hồng y Gasparri và Mussolini dưới 3 hiệp ước lịch sử ấy, người ta đã đấu tranh giành giật từng con chữ và dấu phẩy mất hơn 30 tháng và xé đi hơn 20 văn bản khác nhau. Chỉ qua đó mới có được Nhà nước Vatican như ta biết ngày hôm nay. Nhưng để hiểu rõ xuất xứ sự kiện ấy, có lẽ nên xem lại quá khứ thăng trầm của nhà nước mini dành cho các mục đồng của Thiên Chúa.

Giáo hoàng Pio XI, người ký Hiệp ước Laterano đem quyền tự chủ cho Nhà nước Vatican

Giáo hoàng Pio XI, người ký Hiệp ước Laterano đem quyền tự chủ cho Nhà nước Vatican

Trụ sở của Giáo hoàng cho đến thế kỷ 14 không ở Vatican, mà trong Cung điện Laterano. Tên gọi Vaticano thuộc về ngọn đồi bên bờ phải sông Tevere, thời cổ đại cũng là sàn diễn xiếc của bạo chúa Nero mà theo truyền thuyết chủ yếu làm nơi hành hình các tín đồ Thiên Chúa giáo và Do Thái. Hoàng đế Constantino Đệ nhất sai dựng một nhà thờ kèm phần mộ ở đó và Vatican trở thành điểm hành hương tới mộ Thánh Pietro. Dần dần, xung quanh mọc lên các nhà trọ dành cho khách thập phương, cũng như hàng loạt nhà thờ và nghĩa địa. Từ năm 1377 trở đi các giáo hoàng mới chọn nơi đây làm nhiệm sở. Cho đến cuối thế kỷ 18, lãnh thổ của Nhà nước Thiên Chúa trải rộng ra tận miền Trung Ý hôm nay, nghĩa là giữa Roma và Bologna, ra tận bờ biển Adriatico.

Cách mạng Pháp 1798 đánh dấu sự ra đời của Cộng hòa La Mã và năm 1808 Vatican bị sáp nhập vào Vương quốc Ý. Trên thực tế nhà thờ chưa bao giờ mất quyền thống trị trong phạm vi của mình, tuy nhiên, như đã thấy, chỉ sau Hiệp ước Laterano thì Vatican mới thực sự là một quốc gia tự chủ, được quyền phát hành tem thư riêng, có nhà ga riêng, biển số xe (SCV hay Stato Della Citta Dell Vaticano - Nhà nước thành phố Vaticano), thậm chí từ năm 2002 còn được sản xuất đồng euro riêng có chân dung các giáo hoàng. Với chưa đầy nửa cây số vuông, đây là quốc gia nhỏ nhất hành tinh.

Chung sống hòa bình

Ngoài mặt, hai bên đều cố không nhắc đến sự kiện tháng 9/1870, khi quân Ý dùng vũ lực chiếm Roma. Hiệp ước Laterano là dấu chấm hết kỷ Băng hà đó, và hai quốc gia lập ngay quan hệ ngoại giao hàng đại sứ. Giáo hoàng Pio XI thậm chí còn khen Mussolini là “người có tài nhìn xa trông rộng”.

Đội cận vệ truyền thống từ 1506 của Vatican, thuê từ Thụy Sĩ

Đội cận vệ truyền thống từ 1506 của Vatican, thuê từ Thụy Sĩ

Hiệp ước có hiệu lực từ 7/7/1929, và lính cận vệ Vatican lập tức gác đường biên giới. Thay cho cánh cửa đồng thau của Cung điện Giáo hoàng xưa nay chỉ hé một nửa để biểu thị mối hiềm khích với Ý, nay suốt ngày mở toang và chỉ để một lính cận vệ cầm giáo đứng gác với tính tượng trưng. Bộ trưởng Tài chính Ý trao ngay một ngân phiếu 0,75 tỉ lire để bồi thường cho lãnh thổ Vatican bị mất từ nửa sau thế kỷ 19, cộng với 1 tỉ lire công trái. Trong cùng ngày, giáo hoàng cũng công bố một dạng Hiến pháp, trong đó quy định về quốc tịch Vatican.

10 hôm sau, công dân Vatican chính thống đầu tiên ra đời, đó là con trai một nhân viên tòa thánh, được bố mẹ đặt tên riêng là Pius Benito (tên của giáo hoàng và Mussolini). Và tháng 10/1929, khi tổ chức thống kê dân số, người ta đã đếm được 500 người!

Sau ngày lập quốc, công tác xây dựng cũng được đẩy mạnh. Cung điện mới của Chính phủ Vatican, Governatorato, có 3 cổng, được coi là nơi nhập cảnh từ Ý vào Vatican, do lính cận vệ Thụy Sĩ gác. Khi thương lượng ở Laterano, Vatican đòi có đường riêng đi ra Địa Trung Hải nhưng bất thành. Hai bên thỏa hiệp là Vatican có quyền lập nhà ga riêng. Hôm nay chẳng mấy ai đi tàu hỏa, và nhà ga biến thành cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm miễn thuế cho nhân viên tòa thánh - người tu cũng có những ước ao bình dị như người trần vậy.

Tiếng lành tiếng dữ

Ở Vatican cho đến nay, ngày 11/2 là ngày lễ, kỷ niệm sự hòa giải giữa nhà thờ và nhà nước. Nhưng ngay khi chữ ký chưa ráo mực, chính quyền Mussolini luôn gây khó dễ và vi phạm nhiều khoản trong hiệp ước. Năm 1931, Mussolini giải thể các hiệp hội thanh niên Thiên Chúa giáo trên toàn quốc. Sau đó, Chính phủ phát xít Ý (đã theo đuôi Hitler) tuyên bố người Thiên Chúa giáo và Do Thái cải đạo không được phép kết hôn tại nhà thờ... Những hành vi tương tự vấp phải sự phản kháng dữ dội của dân Ý nói chung, và người ta nóng lòng chờ ngày lễ kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Laterano, 11/2/1939, khi một lễ cực lớn tại nhà thờ Thánh Pietro diễn ra. Ai cũng muốn nghe từ miệng Giáo hoàng Pio XI những lời phản đối chính sách của Mussolini cũng như lên án sự vi phạm hiệp ước.

Nhưng ngày 11/2/1939 lại bắt đầu bằng tin dữ: rạng sáng đó giáo hoàng qua đời. Dù ngài đã ốm từ lâu, nhưng trong những ngày cuối người ta được tin là ngài liên tục chỉnh sửa bài diễn văn và đề nghị các thầy thuốc cố tìm mọi cách để ngài còn được nói chuyện lần cuối với các tín đồ từ bao lơn Basilica Di San Pietro. Cái chết của Giáo hoàng Pio XI, dù không đột ngột nhưng vẫn gây ra bao lời đồn thổi, cũng vì nội dung bài nói chuyện của ngài được giữ bí mật một thời gian dài. Từ Vatican loan ra tin đồn là giáo hoàng cân nhắc có nên cắt hẳn quan hệ ngoại giao với Ý.

Mãi đến 1959, khi bài diễn văn được giải mật, mới biết là mọi tin đồn đều vô căn cứ. Giáo hoàng chỉ kêu gọi dân Ý đảm nhận một trách nhiệm nhân đạo và than phiền về sự phát triển vũ trang trước bối cảnh Thế chiến II.

Dù vậy, chưa bao giờ tắt hẳn tin đồn Mussolini đã sai đầu độc giáo hoàng. Bên giường bệnh đêm cuối trước khi Pio XI từ trần, chỉ có mặt một thầy thuốc: bác sĩ Francesco Petacci - bố của Clara Petacci, bồ nhí Mussolini.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›