(Thethaovanhoa.vn) - Thượng viện Mỹ ngày 29/9 vẫn còn tranh cãi về một dự luật chi tạm thời, trong khi chỉ còn một ngày nữa để ngăn chặn kịch bản đóng cửa chính phủ.
Những ngày tới được dự đoán sẽ là những ngày quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, khi ông sẽ phải đàm phán để thông qua hai dự luật chi khổng lồ, cũng như biện pháp nâng trần nợ công mà không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Nhưng ưu tiên khẩn cấp nhất bây giờ là nguồn kinh phí cho các cơ quan liên bang, hiện chỉ có thể hoạt động đến hết ngày 30/9. Các nghị sỹ Dân chủ tại Thượng viện đang chuẩn bị một dự luật chi tạm thời để duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ đến ngày 3/10.
Ông Chuck Schumer, Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, cho biết họ có thể thông qua biện pháp này nhanh chóng và gửi đến Hạ viện, để có thể trình lên Tổng thống ký ban hành trước khi nguồn kinh phí hiện tại hết hạn vào cuối ngày 30/9.
Nước Mỹ chưa từng xảy ra trường hợp đóng cửa chính phủ trong tình trạng khẩn cấp như đại dịch COVID-19. Nhưng theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, đợt đóng cửa chính phủ vào cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 đã khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 11 tỷ USD.
- Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tránh đóng cửa chính phủ
- Tổng thống Mỹ cảnh báo đóng cửa chính phủ liên bang vì vấn đề nhập cư
- Tổng thống Trump muốn đóng cửa chính phủ thêm lần nữa?
Một khi khả năng đóng cửa chính phủ bị đẩy lùi, đảng Dân chủ sẽ có thể tập trung vào việc nâng trần nợ công và thông qua hai dự luật chi khổng lồ của Tổng thống Biden, đó là kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD và kế hoạch chi xã hội trị giá 3.500 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng Chính phủ Mỹ có thể hết ngân sách vào ngày 18/10, trừ khi Quốc hội nâng trần nợ công.
Dù đã từng bị áp lực nâng trần nợ công dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng các nghị sỹ Cộng hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ một biện pháp như vậy trong lần này, vì họ không đồng tình với các gói chi tiêu khổng lồ nói trên của đảng Dân chủ.
Khánh Ly/TTXVN (Theo AFP)
Tags