Sau 6 năm, thương hiệu phim Quý cô thừa kế của đạo diễn Hoàng Duy được anh đưa trở lại màn ảnh rộng với phần 2 vừa được công chiếu. Và có lẽ, yếu tố mới mẻ của phần này chỉ nằm ở dàn diễn viên đã được thay hoàn toàn so với phần 1, còn lại tất cả đều lộ sự cũ kỹ về mô-típ, cách kể, cách quay.
Với một kịch bản lạc hậu như vậy, dường như sự trở lại của 2 gương mặt đình đám một thời trên màn ảnh là Huy Khánh và Trang Nhung không giúp được nhiều cho Quý cô thừa kế 2, dù cả 2 đã nỗ lực hết sức để tròn vai.
Mới mà cũ
Với một câu chuyện lấy phái nữ làm trọng tâm, Quý cô thừa kế 2 chọn thời điểm ra rạp dịp lễ 8/3 rất phù hợp. Tuy nhiên thời điểm phát hành có lẽ là thứ hợp lý duy nhất ở một bộ phim nhiều điểm bất hợp lý như Quý cô thừa kế 2.
Phim xoay quanh Kim, một tiểu thư được nuông chiều, có cuộc sống sang chảnh nhưng gia đình không hạnh phúc. Cha cô, doanh nhân Cao Minh, có tính cách gia trưởng, thích áp đặt vợ con. Mẹ cô, cựu ca sĩ Hải Đường, là người phụ nữ nhẫn nhịn, từ bỏ sự nghiệp ca hát để chăm lo cho chồng con.
Tuy nhiên, sự gia trưởng của cha và sự nhu nhược của mẹ khiến Kim đâm ra bất mãn với gia đình. Cô sống nổi loạn, ăn chơi lêu lỏng, chống đối cha mẹ. Tình hình căng thẳng trong nhà xảy ra ngày càng dồn dập hơn, như thể có bàn tay sắp xếp của ai đó. Kim quyết tâm tìm ra sự thật và tìm cách vạch mặt kẻ chủ mưu.
Mô-típ một cô gái nhà giàu bất ngờ phải lâm vào cảnh sống nghèo khổ của phần 1 tiếp tục được lặp lại ở phần này. Nhưng phần 1 còn có nhiều tình huống khắc họa sự vật vã để thích nghi với hoàn cảnh mới của nhân vật chính. Ở phần 2, nữ chính hòa nhập ngay tức thời với công việc lao động tay chân, cảnh sống thiếu thốn tiện nghi.
Diễn biến tình cảm của Kim với Nam, chàng trai mới quen, cũng chóng vánh không kém. Chỉ sau 1 lần thấy anh ngồi đọc sách trong quán, Kim đã để ý. Qua vài câu nói làm quen, hỏi han về quyển sách Nam đọc, cả 2 phải lòng nhau lập tức. Nam cưu mang Kim khi cô bỏ nhà đi bụi, thậm chí chấp nhận làm kẻ "đổ vỏ" khi Kim bị hại dẫn đến có thai.
Khán giả không thấy được quá trình chuyển biến tâm lý của nhân vật Kim. Thêm vào đó, việc biên kịch - đạo diễn Hoàng Duy không dành thời lượng để giới thiệu về xuất thân, tính cách của nhân vật Nam càng khiến người xem khó đồng cảm với họ. Chưa hết, việc xây dựng thế giới của các nhân vật cũng hời hợt, tả ít kể nhiều.
Chẳng hạn, sự giàu có, thành đạt của doanh nhân Cao Minh được thể hiện qua lời nói của chính chủ là chính - khi Minh hết khoe bản thân chưa từng thất bại trong dự án nào đến khoe vợ đeo trang sức tiền tỷ. Còn nữ chính Kim được miêu tả là tiểu thư, sống trong nhung lụa nhưng từ bối cảnh căn nhà đang sống, quần áo, phụ kiện đến phong thái của nhân vật đều không toát lên vẻ thượng lưu cần có.
Nỗ lực của diễn viên "đổ sông đổ biển"
Quý cô thừa kế 2 có bối cảnh quay nghèo nàn, chủ yếu quanh quẩn trong ngôi nhà của gia đình Kim, quán bar cô hay lui tới và gánh hàng phá lấu bán trong hẻm. Những khung hình, góc máy, ánh sáng, tông màu đầy dụng ý hay những hình ảnh mang tính ẩn dụ - các thứ làm nên tính "xi nê" - cho một bộ phim hoàn toàn vắng bóng.
Thiếu hình ảnh có chất điện ảnh nhưng phim lại thừa thãi thoại. Thoại thậm chí không ăn nhập với bối cảnh. Chẳng hạn đang trong bàn tiệc tiếp đãi đối tác làm ăn có cả nam lẫn nữ, các bà lại bàn tán, rủ rê nhau đi nâng ngực, sửa sắc đẹp để giữ chồng.
Ngoài thoại dở, một "bệnh" muôn thuở khác của phim Việt mà Quý cô thừa kế 2 cũng mắc phải là kịch bản nhiều lỗ hổng. Cao Minh được miêu tả là một doanh nhân lão luyện nhưng dễ dàng bị "tiểu tam" - một cô gái trẻ, mới tập tành làm diễn viên - dắt mũi. Đỉnh điểm, màn giăng bẫy của Kim để vạch mặt Mây được dàn dựng qua loa, hời hợt, gượng ép làm người xem chưng hửng. Mọi chi tiết bí mật trong kế hoạch trả thù của Kim được người trong cuộc thuật lại, tóm tắt trong vòng "1 nốt nhạc". Cứ thế các "cú twist" (nút thắt) trong phim luôn được giải quyết bằng lời kể.
Điểm sáng hiếm hoi của phim là nỗ lực của dàn diễn viên. Huy Khánh thể hiện tốt sự độc đoán gia trưởng của nhân vật Cao Minh. 2 diễn viên trẻ Quyên Qui (vai Kim) và Thanh Trâm (vai Mây) lần đầu đảm nhận những vai diễn quan trọng trong phim điện ảnh nhưng nhập vai khá tự nhiên. Trong đó nổi bật là nữ chính Quyên Qui sở hữu ngoại hình sáng, đài từ tốt. Diễn xuất của cô không bị quá lép vế trong những cảnh đóng chung với Huy Khánh, Trang Nhung. Cảnh cao trào khi Kim uất ức cãi tay đôi với ba để vạch tội bạn thân được cô thể hiện nhiều cảm xúc - dù ở cô biểu cảm trợn mắt vẫn bị lặp lại nhiều gây nhàm chán.
Nhìn chung Quý cô thừa kế 2 có cốt truyện giàu kịch tính nhưng do cách kể thiếu hấp dẫn, dàn dựng tình huống và phát triển tâm lý nhân vật có phần sơ sài nên sẽ khó thu hút khán giả.
Màn tái xuất đặc biệt
Tâm điểm chú ý của phim Quý cô thừa kế 2 nằm ở sự tái xuất của diễn viên Trang Nhung sau 10 năm rời xa màn ảnh. Vai diễn Hải Đường trong phim được biên kịch - đạo diễn Hoàng Duy cũng là chồng cô viết "đo ni đóng giày" cho vợ.
Công bằng nhìn nhận, Trang Nhung vẫn cho thấy phong độ diễn xuất ổn định. Cô lột tả được nỗi khổ của một người vợ, người mẹ hy sinh nhiều cho chồng con nhưng không được cả 2 thấu hiểu, trân trọng. Có điều, tuyến nhân vật Hải Đường của cô không có nhiều thời lượng bằng nhân vật Kim nên ấn tượng về lần tái xuất này khá mờ nhạt. Cộng thêm tổng thể chất lượng phim không tốt, màn trở lại này chưa được "bùng nổ" như kỳ vọng.
Tags