(Thethaovanhoa.vn) - Theo quy định của Thông tư 15 mới ban hành, mỗi bàn khám nếu vượt quá 65 lượt khám/ngày sẽ chỉ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 50% chi phí. Quy định này khiến nhiều bệnh viện tuyến trên trong tình trạng quá tải phải sắp xếp để bệnh nhân không phải ra về.
- Sơn La xác nhận bé trai 4 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La
- Hai trẻ bị trao nhầm tại Bệnh viện Ba Vì đoàn tụ với cha mẹ đẻ
- Vụ tai biến chạy thận: Khởi tố Phó Giám đốc và nguyên Trưởng phòng vật tư Bệnh viện Hòa Bình
Không để ùn ứ bệnh nhân
Từ ngày 15/7, Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là quy định với mỗi bàn khám, bác sĩ chỉ được khám 65 lượt người bệnh/ngày, từ người bệnh thứ 66 trở lên chỉ được BHYT 50% mức giá khám bệnh và thậm chí không được BHYT chi trả nếu bàn khám đó liên tục vượt định mức trong một quý.
Với quy định mới này khiến nhiều người bệnh nơm nớp lo đi khám sẽ bị quá lượt, phải quay về hoặc phải chi trả thêm tiền khám; còn các bệnh viện cũng lo sắp xếp bàn khám, bác sĩ khám để đảm bảo định mức, không để ùn ứ bệnh nhân.
Từ Hải Phòng lên chờ khám ung thư vú tại bệnh viện K, cơ sở Quán Sứ, chị Trần Thị Thủy (47 tuổi) cho biết: “Xếp hàng chờ khám BHYT thường lâu vì bệnh nhân rất đông. Tôi không biết quy định mới về số lượt khám nhưng vẫn được xếp số khám bình thường. Nếu quy định mới mà để ai quá lượt phải ra về, chờ hôm sau thì bệnh nhân rất khổ hoặc nếu được khám mà phải trả thêm tiền thì cũng khó khăn vì các xét nghiệm, khám về ung thư rất đắt tiền”.
Cũng đi khám tiểu đường định kỳ bằng BHYT,tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà Đinh Thị Bích (60 tuổi, ở Ninh Bình) cho biết bà phải sắp xếp đi từ 5 giờ sáng để xếp hàng lấy số khám vì sợ đông bệnh nhân, vậy mà số chờ kết quả xét nghiệm của bà vẫn là 305.
“Tôi được biết vừa có quy định mới là BHYT chỉ trả một nửa chi phí khám bệnh nếu khám quá lượt quy định nên cứ nơm nớp sợ đến muộn, vào đúng con số bị quá lượt thì phải ra về hoặc phải trả thêm tiền khám nếu không được thanh toán. Rất may, tuy phải đợi đến chiều nhưng tôi vẫn được khám và chi trả thuốc, chi phí khám như bình thường, có thể bệnh viện vẫn sắp xếp được nên không thấy ai gặp rắc rối gì” bà Bích cho biết.
Không chỉ nhiều bệnh nhân lo lắng, bệnh viện cũng phải tìm cách sắp xếp để đảm bảo thuận lợi cho người bệnh, không bị vượt quá số lượng khám tại các bàn khám.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K cho biết: “Từ khi áp dụng Thông tư 15, hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra bình thường không có gì đột biến. Theo quy định mới, BHYT chỉ thanh toán đủ khi đảm bảo định mức không quá 65 lượt khám/bàn khám/ngày; để giúp thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, bệnh viện đã phải bố trí thêm bàn khám và tăng cường thêm bác sĩ tại các bàn khám để không bị vượt hạn mức quy định”.
Cũng theo ông Tĩnh, hiện số bàn khám của bệnh viện K được bố trí là 35 bàn khám. So với con số trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám thì bệnh viện vẫn đảm bảo được ở mức 57,1 lượt khám/bàn khám/ngày nằm trong giới hạn chi trả của BHYT, bệnh viện cũng chưa bị xảy ra tình trạng ùn ứ bệnh nhân.
Sắp xếp hợp lý
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư 15 quy định mức cao nhất là 65 người/bàn khám là mức để BHYT chi trả tiền khám. Nhiều người lo ngại tuyến trên quá tải bệnh nhân sẽ xảy tình trạng bệnh nhân thứ 66 trở lên sẽ không được khám và phải ra về; tuy nhiên việc tính toán định mức này là tương đối sát với thực tế, khối lượng bệnh nhân cũng đến không đến mức quá tải để phải đi về. Việc đưa ra những định mức này là để hạn chế việc lạm dụng chạy theo số lượng.
Theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện nay, số lượng người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế rất đông nhưng không đồng đều; ở một số bệnh viện chỉ đông và quá tải bệnh nhân vào đầu tuần nhưng cuối tuần thì vắng hơn nên có những ngày số lượt khám/bàn khám rất cao nhưng có những ngày lại rất thấp.
Vì vậy, Bộ Y tế đang tiến hành rất nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải, trong đó việc sắp xếp lịch khám hợp lý cho từng đối tượng bệnh nhân. Đơn cử như với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, chỉ đi khám định kỳ thì khuyến khích không nhất thiết phải đến khám vào buổi sáng để tránh gây quá tải mà nên đến vào buổi chiều hoặc tránh ngày đầu tuần đông bệnh nhân.
“Để sắp xếp định mức lượt khám/bàn khám phù hợp, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện ngoài việc tăng bàn khám, tăng bác sĩ… Phải bố trí hợp lý bác sĩ điều trị nội trú, thăm khám buồng bệnh vào buổi chiều để tập trung giải quyết cho bệnh nhân khám ngoại trú trước, tránh để người bệnh chờ lâu, không bị rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân”, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết.
Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Tags