(Thethaovanhoa.vn) - Thời xưa hàng Tết bán phân phối ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Tất cả chỉ được cái mã. Hộp mứt Tết cũng chỉ để bày ban thờ cho đẹp. Các loại bánh cũng thế. Khô và cứng như ngói hoặc là ỉu mềm đến mủn rã ra và hôi mùi cứt gián. Nên các nhà ở Hà Nội thường hay đi thuê nướng bánh quy gai.
Hồi đó, sau ông Công ông Táo độ vài bữa, bà nội đưa cái làn tre kiểu Cao Bằng bảo nó đi làm bánh. Mọi năm nó vẫn được theo bà đi thuê người ta nướng bánh mỗi dịp sát Tết thế này. Nhưng năm nay bà yếu, không đi bộ được nữa.
Trong cái làn ấy là một gói bột mì mua bằng sổ lương thực gói trong túi giấy xi măng, dăm quả trứng gà ta, bát đường kính, non nửa bát con mỡ lợn mới, gói bột nở con con, lọ thủy tinh penexilin đựng vani. Đó là tất cả các nguyên liệu để làm bánh quy gai.
Thằng bé cẩn thận xách cái làn ấy lên nhà bà bạn của bà chuyên làm bánh trên phố Đường Thành, đoạn quay ra cái vườn hoa, bên kia là đường tàu hỏa Phùng Hưng. Gần đến cửa đã thấy mùi bánh mới ngào ngạt hương bơ, hương vani. Mấy cái ghế băng kiểu trường học san sát người xếp hàng đợi bánh.
Đưa cái làn cho bà làm bánh quen rồi nắm chặt mấy tờ tiền cuộn trong tay mà chẳng nói được câu nào. Hồn vía đang ngất ngây vùi mùi bánh thơm sừng sực Tết. Bà ấy bảo cứ về, chiều ra lấy bánh. Nhưng không hiểu tại sợ họ ăn bớt ăn xén hay sao mà nó kiên quyết không về.
Nườm nượp người ra vào mà nó vẫn ngồi chờ. Chờ rất lâu đến quá trưa. Bụng sôi òng ọc. Chân hàm thì tê cứng vì nước miếng cứ tứa ra liên tục. Tưởng đã lả đi rồi thì bà cụ đưa cho cái rứng tre (rổ bé bằng cái bát tô), trong đó là mớ vụn bánh bé bằng đốt ngón tay người lớn. Sung sướng vô bờ vì được ăn bánh ngon và nóng. Nó đã được ăn Tết trước cả nhà.
Đi về mà vui cực. Thỉnh thoảng lại mở cái nắp làn tre ra ngó những chiếc bánh quy gai còn ấm nóng trên lớp giấy báo lót. Bà ấy dặn phải để cho bánh thở cho nguội hẳn đi thì bánh mới giòn lâu. Trong ấy còn gói con vụn bánh mà nó để dành cho con em.
Về đến cuối Phùng Hưng nó lại mở ra ngó. Bỗng từ trên ban công giội ào xuống một chậu nước có mùi lau nhà. Thế là khóc. Khóc như bị đòn oan.
Nó mang làn bánh ướt về nhà. Bà nhìn tôi mếu máo thì đỡ lấy cái làn rồi rỡ bánh lên cái mẹt lót giấy báo, mắt cũng rân rấn nước vì thương cháu. Bà bật quạt cho khô bớt rồi cho lên mâm đặt lên bếp dầu nhỏ lửa để sấy cho khô. Cái mâm được phết một lớp mỡ lợn mỏng. Một lúc là đã thấy thơm lừng. Bà cười, dặn không được nói với ai. Đấy là bí mật cũng là kỷ niệm về Tết cũ mà nó đã giữ bao nhiêu năm. Nó là tôi giờ đấy.
Sát Tết, tôi vẫn lại lên phố Hàng Đường mua vài món mứt hồi ấy. Phố Hàng Đường là con phố vẫn còn giữ nghề truyền thống đường mứt từ nhiều thế kỷ. Vẫn thấy còn một cái biển “Quy gai xốp” đầu con ngõ nhỏ. Lại tủm tỉm nghĩ lại giai thoại cũ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu ra Hà Nội và đi dạo phố cổ. Ông hỏi người bạn Hà Nội rằng: phố cổ mà lại có ông Liên Xô Quy Gai Xốp nào ở đây thế này? Hà Nội lại được đắp thêm một chuyện thú vị.
Kìa, phố bắt đầu chấp chới mưa Xuân. Còn người Hà Nội cũng chấp chới nhớ về những Tết xưa bánh mứt.
Tản văn Nguyễn Anh Vũ
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Tags