Đó là một trong những trao đổi của GS Lê Văn Lan trong Hội thảo khoa học Ngô Vương Quyền với Cổ Loa diễn ra sáng qua (2/7) tại UBND huyện Đông Anh (Hà Nội).
Kinh đô phải ở Cổ Loa
TS Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho biết, ngay sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, đặt nền móng độc lập tự chủ cho Đại Việt, quyết không chịu làm “Tiết độ sứ quận Giao Chỉ”. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải chọn ngay kinh đô của quốc gia.
Thành Luy Lâu, Thành Đại La, Đường Lâm là ba lựa chọn hàng đầu được đặt ra. Thành Luy Lâu và thành Đại La đều là những trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị lớn từ thời Bắc Thuộc. Còn Đường Lâm là quê hương ông, nơi ông có thể nương tựa khi nguy biến.
Song, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa làm kinh đô của quốc gia độc lập. “Đây là lựa chọn sáng suốt của Tổ Trung hưng (tức Ngô Quyền)” - GS Lê Văn Lan nói- “Vì chọn Cổ Loa làm kinh đô đồng nghĩa với khôi phục quốc thống ngàn năm từ thời Âu Lạc. Điều này đặc biệt quan trọng. Bởi nó thể hiện tính nhất thống của dân tộc Việt dù hàng ngàn năm đứt đoạn bởi sự xâm lược và âm mưu đồng hóa của ngoại bang”.
Cũng theo GS Lan, Ngô Quyền chọn Cổ Loa làm kinh đô cũng bởi tư duy chiến lược trong việc bảo vệ giang sơn bờ cõi. “Là người đã đối đầu với quân Nam Hán ở Bạch Đằng, Ngô Quyền nắm rõ Cổ Loa nằm ở vị trí trọng yếu trong thế trận phòng thủ nếu quân xâm lược phương Bắc tràn qua. Và ông cũng ý thức rất rõ rằng sau thất bại Bạch Đằng, kẻ thù phương Bắc vẫn chưa từ bỏ dã tâm thôn tính nước Việt. Đến tận hôm nay, tầm nhìn chiến lược, tâm lý sẵn sàng nghênh địch này của Ngô Quyền vẫn còn nguyên giá trị”.
Sẽ dựng công trình tôn vinh
Ngay trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện UBND huyện Đông Anh mong các nhà khoa học kiến giải: “Cổ Loa lưu dấu bước sang trang rực rỡ của lịch sử dân tộc, tại sao giờ ta không có hành động cụ thể tôn vinh Ngô Quyền ở Cổ Loa để nhắc nhớ mọi người?”.
Hai câu hỏi này của người Đông Anh đã không được các học giả đề cập nhiều tới trong các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, trong những phút cuối hội nghị, với tư cách là người điều hành, GS Lê Văn Lan đề cập thẳng tới việc đề xuất tôn vinh Ngô Quyền ở Cổ Loa.
GS Vũ Khiêu đồng tình: “Nếu bây giờ chúng ta không xây dựng những công trình thể hiện lòng hiếu kính với bậc Tổ Trung hưng tại Cổ Loa là có tội với ông cha, có lỗi với con cháu. Những công trình sẽ thể hiện thái độ và tấm lòng của người thời đại này trước vị anh hùng có công dẹp giặc, dựng lại cơ đồ sau 1.000 năm bị đô hộ.”
Lập tức, hàng loạt đề xuất được đưa ra, GS Lê Văn Lan tổng hợp lại thành 3 nhóm chính: Nhóm thứ nhất, xây dựng tượng đồng, bia đá, lăng ngai, bài vị, đồng thời thêm những câu đối về công đức của Ngô Quyền tại Cổ Loa. Nhóm thứ hai, xây dựng đình, đền thờ Ngô Quyền bên cạnh đền thờ An Dương Vương tại Cổ Loa. Nhóm thứ ba, GS Vũ Khiêu đề xuất “nên dựng một một công trình hoành tráng hơn mọi hạng mục trên”. Tuy nhiên GS cũng không định danh cụ thể công trình “hoành tráng”.
GS Lê Văn Lan cũng lưu ý các học giả cũng như địa phương cần chú ý tới phương diện cơ sở pháp lý, khoa học và văn hóa của việc xây dựng công trình tôn vinh Ngô Quyền. Bởi khu di tích Cổ Loa là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Buổi hội thảo kết thúc với một lời cam kết dù phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu song nhất định, việc xây công trình tôn vinh Ngô Quyền ở Cổ Loa sẽ được thực hiện. Bởi nó sẽ kể câu chuyện quá khứ rằng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng!”.
Hẳn đó không phải là một cam kết viển vông.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags