Tuy nhiên, vì nằm ở con ngõ nhỏ sau Nhà hát Lớn nên không phải ai cũng “tinh mắt” tìm ra ngay địa chỉ.
Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về địa chỉ cuối tuần tuần này vì quán jazz của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh, dù có đi đâu, cũng đã trở thành một thương hiệu âm nhạc luôn được nhiều người tìm đến mỗi khi muốn nghe jazz. Chính vì vậy, từ khi địa chỉ còn nằm ở phố Lương Văn Can, sau đó chuyển về Quán Sứ và giờ là sau Nhà hát Lớn Hà Nội thì khán giả yêu jazz vẫn chưa khi nào vơi đi.
Đến đây vào ban ngày, khách sẽ thấy nơi này như bao quán cà phê ăn trưa văn phòng thông thường vì ở ngoài là biển hiệu ghi chữ fastfood. Nhưng “rậm rịch” vào mỗi tối, từ sau 20h, quán đón khách đến nghe nhạc bắt đầu đông hơn. Dù chương trình diễn ra từ 21 - 23h nhưng có những hôm, chỉ sau 21h30 toàn bộ ghế bên trong quán đã không còn chỗ trống, nên khách thường phải ngồi ở khu vực phía bên ngoài sân.
Trong không gian của nhạc jazz với nhiều hình ảnh của những danh tài nhạc jazz thế giới đang “phiêu” với cây kèn saxophone, hình ảnh của rất nhiều đêm diễn của nghệ sĩ Quyền Văn Minh cũng như các bài báo giới thiệu về jazz được treo trang trọng trên tường, một góc quán được bố trí làm sân khấu biểu diễn.
Ở đây, ban nhạc jazz được thiết kế cố định sẽ chơi trong suốt tuần: gồm 3 - 4 saxophone, 1 piano cơ, 1 drum, 1 bass. Đặc biệt là không đêm nào, chương trình lại thiếu vắng màn song tấu giữa cha con nghệ sĩ Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc. Nhạc mục của mỗi đêm diễn không đêm nào giống nhau nhưng chủ điểm âm nhạc ở đây là jazz standard.
Lý giải sự lựa chọn này cho toàn bộ chuỗi chương trình jazz của mình, nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho biết: “Tôi vẫn muốn tạo dựng thói quen nghe nhạc jazz cho khán giả, đặc biệt là khán giả Việt Nam. Vì thế tôi chọn jazz standard (jazz tiêu chuẩn, jazz Mỹ). Tất nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng chơi theo yêu cầu của khách khi họ có nhã hứng với cả những tác phẩm âm nhạc Việt Nam hoặc bất kỳ tác phẩm nào họ thích. Quan trọng là tính ngẫu hứng của mỗi nghệ sĩ chơi jazz trong ban nhạc sẽ luôn tạo nên sự mới mẻ ở mỗi đêm diễn”.
Cũng với mong muốn ấy nên với nghệ sĩ Quyền Văn Minh, “Sự xuất hiện của một người khách Việt bằng 10 khách Tây khi đến quán. Vì khách Tây có thói quen đến bar hay các tụ điểm giải trí vào buổi tối còn khách Việt đến thì chắc chắn đó là những người thích nghe jazz thực sự” - nghệ sĩ Quyền Văn Minh đánh giá.
Đồ ăn ở đây không đắt, không rẻ nhưng không phải là thế mạnh mà chính âm nhạc mới làm nên sức sống của quán.
Còn nhớ năm 2004, khi mở jazz club, nhiều người nói, nghệ sĩ Quyền Văn Minh bị “điên”. Và có lẽ, vì tâm niệm “Duy trì và phát triển nhạc jazz ở Việt Nam là công việc cuối cùng của đời tôi”, nên ông vẫn “điên” suốt trong 11 năm qua.
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags