Bộ Xây dựng vừa có giải trình về việc chậm trễ di dời trụ sở các bộ, ngành theo chỉ đạo tại Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Theo đó, nguyên nhân là do chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để triển khai, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng... Xung quanh vấn đề này, chiều ngày 2/11, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.
Trong trường hợp cần thiết phải ban hành những chế tài hoặc gắn trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý triệt để tình trạng chậm tiến độ, lãng phí đất đai và thời gian đối với các công trình, dự án.
Báo cáo Chính phủ của Bộ Xây dựng nêu rõ, do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng như: cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan... Ngoài ra, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Vũ Trọng Kim nhận định việc xây dựng trụ sở mới và chuyển giao lại trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội bị chậm tiến độ có liên quan đến vốn đầu tư xây dựng là đúng. Thông thường, mỗi công trình, dự án khi lên thiết kế và triển khai đòi hỏi phương án đầu tư trong nhiều năm nên muốn có nguồn vốn để thực hiện ngay và cùng lúc trong khoảng thời gian ngắn không thể nhanh được. Việc này không giống với các công trình đầu tư theo phương thức hợp tác công tư hay chủ trương xã hội hóa cho tư nhân đầu tư và sử dụng nguồn vốn do doanh nghiệp tự chủ.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ thực tiễn là trong quá trình hoạt động, giao dịch, làm việc với các đối tác, các cơ quan, bộ, ngành cần ưu tiên sử dụng cơ sở ở những vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại và công tác. Điều đó nhiều khi cũng để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang thừa hành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cũng có thể do ở nơi mới các phương tiện, cơ sở vật chất còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thậm chí phải trang bị, cải tiến và đầu tư nhiều để đảm bảo vận hành hiệu quả, trơn tru, ít nhất cũng phải bằng so với trụ sở cũ. Do đó, chậm di dời có lẽ cũng còn rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, các bộ chủ quản và các cơ quan tham mưu cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, đề ra những giải pháp khả thi để tháo gỡ tình trạng này.
Đối với việc đầu tư nguồn lực, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng cần có sự chọn lọc kỹ càng, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho một số cơ quan, ban, ngành dễ thực hiện để làm trước, nhưng làm là dứt diểm. Đồng thời, làm theo kiểu cuốn chiếu tránh sự dàn trải, khó quản lý, khó sát sao tiến độ và khó đánh giá hiệu quả, chất lượng di dời. Hơn hết, chính các cơ quan, đơn vị thực hiện di dời phải có ý thức và tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tiến độ theo quy định. Có như vậy, kế hoạch mới rốt ráo, chương trình, dự án mới nhanh được thực thi.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh, việc di dời trụ sở của các cơ quan Trung ương ra ngoại thành Hà Nội đã có chủ trương từ lâu, được ban hành thành Nghị quyết với các quy định, cách thức triển khai thực hiện.
Để chậm tiến độ như thế này đương nhiên có phần trách nhiệm của cơ quan tham mưu, kể cả của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính... Việc các cơ quan nằm trong danh sách phải di dời nhưng chưa thực hiện, thậm chí chưa di dời cho dù họ đã xây dựng trụ sở mới và trụ sở cũ vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng mà chưa bàn cho cơ quan chủ quản thì thật khó chấp nhận.
Đại biểu cho rằng, có cả những trường hợp sử dụng trụ sở chưa đúng mục đích, nhất là cho thuê hay làm nhà ở cho cả cá nhân. Ở đây cần đặt ra vấn đề tài chính, ngân sách, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Đặc biệt phải xem lại quy trình triển khai, nguyên nhân do đâu mà thực hiện nửa chừng. Song song đó, có biện pháp khắc phục một cách căn cơ và cốt lõi, không thể đổ lỗi cho việc thiếu kinh phí.
"Đề án, Nghị quyết đã được ban hành từ lâu rồi. Tôi nghĩ rằng, chính các bộ, ngành cũng phải có động thái tích cực hơn và nhìn thẳng vào sự thật là do chủ quan vì họ chưa muốn di dời. Nếu đã quyết tâm và xác định đó là việc phải làm thì việc quy hoạch, lập đề án, thiết kế trụ sở, gọi nhà thầu triển khai... cứ có kế hoạch thì sẽ được cấp vốn. Từ nay tới cuối năm và đầu năm 2023, Chính phủ cần quyết liệt và có biện pháp, chế tài để thúc đẩy việc này. Đơn vị, cơ quan nào chậm di dời hoặc di dời rồi mà chưa chịu trả lại cơ sở cũ cho cơ quan quản lý thì phải có biện pháp xử lý người đứng đầu một cách cương quyết, quyết liệt. Có như vậy, việc di dời trụ sở ra ngoài sẽ nhanh chóng được thực hiện và đạt hiệu quả cao", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
- 215 nghìn người cùng hàng chục cơ quan sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử
- Dự báo hơn 1 tỷ người phải di dời khỏi nơi ở vào năm 2050
Lưu ý tránh trường hợp nể nang, thờ ơ hay không quan tâm bởi việc chậm di dời hay chậm bàn giao trụ sở, cơ quan cho các đơn vị quản lý chính là sự tiếp tay cho tình trạng sử dụng trụ sở, sử dụng đất đai sai mục đích, không hợp lý, thậm chí có thể kéo theo những sai phạm.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa cũng đồng tình quan điểm cần sớm ban hành chế tài để xử lý dứt diểm tình trạng chậm di dời trụ sở cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Hiện tượng này đã kéo dài nhiều năm qua mà không thể lý giải bởi bất kỳ nguyên nhân nào. Nhiều công trình lớn cũng chậm được khắc phục gây nên những bất cập về sự lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân quanh khu vực dự án.
Vậy trách nhiệm này phải được quy cho cá nhân hay tổ chức và bộ phận nào được giao chưa hoàn thành nhiệm vụ cũng như vai trò của cơ quan tham mưu ở đâu?. Đại biểu cho rằng cốt lõi là cách thức xử lý. Dù lý giải của Bộ xây dựng là có cơ sở, nhưng quan trọng vẫn là giải pháp và những động thái cần làm ngay lúc này. Chế tài phải rõ ràng thì việc thực thi mới thống nhất từ Trung ương tới địa phương hay các cấp cơ sở.
Ngọc Quỳnh - Diệp Anh/TTXVN
Tags