Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, chiều 7-12, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về 5 nhóm nội dung quan trọng. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của thành phố, dù chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu tổng quát cả năm 2022 với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh năm 2023 còn nhiều khó khăn, các đại biểu nhấn mạnh quyết tâm của cả thành phố để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề cập nhiều vấn đề dân sinh cần giải quyết.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Các đại biểu đã thảo luận tại tổ về các nhóm nội dung quan trọng, gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023.
Đồng thời, các đại biểu thảo luận về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội. Thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai) và Trần Đức Hoạt (Tổ Nam Từ Liêm) cho rằng, trong năm 2023, thành phố cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư. Trong đó cần đôn đốc tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đánh giá, rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và nâng cao chất lượng đầu tư công. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Theo đại biểu Lê Ngọc Anh (Tổ Phú Xuyên), để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhất là các huyện khu vực phía Nam thì thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Trong đó cần tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư Khu công nghiệp Nam Hà Nội, thể hiện qua việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, vì điều này ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công. Đại biểu dẫn chứng, ngay tại huyện Phú Xuyên có 3 dự án lớn gặp nhiều vướng mắc trong công tác này, đặc biệt là việc bố trí tái định cư cho các dự án.
Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, tính đến thời điểm này, toàn thành phố mới giải ngân đạt 53% kế hoạch, đại biểu Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ Gia Lâm) cho biết: Sở đang làm giải trình để báo cáo UBND thành phố về vấn đề này, trong đó phân tích, bóc tách kỹ các nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý trong năm 2023.
Theo đại biểu Lê Anh Quân, nguyên nhân lớn nhất vẫn là khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ nhà tái định cư và giá nhà tái định cư. Trên thực tế có những dự án mất hàng năm chưa xong, trong khi biến động về giá cả vật tư, vật liệu đầu vào rất mạnh...
Đa dạng hóa các loại hình giáo dục để giảm tải trường, lớp
Thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND thành phố cũng quan tâm đến việc công nhận mới trường chuẩn quốc gia có bảo đảm so với kế hoạch đề ra, số trường cần công nhận lại trường chuẩn quốc gia có thực hiện theo đúng yêu cầu, tiến độ được giao hay không? Cùng với đó là tình trạng thiếu trường công lập tại một số khu vực, địa bàn, chậm triển khai dự án trường học tại các dự án phát triển đô thị; tình trạng khó khăn khi nhiều giáo viên công lập nghỉ việc, thôi việc, nhất là giáo viên mầm non, ảnh hưởng thế nào đến chất lượng giáo dục của thành phố?
Đại biểu Trần Đức Hoạt (Tổ Nam Từ Liêm) nêu thực trạng thời gian qua quận phải hạ tỷ lệ trường chuẩn xuống 80% (trước đó là 100%) do nhiều trường phải tiếp nhận sĩ số học sinh mỗi lớp tăng.
"Câu hỏi đặt ra là hệ thống trường công lập có thể đảm nhận được việc học tập cho toàn bộ học sinh của thành phố hay không? Nếu không bảo đảm yêu cầu sĩ số theo chuẩn thì cần cho con em học tập tại các trường dân lập với việc tạo điều kiện cho hệ thống trường tư phát triển. Đồng thời, thành phố cần quan tâm đến vấn đề tự chủ của các trường trong bối cảnh hiện nay sao cho phù hợp, trong đó có vấn đề quản lý dịch vụ giáo dục", đại biểu Trần Đức Hoạt nêu ý kiến.
Lý giải tình trạng quá tải tại các trường công lập trên địa bàn thành phố hiện nay, đại biểu Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ (Tổ Long Biên) cho rằng, khó khăn của hệ thống trường công hiện nay khi vận hành là phải gắn với giáo viên được biên chế, ngân sách và bộ máy hoạt động. Để giảm thiểu tình trạng quá tải thì cần đa dạng hóa giáo dục, cụ thể là tạo điều kiện cho các trường tư phát triển thay vì chỉ tập trung cho hệ thống trường công.
"Hiện nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cho con học tại các trường tư có cơ sở vật chất tốt, chất lượng giáo dục bảo đảm. Vì thế, thành phố cần có phương án tổng thể về quan điểm đầu tư cho các dự án giáo dục. Trong đó, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa thì cần tập trung ngân sách đầu tư cho hệ thống trường công, còn tại các quận có thể đa dạng hóa giáo dục với việc tạo điều kiện cho hệ thống trường tư phát triển, từ đó mới có thể giảm thiểu tình trạng quá tải tại các trường công", đại biểu Vũ Thu Hà nói.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Tổ Đông Anh) cho biết, hiện toàn thành phố có 67,3% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2025, có 2.040/2.400 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đại biểu, nội dung này chủ yếu liên quan đến cơ sở vật chất, tiến độ các công trình dự án, và việc này được phân cấp cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư.
Đại biểu Trần Thế Cương cũng cho biết, trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ gia tăng, thực tế đã xảy ra một số vụ việc rất đau lòng. Hiện nay, các trường đều có phòng tâm lý học đường nhưng người làm nội dung này hạn chế do đang thực hiện tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, môi trường học đường còn xuất hiện thuốc lá điện tử, trấn lột… và nếu không có giải pháp tổng thể thì rất khó giải quyết các vấn đề này.
Thảo luận nhiều vấn đề "nóng" cử tri quan tâm
Trong năm 2022, thành phố đã khánh thành hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3; hoàn thành 10 cầu vượt cho người đi bộ, 3 cầu vượt sông và 5 dự án đường giao thông. Các dự án trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở)… đang được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu HĐND thành phố bày tỏ quan ngại tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt dịp cuối năm tại nội thành tiếp tục tăng, gây khó khăn cho người dân.
Lý giải tình trạng ùn tắc giao thông nội đô hiện nay, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (Tổ Ứng Hòa) dẫn số liệu cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân nhưng có tới 7,7 triệu phương tiện cá nhân, trong đó hơn 1 triệu ô tô. Mỗi năm phương tiện cá nhân của thành phố tăng khoảng 4-5% nhưng quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng 0,28%, nên tình trạng ùn tắc giao thông nội đô xảy ra thường xuyên.
Để giảm thiểu tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, thành phố cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; tập trung hoàn thiện các dự án giao thông công cộng, trong đó có tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (phần trên cao) để sớm đưa vào khai thác. Đồng thời, chú trọng đầu tư để hoàn thành các đường vành đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giao thông thông minh để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.
Về cấp nước sạch nông thôn, đại biểu Lê Kim Anh (Tổ Ba Đình) cho rằng, toàn thành phố còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong khi đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe nhân dân nên cần có giải pháp quyết liệt cho vấn đề này.
Cùng nêu vấn đề cấp nước sạch nông thôn, đại biểu Nguyễn Công Anh (Tổ Thanh Oai) nêu, hiện nay các xã trên địa bàn huyện cơ bản chưa có đường ống cấp nước sạch, mặc dù thành phố đã chỉ đạo thay chủ đầu tư nhưng tình hình chưa có chuyển biến. Đây là vấn đề người dân rất mong đợi nên thành phố cần có giải pháp quyết liệt để thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ Đống Đa) cho biết, tình hình cháy, nổ gia tăng, song với cấu trúc của các khu dân cư hiện nay thì lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rất vất vả mới tiếp cận được hiện trường khi có vụ việc. Vì thế, đại biểu kiến nghị, thời gian tới, thành phố cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở và đặc biệt là trách nhiệm của cụm dân cư trong việc tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, đầu tư, bảo trì, sử dụng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy…
Cùng đó, đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng cũng kiến nghị, với tính chất phức tạp của đô thị hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích người dân lắp camera, UBND thành phố cũng cần quan tâm, chỉ đạo đầu tư việc lắp đặt camera ở các tuyến đường, ngõ và có thể kết hợp với camera giao thông để góp phần ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Tags