(Thethaovanhoa.vn) - Bằng việc ra mắt 4 tác phẩm tiếp theo, bộ sách Việt Nam danh tác đã có tổng số đầu sách lên tới 48, sau 7 năm xây dựng. Bộ sách được xem là sự nỗ lực bền bỉ của Nhã Nam nhằm định hình trọn vẹn hơn diện mạo văn học nửa đầu thế kỷ 20.
Vừa qua, tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội) diễn ra sự kiện ra mắt 4 tác phẩm tiếp theo trong bộ sách Việt Nam danh tác do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam thực hiện gồm: Hồi ký Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh, tiểu thuyết Gánh hàng hoa của Khái Hưng - Nhất Linh và tập truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam.
Tại cuộc ra mắt, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, TS Mai Anh Tuấn cùng BTV Tiến Sỹ - người phụ tránh biên tập bộ sách có những bàn thảo, đánh giá xung quanh giá trị, tác động của bộ Việt Nam danh tác sau 7 năm ra mắt bạn đọc.
Xác lập vị thế cho tác phẩm quá vãng
Việc ưu ái giới thiệu các tác giả, tác phẩm nửa đầu thế kỷ 20 trong bộ Việt Nam danh tác theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân - cố vấn bộ sách - là cần thiết và có ý nghĩa. Theo ông, “văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, cụ thể hơn từ 1900 - 1945 lâu nay trong nhà trường đã được đề cập song chưa đầy đủ. Thực tế có những bộ phận văn chương giai đoạn này rất được đề cao và được tập trung học trong nhà trường. Bên cạnh đó, cũng có những bộ phận khác gần như không được đề cập đến. Trước tình hình mới và đối với một lớp bạn đọc mới thì sự ra đời của Việt Nam danh tác là đáng hoan nghênh”.
Tác phẩm được in trong Việt Nam danh tác chủ yếu được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1900 - 1945. Đây cũng là giai đoạn văn chương Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa, giai đoạn ghi nhận những thành tựu của văn chương quốc ngữ.
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Nếu như trước đây sáng tác văn học chỉ bằng chữ Hán, chữ Nôm thì bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện nền văn học bằng chữ quốc ngữ.
Trong sự phát triển của văn học quốc ngữ giai đoạn đầu, các tác giả miền Nam là những người tham gia từ sớm, có thể kể đến tác giả Nguyễn Trọng Quản với tác phẩm Truyện Thầy Lazazo Phiền (xuất bản năm 1887), có thể nói là tác phẩm mở đầu cho sáng tác truyện hư cấu trong nền văn học chữ quốc ngữ. Thế nhưng sau đó các tác giả ở miền Nam lại không tiếp tục sáng tác theo con đường đó mà thường đi vào lối viết xưa cũ. Mặt khác, chỉ có lớp tác giả học trong trường Pháp - Việt (trường học chữ quốc ngữ và chữ Pháp) và công bố tác phẩm vào khoảng những năm 1920 trở đi mới là những tác giả tham gia vào nền văn học chữ quốc ngữ với số lượng nhiều nhất. Một cách hết sức tình cờ những tác giả mùa đầu ấy là những tác giả thường sống và công bố tác phẩm của mình ở miền Bắc. 2 trong số nhiều nhóm có ảnh hưởng nhiều nhất là Tự Lực văn đoàn và những tác giả cộng tác với nhà Tân Dân - một địa chỉ xuất bản lớn ở Hà Nội”.
Sự xuất hiện phát triển nở rộ của báo chí và xuất bản ở giai đoạn đầu thế kỷ 20 cũng tạo tiền đề cho sự phát triển của nền văn học chữ quốc ngữ. Theo đó, những tác giả, tác phẩm được giới thiệu trong Việt Nam danh tác chủ yếu hoạt động và công bố ở các cơ quan của Tự Lực văn đoàn như nhà xuất bản Đời nay, tờ Phong hóa, tờ Ngày nay đăng thường kỳ… Hay đăng trên các tờ Phổ thông bán nguyệt san, tờ Phổ thông chuyên san của nhà Tân Dân.
- Lại Nguyên Ân với bộ sách 'Việt Nam danh tác': 'Sách của ký ức' không nên nằm lại ký ức
- Bộ sách 'Việt Nam danh tác': Phục hồi diện mạo thật của nguyên tác
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết: “Khoảng thời gian này có một lượng tương đối lớn các tác phẩm được sáng tác và có một lượng công chúng mua đều đặn. Trong từng gia đình khá giả trước năm 1945 đều có gần đầy đủ những tác phẩm, những bộ sách chính của nhà Tự Lực văn đoàn và nhà Tân Dân”.
Có thể thấy, bức tranh xuất bản trước năm 1945 đa dạng và phong phú, phần lớn những tác phẩm được tái bản trở lại trong Việt Nam danh tác đã được in và phổ biến một cách sôi nổi và công chúng được tiếp cận hết sức dễ dàng trước năm 1945. Tuy nhiên, sau những năm 50 của thế kỷ 20 vì nhiều lý do khác nhau mà có một số tác phẩm bị đẩy vào quên lãng.
Nói như, TS Mai Anh Tuấn, việc tái bản, tiếp nhận và đọc lại những tác phẩm đã từng bị quên lãng không chỉ là việc thưởng thức lại một tác phẩm văn chương thuần túy mà bản thân hành động đọc ấy góp phần xác định thêm một vị thế, một giá trị của tác phẩm.
Bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất
Nhã Nam không phải là đơn vị tiên phong và duy nhất liên kết in lại những tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển, thế nhưng đáng nói, tủ sách Việt Nam danh tác do Nhã Nam tổ chức thực hiện có những tiêu chí khắt khe và cách thức làm riêng cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt, tác phẩm tái bản phải dựa vào những ấn bản toàn vẹn nhất, thường là các bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Theo TS Mai Anh Tuấn, “đây là một thao tác rất quan trọng nếu như không xuất phát từ điểm này sẽ có nhiều sự sai khác về mặt văn bản, mà sự sai khác này nghiễm nhiên sẽ làm hỏng tác phẩm chứ không phải tôn vinh”.
Đầu thập niên 2000, rất nhiều đơn vị xuất bản ồ ạt in ấn những tác phẩm văn học nhưng không xác định và lấy tiêu chí “văn bản gốc” làm trọng tâm nên xảy ra hiện tượng “tam sao thất bản”.
Việc tuân thủ nguyên tắc “văn bản gốc” khiến Việt Nam danh tác là một bộ sách quan trọng trong việc đánh giá kỹ lưỡng và toàn vẹn về bức tranh văn học đầu thế kỷ 20 với những nhìn nhận khách quan và công bằng hơn về những gì đã là một thời tinh túy của văn học Việt Nam.
Theo TS Mai Anh Tuấn: “Việt Nam danh tác đánh dấu sự trở lại của một số gương mặt quan trọng của văn chương Việt Nam. Trong số tác phẩm in lại, có thể thấy một số gương mặt mới. Ví dụ nhưng Trọng Lang với tác phẩm Hà Nội lầm than. Đây là một cây bút phóng sự nếu đọc kỹ và đọc rộng ra cho thấy tác giả này có vai trò quan trọng trong nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ở mảng phóng sự, trước đây mặc định của độc giả trong sách giáo khoa, giáo trình chỉ xoanh quanh Vũ Trọng Phụng hay Tam Lang trong khi tên tuổi của Trọng Lang khá là mờ nhạt”.
Cũng theo TS Mai Anh Tuấn: “Lịch sử văn chương xét cho cùng là lịch sử của sự đọc lại. Đọc lại văn chương như thế nào sẽ định hình được lịch sử văn chương tương đương như thế. Nói cách khác, người đọc hôm nay có cách đánh giá và cảm nhận riêng và nhận định khác về thời kỳ trước. Điều này sẽ làm cho văn chương trở nên phong phú hơn chứ không phải làm văn chương hỗn loạn hơn”.
Nhân vật người mẹ trong “Hai đứa trẻ” “Tập truyện Nắng trong vườn của Thạch Lam có tác phẩm nổi tiếng Hai đứa trẻ, với nhân vật chị Tí làm nghề bán nước. Lâu nay, độc giả các thế hệ được đọc và học tác phẩm thường đinh ninh là nhân vật có tên Tí nhưng văn bản trong Việt Nam danh tác thì có tên là Ti (không có dấu sắc). Sự sai khác này tưởng như không có vấn đề song với trường hợp của Thạch Lam lại vô cùng quan trọng. Thạch Lam là nhà văn viết truyện ngắn trữ tình, điều này được thể hiện qua việc ông đặt tên các nhân vật của mình luôn nhẹ nhàng, dịu dàng, đại đa số là thanh bằng như Liên trong Một đời người, Dung trong Hai lần chết, Lê trong Nhà mẹ Lê, Tâm trong Trở về… Nếu đột ngột trong Hai đứa trẻ có tên nhân vật thanh trắc có lẽ không hợp với Thạch Lam. Chi tiết nhỏ nếu không cẩn thận và kỹ lưỡng về mặt văn bản sẽ khó để độc giả hiểu thêm về một phong cách văn chương” - TS Mai Anh Tuấn dẫn chứng. “Bán ròng rã trong nhiều năm trời” “Việt Nam danh tác mặc dù được nhiều độc giả yêu mến, quan tâm, song Nhã Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sách. Vào thời điểm lần đầu tiên xuất hiện, các tác phẩm được in và phổ biến đến đông đảo công chúng. Có những tác phẩm của Tự Lực văn đoàn in dưới ấn bản Lá mạ (ấn bản giá rẻ) cả vạn bản, và đến được tủ sách của rất nhiều gia đình thời bấy giờ. Tuy nhiên, hiện nay tủ sách Việt Nam danh tác của chúng tôi lại không hề dễ dàng trong việc tiêu thụ một số lượng khiêm tốn khoảng 1.500 - 2.000 bản mỗi ấn phẩm” (Phát biểu của BTV Tiến Sỹ - người phụ trách biên tập bộ sách Việt Nam danh tác). |
Công Bắc
Tags