(Thethaovanhoa.vn) -“Kinh nghiệm từ nước Nhật” là tên của bộ sách kĩ năng vừa được NXB Kim Đồng ra mắt tại Hội sách Hà Nội 2019
Thực tế, trong khoảng dăm năm trở lại đây, thị trường sách kỹ năng giáo dục con dành cho cha mẹ đang phát triển rất mạnh. Thế nhưng, việc lựa chọn một bộ sách phù hợp với thực tế đời sống Việt Nam lại là một câu chuyện dài và phức tạp.
- Hội sách 'Hà Nội - Thành phố vì hòa bình' tại Hoàng Thành
- Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh 'Mở trang sách – Sáng tương lai'
- Trao giải Sách hay 2019: Tiếc vì vắng bóng tiểu thuyết
- Công bố 21 tác phẩm Sách hay năm 2019
Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương – người có 8 năm sinh sống tại Nhật- nếu như nhiều bộ sách trên thị trường chỉ thiên về cung cấp hàng loạt kĩ năng cần thiết để trẻ phát triển thì bộ sách này lại rất chú trọng tới việc trình bày các cơ sở lý luận nền tảng cho điều đó. Và, cách tiếp cận này cũng cho thấy sự chuẩn mực trong nền giáo dục Nhật Bản, với yêu cầu về việc tạo nên những con người khá toàn diện, không chỉ nắm vững tri thức, kỹ năng mà còn biết sống có trách nhiệm, có tinh thần tập thể và biết giữ gìn các giá trị truyền thống.
Như chia sẻ của Vương, một câu chuyện điển hình cho điều này là việc phải dạy trẻ em cách cầm đũa. Theo đó, các nhà khoa học Nhật giải thích: hoạt động của tay ở trong giai đoạn đầu đời có ảnh hưởng tới sự hình thành các tế bào thần kinh liên kết trong não, nên ở độ tuổi mầm non khi huấn luyện tay trẻ em khéo léo sẽ giúp cho trẻ phát triển trí thông minh. Tương tự, việc dạy trẻ em đánh răng, buộc dây giầy đúng cách sẽ tạo ra những kỹ năng cơ bản để khi lớn lên trẻ sẽ có tư duy về cuộc sống cũng như giải quyết các vấn đề.
Gồm 4 cuốn, bộ sách Kinh nghiệm từ nước Nhật (người dịch: Nguyễn Quốc Vương) cung cấp những bí quyết và phương pháp quan trọng trong hoàn thiện kĩ năng xã hội, kĩ năng giao tiếp tâm hồn của trẻ, đồng thời giúp các em tự lập trong những năm đầu đời.
Trong hai cuốn 49 bí quyết giúp trẻ lắng nghe và truyền đạt và 42 bí quyết giúp trẻ tự tin và dũng cảm trong quan hệ bạn bè , tác giả đề cập đến hai khái niệm: “kĩ năng xã hội” và “kĩ năng giao tiếp tâm hồn”. Ở đó, nếu kĩ năng xã hội được hiểu chung là những kĩ thuật phong phú liên quan đến mối quan hệ giữa con người với con người như: cách sử dụng từ ngữ, tư thế, thái độ, kiểm soát cảm xúc, thì kĩ năng giao tiếp tâm hồn chính là khả năng biết lắng nghe, bày tỏ cảm xúc, giải quyết các vấn đề thông qua con đường giao tiếp.
Cuốn sách 43 kĩ năng kiểm soát tức giận (dành cho trẻ em) cung cấp những kĩ năng cơ bản mà phụ huynh và nhà trường cần dạy cho trẻ, để trẻ làm chủ cảm xúc và phòng tránh bạo lực học đường. Từ đó, mở rộng hơn, trẻ có thể tự đưa ra nhiều quyết định đúng đắn trong cuộc đời.
Cuốn sách Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi hướng dẫn cha mẹ những phương pháp hiệu quả để trẻ hình thành những thói quen sinh hoạt cơ bản: ăn, ngủ, bài tiết, thay quần áo, giữ gìn vệ sinh. Từ sự thấu hiểu tâm lý – hành vi của trẻ em, từ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy, nhóm tác giả đã đưa ra các bài tập tình huống, qua đó giúp trẻ dần dần hoàn thiện các kĩ năng cơ bản.
Anh Bảo
Tags