(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 9/11, cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại giới thiệu về 24 di sản cần ưu tiên bảo vệ của Hà Nội, chính thức ra mắt tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Cuốn sách này là sản phẩm của Dự án xuất bản sách về di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về các di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Trung tâm thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ICHCAP), dưới sự bảo trợ của UNESCO.
Cuốn sách là sản phẩm tiếp theo trong chiến lược của ICHCAP về xây dựng cơ sở dữ liệu và quảng bá thông tin di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, ICHCAP đã tài trợ xuất bản các cuốn Di sản văn hóa phi vật thể Bhutan, Di sản văn hóa phi vật thể Tajikistan, Di sản văn hóa phi vật thể Uzbekistan. Với cuốn Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại là cuốn sách đầu tiên về di sản văn hóa phi vật thể của riêng một thành phố mà ICHCAP đồng ý tài trợ theo đề xuất của Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam.
Ông Toshiyuki Matsumoto, cán bộ Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, trong tình hình hiện nay, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hay nói cách khác việc chuyển giao kiến thức, kỹ năng và ý nghĩa di sản cho các thế hệ trẻ đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Sự ra đời của cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại cũng là một phần trong những nỗ lực không ngừng đối với công việc này.
Cuốn sách gồm 22 bài viết, hơn 100 ảnh minh họa giới thiệu về 24 di sản đại diện cho các lĩnh vực: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó, 3 di sản đã được ghi danh trong các danh mục của UNESCO, 11 di sản trong danh mục của quốc gia bảo vệ. Đây cũng là công trình nghiên cứu sâu về di sản phi vật thể, từ nhận diện chủ thể, giá trị cho đến những cơ hội, thách thức và biện pháp bảo vệ di sản.
24 di sản được lựa chọn, giới thiệu trong sách đều mang đặc trưng riêng, những giá trị riêng về lịch sử, những nét độc đáo riêng về nghệ thuật, những thách thức trong quá trình tồn tại và phát triển. Đó là hát ca trù, trống quân, múa rối nước, trò chơi và nghi lễ kéo co, các câu chuyện huyền thoại liên quan đến các vị thành hoàng làng, các nghề thủ công truyền thống...
Thông qua cuốn sách, độc giả có một cái nhìn khái quát về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, minh chứng cho quá trình sáng tạo văn hóa của cộng đồng dân cư. Tất cả đều là các di sản “sống”, vẫn đang được cộng đồng thực hành thường xuyên và được viết dựa trên những tư liệu điền dã mới nhất diễn ra trong hai năm 2016 – 2017. Dù là sách ảnh nhưng phần lời được chú trọng, đặc biệt sách quan tâm đến việc sử dụng lời trích tâm sự của các nghệ nhân thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa chia sẻ, đưa di sản đến với cộng đồng trong nước và thế giới, gắn hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong nước với hoạt động bảo tồn của thế giới và khu vực là mục tiêu xuất bản cuốn sách này. Đây cũng chính là một trong những chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội.
Sách do Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản biên soạn, Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản, được in 400 cuốn gồm 200 bản tiếng Việt và 200 bản tiếng Anh, sẽ được gửi đến cộng đồng chủ thể văn hóa, các thư viện, trung tâm nghiên cứu và trường học.
Đinh Thuận (TTXVN)
Tags