Ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt: Cải lương 'mới' cho khán giả thời đại mới

Thứ Tư, 27/03/2019 13:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều tác phẩm hợp tác ăn ý mà điển hình là vở cải lương kết hợp nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc Thầy Ba Đợi nhân dịp 100 năm cải lương (1918 - 2018), “cặp bài trùng” Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên cùng các cộng sự bắt tay thành lập “Sân khấu Cải lương mới Đại Việt” với mong muốn đưa cải lương mới chinh phục công chúng hôm nay.

'Thầy Ba Đợi' mừng 100 năm sân khấu cải lương

'Thầy Ba Đợi' mừng 100 năm sân khấu cải lương

Tối 28/4, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” (kịch bản: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo) đã đến với khán giả TP.HCM tại rạp Bến Thành (Quận 1).

Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, nhằm vực dậy nghệ thuật cải lương trước thực tế sân khấu cải lương đang mất vị thế của mình trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay của đất nước.

Tìm hướng đi mới cho cải lương hiện nay

Xuất phát từ phương châm “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, cái tên “cải lương” của loại hình đã nói lên bản chất cốt lõi của nghệ thuật này là đổi mới, cải cách không ngừng.

Thế nhưng việc cải cách hay không, cải cách như thế nào vẫn là tranh luận chưa có hồi kết của những người làm nghề, trong khi loại hình này đang mất dần sự quan tâm, yêu thích của khán giả.

Nghệ thuật cải lương cần phù hợp thị hiếu đại bộ phận khán giả hiện đại, cần bắt kịp các xu hướng tiên tiến của sân khấu thế giới hay chỉ cần bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực, đậm đà bản sắc của dân tộc? Sân khấu Cải lương mới Đại Việt ra đời với mong muốn trả lời được câu hỏi này.

Chú thích ảnh
Gặp gỡ báo chí thông tin ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí ngày 25/3, soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng cải cách, đổi mới như thế nào để vẫn giữ được giá trị loại hình và tiếp cận được khán giả thời đại mới là điều cần phải nghiên cứu, thực nghiệm và đưa ra được kết quả đối sánh, những đúc kết khoa học từ thực tiễn.

“Với việc xây dựng các tác phẩm vừa đảm bảo tiêu chí nghệ thuật chuyên nghiệp vừa thỏa mãn các nhu cầu thưởng thức và giải trí của công chúng, vừa học hỏi, áp dụng các công nghệ, phương thức hoạt động mới… chúng tôi hy vọng tạo nên sức hút mới đối với các tầng lớp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Và thông qua những sản phẩm cụ thể, có thể thăm dò phản hồi của khán giả để biết được khán giả thích gì mà tìm ra đáp án phù hợp cho hướng đi của sân khấu cải lương trong thời đại mới” - soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ.

Áp dụng những thử nghiệm nghệ thuật

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết các vở diễn của “Sân khấu Cải lương mới Đại Việt” sẽ được xây dựng với quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc đích thực - một sân khấu cải lương mang yếu tố cải cách.

Trong đó, từng bước áp dụng những thử nghiệm nghệ thuật cần thiết với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn nhằm làm mới sân khấu cải lương, tuân thủ tiêu chí và đặc trưng của loại hình ngay từ buổi đầu ra đời.

“Ở đây, chúng tôi chủ trương học hỏi, áp dụng mọi tiến bộ của sân khấu thế giới nhưng vẫn phải đảm bảo giá trị cốt lõi của cải lương. Chúng tôi không sợ làm sai, sai ở đâu thì sửa ở đó, quan trọng là phải làm thử đã!” - đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ.

“Sân khấu Cải lương mới Đại Việt” có sự tham gia của thành phần sáng tạo đa dạng từ Bắc chí Nam, được lựa chọn mời cộng tác thông qua yêu cầu từng dự án cụ thể.

Vở diễn đầu tiên ra mắt là Chuyện tình Khau Vai (tác giả: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) - với sự tham gia của NSƯT Lê Tứ, Phượng Loan, Quế Trân, nghệ sĩ Quang Khải, Võ Minh Lâm, Hà Như, Cao Thúy Vy, Lệ Hằng, Lê Thanh Thảo, Trương Hoàng Long… - sẽ chính thức công diễn vào tháng 6/2019 tại TP.HCM.

Chuẩn bị cho vở diễn, các nghệ sĩ sẽ có chuyến tham quan thực tế tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào đúng dịp Lễ hội Chợ tình Khau Vai trong tháng 5 để có những cảm xúc chân thực cho vở diễn.

Một chương trình triển lãm hình ảnh, hiện vật, trình diễn phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao Hà Giang cũng sẽ được tái hiện trước giờ biểu diễn của vở cải lương nay.

Nối tiếp truyền thống và tạo dấu ấn mới

Là diễn viên cải lương nồi tiếng và cũng là người tham gia biểu diễn trong dự án nói trên, NSƯT Quế Trân chia sẻ:

“Tôi rất vui khi dự án Sân khấu Cải lương mới Đại Việt được triển khai, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay mà mọi người lại cùng đồng lòng xây dựng một sân khấu cải lương mới, hướng tới việc định hướng thẩm mỹ cho cả nghệ sĩ trẻ và khán giả trẻ.

Đây sẽ là lần thứ hai tôi tham gia một dự án kết hợp nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc sau thành công của vở diễn Thầy Ba Đợi năm 2018. Qua đó, mong muốn đưa cải lương lan tỏa sâu rộng hơn, sự giao lưu văn hóa 2 miền ngày càng ngọt ngào, tạo hợp lực mạnh mẽ hơn nhằm đem đến sức bật mới cho sân khấu cải lương”.

“Tôi biết đến tên tuổi đạo diễn Triệu Trung Kiên từ lâu và sau lần hợp tác ở vở Thầy Ba Đợi, tôi càng cảm nhận và trân trọng sự lao động sáng tạo của anh. Soạn giả Hoàng Song Việt không chỉ là cây bút viết cải lương hàng đầu của thế hệ hôm nay mà còn là người dìu dắt, rèn luyện cho nhiều nghệ sĩ trẻ trưởng thành, có vị trí nhất định trong nghề.

Sân khấu mới cũng nhận được sự ủng hộ của NSND Trần Ngọc Giàu, một người thầy đã giúp tôi có nhiều vai diễn hay. Vì thế, tôi càng nôn nao được đứng trên sân khấu này”.

“Sau dấu mốc 100 năm sân khấu cải lương, thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn phải làm được cái gì đó nối tiếp truyền thống và cũng tạo dấu ấn mới cho chặng đường mới!”- NSƯT Quế Trân nói tiếp.

Ninh Lộc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›