“Ở thời điểm này, khi thị trường sách văn học đang có dấu hiệu bão hòa, cộng với sự đổ bộ ào ạt của văn học nước ngoài thì đề tài mà tôi đang theo đuổi thực sự khó có thể gây xôn xao dư luận, cũng khó có chuyện sách của tôi bán chạy” - Đỗ Bích Thúy nói với TT&VH Cuối tuần. “Nhưng với tôi, có một nhóm độc giả nhỏ chung thủy là may mắn rồi. Chẳng có nhà văn nào làm vừa lòng tất cả bạn đọc, kể cả những nhà văn viết ra những cuốn được gọi là best-seller”.
* Hà Nội, hay các đô thị lớn nói chung, “đồng hóa” được nhiều người lắm. Lên đây học, làm việc, dần dà người ta thở kiểu đô thị, sống kiểu đô thị, nói và viết kiểu đô thị. Sao chị vẫn giữ con đường riêng (viết về miền núi) được nhỉ?
- Với nhà văn, tôi quan niệm, quan trọng nhất là chọn được đề tài đúng sở trường. Và miền núi chính là đề tài sở trường, đề tài “ruột” của tôi. Nhưng tôi cũng thay đổi đấy chứ, nếu nhìn dưới góc độ cuộc sống. Chỉ có điều, cuộc sống là cuộc sống, văn chương là văn chương, không thể lẫn lộn được. Cái đồng nhất giữa chúng về bản chất chính là cách nhìn về cuộc đời, về số phận, về cách ứng xử giữa con người với con người, cách “phản xạ” trước những biến động… Với công việc hiện nay, gia đình và con cái, tôi buộc phải thay đổi để thích nghi với một môi trường khác hoàn toàn với môi trường mình sinh ra và lớn lên. Nhưng sự thích nghi đó không thể đánh đồng với cái mà bạn gọi là bị “đồng hóa”. Còn mối thân tình với mảnh đất ruột thịt chính là nền tảng để tôi làm văn chương.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý ký tặng sách cho độc giả trong ngày ra mắt triểu thuyết lịch sử Cánh chim kiêu hãnh tại Hà Nội. Ảnh Ngọc Oa |
* Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một bài về chị có viết: “Người dân tộc (miền ngược thì đúng hơn - TT&VH Cuối tuần) có trình độ ngang với người miền xuôi thì hơn đứt người miền xuôi nhờ bản sắc riêng của họ”. Nhưng chị có nghĩ rằng để có được cái “trình độ” ấy, người ta cũng đánh đổi một phần bản sắc của mình như quy luật được - mất không?
- Trong va chạm chắc chắn phải có sự mất đi, mai một đi. Có những cái cũ buộc phải nhường chỗ cho cái mới. Sự va chạm này không của riêng một cá nhân nào, mà là vấn đề của cả một thế hệ hoặc một vùng văn hóa lớn.
Trong những tác phẩm của mình, tôi đã từng đề cập đến sự xâm lấn của văn minh đô thị đối với miền núi, và tôi cho rằng đây vẫn là một đề tài “nóng” đối với văn chương, báo chí. Lấy một ví dụ, lâu nay người ta vẫn cưỡi ngựa đi chợ. Một người một ngựa, giỏi lắm thồ thêm được ít ngô, một vài con gà, đi ròng rã nửa ngày trời mới đến chợ. Giờ một chiếc xe máy, giá cũng bằng hoặc rẻ hơn cả con ngựa ấy, đổ ít xăng vào, chở hai ba người, vù một cái đến nơi rồi. Tiện quá còn gì. Bán quách ngựa đi, mua chiếc xe máy, tha hồ phóng. Hoặc giả, xưa kia làm một cái nhà trình tường, lợp ngói máng, công xá chuẩn bị, dựng nhà tốn kém biết bao nhiêu. Giờ mua một ít tấm lợp fibro xi măng về, vù cái, xong cái nhà. Tiện quá. Rẻ nữa.
Thế là chả mấy chốc mất cả bao nhiêu câu chuyện lãng mạn nảy sinh từ con ngựa thồ (có người còn gọi là “văn hóa ngựa thồ” ấy), mất cả kiến trúc truyền thống. Sự mất dần từng ít một đó chính là sự xâm lấn của văn minh đô thị. Nó không phải chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân nào, nó sẽ làm biến đổi cả một vùng đất.
* Người ta thường bảo chị và Nguyễn Ngọc Tư là hai nhà văn nữ xuất sắc đại diện cho 2 miền Bắc - Nam. Ở đây tôi không muốn nói về văn, mà muốn nói về phong cách ngoài đời. Nguyễn Ngọc Tư đi họp báo ra mắt sách không hề trang điểm, quần áo giản dị, từng nói “Thơm nắng thì cần gì nước hoa”. Còn chị lúc nào cũng quần áo trau chuốt, trang điểm cẩn thận, và tất nhiên là có dùng nước hoa. Khác biệt này do vùng miền hay cá tính đây?
- Ấy, là do cá tính, do thói quen, do quan niệm chứ đừng nói do vùng miền mà oan cho vùng miền (cười). Với Tư, có thể chị ấy thích sự thoải mái, không thích đi giày cao gót cũng không thích trang điểm, tóc tai gọn gàng là được. Còn tôi, tôi thích chăm chút cho bản thân. Tôi thấy điều đó cũng hết sức bình thường mà, có gì đặc biệt đâu.
Nhưng nói thật là tôi hơi ngạc nhiên trước những phụ nữ không thích làm đẹp. Và có câu này nghe sáo nhưng vẫn phải nói: người phụ nữ làm đẹp không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả chồng, con và những người xung quanh. Tóm lại, làm đẹp không phải là một nghĩa vụ, nhưng cũng không phải là một cái “tội”.
* Nếu có người bảo chị “Nhà văn mà trông như diễn viên”, với chị đó là khen hay chê?
- Này, câu hỏi này của bạn làm tôi ngạc nhiên đấy. Chả lẽ có người đã nói như vậy thật sao? Chả lẽ trong quan niệm của ai đó thì nhà văn hãy chỉ lo cắm đầu mà viết văn thôi, đừng có chăm chút hình thức làm gì. Trước khi là nhà văn, tôi là một phụ nữ. Sau khi là một nhà văn, tôi vẫn là phụ nữ cơ mà
Đang viết tiểu thuyết đầu tiên về đề tài đô thị Tới năm thứ 17 sống ở Hà Nội, Đỗ Bích Thúy mới đặt bút viết về nơi đây. Chị tiết lộ với TT&VH Cuối tuần, đô thị hôm nay đang có rất nhiều vấn đề mà văn chương có thể khai thác. Tuy nhiên, để viết, dù viết về cái gì thì sự thật đời sống - cái nền của tác phẩm - với chị cũng phải có một độ lùi nhất định về không gian, thời gian. Độ lùi giống như chiếc sàng, nó giữ lại những thứ thực sự có giá trị cho người viết. Cuốn tiểu thuyết chị đang viết đề cập đến cái phần tạm gọi là bình dân của đời sống đô thị. Bên dưới cái vỏ hiện đại, sang trọng, ồn ào, Hà Nội vẫn một đời sống khác - vất vả, cực nhọc, bí bách, với những đan xen cũ mới, còn mất. Đỗ Bích Thúy có bố mẹ là người Nam Định, sinh ra ở Hà Giang, hiện là Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị đã xuất bản 13 cuốn sách, trong đó cuốn mới nhất là tiểu thuyết lịch sử Cánh chim kiêu hãnh. |
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần