(Thethaovanhoa.vn) - Việc hủy bỏ trò cướp phết tại lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ) đang trở thành một sự kiện nóng.
Cụ thể, chiều 16/2, khi hàng trăm thanh niên cùng phá vỡ hàng rào bảo vệ, tràn vào tham gia tranh cướp quả phết đầu tiên tại sân Phết xã Hiền Quan, Ban tổ chức đã lập tức cho dừng diễn xướng này. Kèm theo đó là quyết định khá dứt khoát: phần cướp phết (với số quả phết nhiều hơn) trong ngày tiếp theo cũng sẽ không được tổ chức.
Để rồi, vào ngày chính hội 17/2, khi những quả phết được cất đi sau lễ rước – thay vì mang ra sân Phết - rất đông người dân đã tập hợp tại đền Hiền Quan để phản ứng gay gắt trong nhiều giờ đồng hồ.
Theo họ, cướp phết là truyền thống văn hóa - lịch sử của cộng đồng địa phương từ hàng trăm năm . Gắn với huyền tích về nữ tướng Thiều Hoa, diễn xướng ấy không chỉ là trò chơi dân gian nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ, mà còn là nghi thức tâm linh cần được duy trì.
Thực tế, nguyện vọng của người dân Hiền Quan cũng đã được nhắc tới liên tục từ đầu năm 2019. Ở thời điểm ấy, khi lên kế hoạch tổ chức lễ hội này, rất nhiều người không đồng thuận với phương án dừng trò cướp phết trong trường hợp xấu nhất.
Như đề xuất của họ, sau lễ rước, những quả phết vẫn cần được tung ra để lấy may - dù phía tổ chức có thể dừng cuộc chơi ngay sau đó. Bởi, không làm điều này là “phạm thánh”, và cộng đồng sẽ phải tổ chức thêm một buổi lễ tạ sau đó để giải tỏa những lo lắng sau sự thay đổi này.
***
Một khi đã liên quan tới truyền thống, cũng như niềm tin của cộng đồng bản địa, câu chuyện đã trở nên vô cùng tế nhị. Nhưng, nhìn ở hướng ngược lại, màn diễn xướng mang tính tranh cướp “cầu may” tại hội phết Hiền Quan lại làm dư luận lo lắng và bức xúc từ nhiều năm nay.
Đều đặn mỗi năm, cứ vào lễ hội này, trên mặt báo và không gian mạng lại tràn ngập hình ảnh một biển người chen chúc, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau để cướp lấy quả phết cho mình. Và không ít lần, những màn tranh cướp này đã được đẩy lên thành những trận ẩu đả thật sự.
Tình trạng ấy cũng từng diễn ra với diễn xướng cướp giò hoa tre tại Hội Gióng Sóc Sơn, cướp chiếu ông Hiệu tại Hội Gióng Phù Đổng - hoặc gần hơn nữa là tại hội cướp phết tại Bàn Giản (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Cần nhắc lại, sau năm 2017, khi dư luận “hết hồn” vì phát hiện một thanh niên vác dao vào... cướp phết tại hội Bàn Giản, diễn xướng này đã bị ngừng và chuyển sang việc rước quả phết vào đình để du khách cùng chiêm ngưỡng.
Bởi thế, dù thông cảm, nhiều người vẫn cho rằng các lễ hội có nghi thức “cướp lộc” chỉ nên duy trì trong điều kiện được tổ chức tuyệt đối an toàn. Nôm na câu chuyện ở đây cũng giống như... chơi bóng đá: nếu phía tổ chức không đảm bảo an toàn, để cổ động viên quá khích tràn vào sân gây rối thì quyền “đá sân nhà” đương nhiên bị hủy.
***
Vậy, đâu là giải pháp để các diễn xướng như cướp phết có thể diễn ra một cách an toàn và trật tự?
Tăng cường người giữ trật tự, có thêm nhiều lớp rào chắn quanh sân, đó là cách làm mà hội phết Hiền Quan lựa chọn trong vài năm qua. Để rồi, 3 ngày trước, hàng trăm chiến sĩ công an và nhiều lớp rào cũng không đủ... giữ chân một biển người háo hức lao vào cướp phết.
Thực tế, như nhiều lễ hội khác, cấu trúc về không gian và thành phần của hội phết Hiền Quan đã bị thay đổi rất nhiều theo thời gian. Từ một diễn xướng quy mô nhỏ dành cho cộng đồng bản địa, với những người luôn có ý thức nghiêm cẩn khi tham gia, lễ hội ấy đã trở thành nơi mà vô vàn con người dồn về bởi sự hiếu kỳ, và cả bởi khao khát sở hữu một chút “lộc thánh” để lấy may cho mình.
Sự biến đổi ấy khiến các lễ hội khó lòng được gìn giữ chỉ bởi giải pháp cơ học là... lập hàng rào bảo vệ. Về lâu dài, chúng cần được nghiên cứu kĩ, để tìm những giải pháp thấu đáo và cơ bản hơn, nhằm dung hòa được tập tục cũ và những biến đổi hiện tại.
Còn bây giờ, với mong muốn phần nào giữ được nét truyền thống trong hội cướp phết của mình, có lẽ người dân Hiền Quan cần xác định: việc bảo vệ trật tự cho diễn xướng này cần đến sự góp sức của chính họ, chứ không thể chỉ trông chờ vào ban tổ chức.
Sơn Tùng
Tags