Ghi hết 5 bàn cho đội nhà để tạo ra cú ngược dòng khó tin trên sân Thanh Hóa, tiền đạo người Brazil đã xô đổ kỷ lục về số bàn thắng trong một mùa giải vốn tồn tại từ khi Lê Huỳnh Đức ghi 25 bàn hồi năm 1996 đến nay. Như vậy, Rafaelson đã có 26 bàn trong tổng số 49 bàn của Nam Định, một sự phụ thuộc quá lớn.
Dù vẫn còn đến 5 vòng đấu nữa mới kết thúc mùa bóng, nhưng có thể kết luận chức vô địch Night Wolf V-League 2023/24 đã nằm trong tay Nam Định. Nó không đến từ khoảng cách 8 điểm so với đội xếp kế tiếp, bởi về lý thuyết thì vẫn có thể san lấp, mà là đến từ thành tích kém cỏi của một loạt đối thủ bám đuổi. Ngay cả khi đội bóng của HLV Vũ Hồng Việt có chuỗi 3 trận không biết thắng vừa qua, thì cũng chẳng ai chịu rút ngắn khoảng cách cả.
Với 5 vòng đấu còn lại, cả lý thuyết lẫn thực tế thì chỉ còn Hà Nội FC và B.Bình Dương là có khả năng đạt đến con số 15 trận thắng, nhưng với điều kiện họ phải thắng hết 5 trận còn lại, điều bất khả thi. Để vô địch V-League ở mùa giải có 26 vòng đấu, thì tối thiểu phải thắng được 14 trận, và con số này thì gần như chỉ có một mình Nam Định đủ khả năng làm được khi họ đã có trong tay 13 trận, chưa kể 5 vòng cuối chỉ gặp các đội không còn mục tiêu.
Nghĩa là nếu năm nay mà Nam Định vô địch thì họ "may nhiều hơn hay". Cái may đầu tiên, như đã nói, đó là các đối thủ của họ cứ tự bắn vào chân mình. Không một ai xứng đáng để trở thành nhà vô địch cả. 3 đội bóng đến từ Hà Nội, những nhà vô địch gần nhất của V-League, đều đang ở xa so với thực lực của mình. Chỉ cần một trong 3 đội Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel chơi như các mùa trước thì áp lực dành cho Nam Định sẽ rất lớn. Nhưng hãy xem, đội đang đứng nhì bảng là Bình Định chỉ có 9 trận thắng sau 21 vòng, tức là chỉ nhiều hơn 3 trận so với đội đứng áp chót là HAGL.
Cái may kế tiếp, và cũng là điểm mấu chốt, Nam Định có Rafaelson. Điều thú vị là đội bóng đầu tiên ở Việt Nam mà Rafaelson chơi bóng hồi năm 2020 chính là Nam Định. Khi đó, đội chủ sân Thiên Trường là ứng cử viên… xuống hạng khi chưa có nhà đầu tư.
Năm ngoái, anh đã là Vua phá lưới V-League với 16 bàn thắng, nhưng không thể giúp Bình Định đua tranh vô địch. Việc trở lại sân Thiên Trường và bùng nổ, cũng là một cái duyên cho cả 2, bởi có khá nhiều trường hợp, mùa trước ghi bàn tưng bừng nhưng khi chuyển sang đội khác thì lại chẳng còn là chính mình.
Nói Nam Định may mắn khi có Rafaelson là vì thế. Nghĩa là nếu bỏ Rafaelson ra khỏi đội, thì chắc Nam Định cũng chỉ sàn sàn giữa bảng xếp hạng.
Cũng vì sự phụ thuộc vào Rafaelson để trở thành số 1 quốc gia, khiến cho yếu tố ngoại binh trở thành "vô cùng quan trọng" đối với các cuộc đua ở V-League. Số bàn thắng của Rafaelson nhiều gấp 4 lần so với chân sút nội đứng gần nhất trong danh sách ghi bàn.
Ở Nam Định có tiền đạo đội tuyển quốc gia là Nguyễn Văn Toàn, thì cũng chỉ có con số khiêm tốn là 5 bàn dù anh vừa từ Hàn Quốc trở về. Rafaelson vốn là người không trụ nổi tại Nhật Bản, bị "dạt" sang Đan Mạch cũng không xong, mới đến Việt Nam đá bóng. Các chi tiết này cho chúng ta hình dung rõ hơn khi đặt ra những kỳ vọng về chất lượng và đẳng cấp của đội tuyển quốc gia.
Tags