Ranh giới của đạo đức

Thứ Năm, 07/03/2019 07:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc họp báo về sai phạm của thầy giáo Dương Trọng Minh tại Việt Yên (Bắc Giang) vào sáng qua 6/3 được dư luận đón nhận với nhiều bức xúc.

Vụ thầy giáo bị tố dâm ô học sinh tại Bắc Giang: Chưa đủ căn cứ chứng minh vụ việc

Vụ thầy giáo bị tố dâm ô học sinh tại Bắc Giang: Chưa đủ căn cứ chứng minh vụ việc

Liên quan đến việc thầy giáo Dương Trọng M (sinh năm 1981) giáo viên Chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn, Việt Yên (Bắc Giang) bị tố sau khi uống rượu đã dâm ô hàng loạt học sinh nữ tại trường, tối 5/3, UBND huyện Việt Yên đã có báo cáo quá trình xác minh vụ việc xảy ra.

Đang giảng dạy tại lớp 5 một trường tiểu học, ông Minh bị tố cáo về hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh trong tuần trước. Cụ thể, đó là những hành động như “xoa lưng”, “sờ đùi”, “xoa mông”... 14 em trong buổi học phụ đạo. Bản thân ông Minh cũng thừa nhận điều này và biện minh bằng lý do say rượu.

Để rồi, trong buổi họp báo sáng qua, kết luận bất ngờ được các cơ quan địa phương đưa ra: dù không phù hợp với vai trò một giáo viên, nhưng chưa đủ bằng chứng để coi hành vi ấy là dâm ô.

Chú thích ảnh
Trường tiểu học Tiên Sơn - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Internet

Đã có những bất bình được chia sẻ quanh kết luận ấy. Và căn cứ vào những gì từng diễn ra trên bục giảng mấy năm qua, chúng ta không khó để hiểu thái độ này.

Bởi, gần như song song với ông Minh, một thầy giáo lớp 10 tại Thái Bình (và đã có gia đình) cũng đang là “tâm bão” của dư luận, khi bị phát hiện thường xuyên gạ tình một nữ sinh bằng những tin nhắn vô cùng sướt mướt.

Rồi, không dừng ở quấy rối, hơn 3 tháng trước, một thầy hiệu trưởng tại Thanh Sơn (Phú Thọ) chính thức bị khởi tố vì lạm dụng tình dục nhiều học sinh nam. Tương tự, cũng trong thời điểm đó, một thầy giáo thể dục tại Gia Lai bị bắt vì hành vi đồi bại với một học sinh lớp 8, còn một thầy giáo ở Quảng Nam thì chính thức nhận án 24 năm tù vì dâm ô với 3 học sinh tiểu học.

Và còn rất nhiều câu chuyện khác, mà độc giả có thể tự tìm kiếm trên internet. Ở những câu chuyện ấy, có thể thấy rõ: nhiều khi, một vấn nạn lớn của xã hội – nạn xâm hại trẻ em – lại diễn ra ngay trong môi trường giáo dục.

***

Trở lại vụ việc ở Việt Yên. Dù bức xúc, ai cũng hiểu: ở một nhà nước pháp quyền, việc vi phạm pháp luật phải được cấu thành từ những bằng chứng cụ thể và chiếu theo những điều luật cụ thể.

Bởi thế, khi “nhân vật chính” tạm thời chưa được xác minh là có tội, chúng ta hãy nhìn sự thiếu chuẩn mực – xin tạm gọi vậy – của thầy Minh ở một góc độ khác: sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa của người thày.

Thật ra thì ta vẫn hay nhắc tới sự xuống cấp ấy khi bắt gặp cách hành xử vốn xa lạ với những hình dung về người thầy giáo: ăn mặc thiếu lịch sự, văng tục, đôi co với học sinh hay xử sự đầy “chợ búa” trong vấn đề học phí. Và ở mỗi câu chuyện, bên cạnh lời than phiền, vẫn có những ý kiến ít nhiều tỏ ra thông cảm, rằng thầy giáo cũng là con người và cũng có lúc phạm sai lầm.

Những cuộc tranh luận ấy sẽ không bao giờ có hồi kết, nếu người ta bỏ qua một điểm quan trọng: trong truyền thống văn hóa Việt Nam, thầy giáo không chỉ có nhiệm vụ trao truyền kiến thức. Quan trọng hơn, đó chính là nghề được xã hội trông đợi ở một thiên chức đặc biệt: dạy và uốn nắn học sinh về những chuẩn mực đạo đức để sống làm người.

Tất nhiên, khi dạy các em, những thầy giáo ấy không thể là những tấm gương đầy hoen ố - nếu chiếu theo những hệ giá trị cơ bản về đạo đức.

Sẽ không lý luận nào có thể biện hộ cho hành động của thầy Minh – khi mà ở cấp tiểu học, các em phải là những người được dạy về cách giữ sự an toàn tuyệt đối trước người lạ để phòng chống bị xâm hại. Và ở lứa tuổi ấy, bên cạnh người thân, chính thầy cô giáo phải là người gần gũi để che chở cho các em trước hết.

Cũng như, không ai có thể bênh vực cho “đồng nghiệp” của thầy Minh trong vụ việc ở Thái Bình – khi mà ở lứa tuổi mới lớn, lẽ ra một nữ sinh lớp 10 cần được học về cách sống có trách nhiệm, thậm chí là về sự trung thực và minh bạch trong tình cảm đầu đời, thay vì phải nghe những lời tán tỉnh mùi mẫn từ một người đàn ông có vợ.

Chúng ta có thể thông cảm trên nhiều khía cạnh, nhưng sẽ không bao giờ bước qua được những tiêu chí về đạo đức mà truyền thống đã đặt lên vai người thầy giáo.

Sơn Tùng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›