(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2015, Barcelona từng ngậm ngùi để Takefusa Kubo trở về Nhật trong luyến tiếc. Còn bây giờ, họ cay đắng nhìn tài năng trẻ một thời của lò La Masia cập bến kình địch Real Madrid.
Thần đồng bóng đá Nhật Bản là một trong số những tài năng trẻ mà Real Madrid mang về ở kỳ chuyển nhượng mùa hè này, bên cạnh Eder Militao (Porto, 21 tuổi), Rodrygo Goes (Santos, 18), Luka Jovic (Frankfurt, 21), và những người mới trở lại theo dạng cho mượn như hậu vệ Theo Hernandez (21), thủ môn vô địch U20 thế giới Andriy Lunin (20). Cùng với Dani Ceballos (22), Sergio Reguillon (22), Brahim Diaz (19), Vinicius Jr (18), và Martin Odegaard (20), Real Madrid đang có một lực lượng trẻ hùng hậu bậc nhất châu Âu hiện nay.
Từ La Masia đến Real Madrid
Mối lương duyên của Takefusa Kubo với Barcelona bắt đầu từ cách đây gần 10 năm, khi cậu bé 8 tuổi này giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất Trại hè bóng đá Barcelona. Một năm sau, Kubo được trao danh hiệu Cầu thủ hay nhất Sodexo European Rusas Cup ở Bỉ, dù đội bóng trại hè Barca chỉ về thứ ba. Sau giải đấu ấy, Kubo về nước và khoác áo đội trẻ Kawasaki Frontale.
Tháng 8/2011, Takefusa Kubo được mời tới La Masia thử việc và cậu bé loắt choắt này đã không khó để thuyết phục các tuyển trạch viên của Barca. Kubo đã khởi đầu những năm tháng ăn tập tại Catalan ở đội Barca Alevin C (U11), và ở mùa giải trọn vẹn đầu tiên (2012-13), cậu khiến cho tất cả kinh ngạc khi trở thành Vua phá lưới với 74 bàn thắng sau 30 trận. Đến mùa 2014-15, Kubo được đôn tiếp lên đội Barca Infantil A (U14), và được coi là ngôi sao tương lai của đội bóng xứ Catalan. Thế nhưng sau đó, Barca bị phát hiện vi phạm quy tắc chuyển nhượng với cầu thủ U18 và Kubo bị buộc phải trở về Nhật và gia nhập FC Tokyo
Barca đã rất muốn đưa Kubo trở lại khi anh đủ 18 tuổi (4/6/2019), nhưng thật trớ trêu, đội bóng có được thần đồng này lại là… Real Madrid. Đội chủ sân Bernabeu chỉ phải trả cho FC Tokyo 2 triệu euro, để có Kubo với bản hợp đồng có thời hạn 6 năm, cùng mức lương 1 triệu euro/mùa. Rõ ràng, đây là cái giá rẻ hơn rất nhiều so với số tiền mà Real bỏ ra cho những tài năng trẻ cùng lứa khác như Brahim Diaz, Rodrygo Goes, Vinicius Jr hay Andriy Lunin. Kubo sẽ bắt đầu từ đội Real Castilla, nhưng anh có thể được đôn lên đội một ở mùa giải thứ hai.
Barcelona có tiếc nuối?
Mức đãi ngộ mà Real Madrid dành cho Kubo không quá cao, nhưng Barcelona (và cả PSG) đều không sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của tài năng trẻ này. Và sự chắc lép ấy đã dẫn đến việc Kubo gia nhập chính kình địch của đội bóng xứ Catalan. Dù Kubo không gia nhập Real Madrid trực tiếp từ Barcelona, nhưng thương vụ này cũng khiến khá nhiều madridista hả hê, bởi trước đó, không ít người đều nghĩ rằng Kubo sẽ trở lại Barcelona.
Sự thất vọng của các cule còn lớn hơn bởi cái cách mà Barca để mất Kubo, người đang thi đấu tại Copa America 2019 cùng tuyển Nhật Bản, thực sự khiến họ cay mũi. Kubo là một trong số cả tá tài năng trẻ mà Barca buộc phải chia tay vì vi phạm điều 19 của luật chuyển nhượng FIFA với những cầu thủ U18. Barca muốn đưa anh trở lại, nhưng họ cứ ngỡ rằng phải đến tháng ngày 31/1/2020 thì hợp đồng của anh với FC Tokyo mới hết hạn (do nhầm lẫn trên trang transfermarkt) nên vẫn còn thời gian. Cả PSG cũng nghĩ vậy. Nhưng bằng cách nào đó, Real Madrid biết được rằng hợp đồng của Kubo sẽ kết thúc vào hè này, và họ đã nhanh tay hơn cả.
Thay vì quan tâm sát sao và thực hiện các thương vụ, thì Barca chỉ biết ca cẩm và phản đối án phạt mà FIFA áp dụng với họ. Hãy nghe những lời bức xúc của chủ tịch Josep Maria Bartomeu với Observer thì rõ: “Thật bất công khi trong mọi môn thể thao trên thế giới, bạn có thể trao học bổng để một cậu bé đến trường, mà bóng đá thì lại không thể. Lạy Chúa, hãy thay đổi đi. FIFA không thể hạn chế quyền cá nhân của người khác như vậy. Án phạt ấy còn đi ngược với quyền trẻ em, đi ngược với quyền được học tập và phát triển năng lực”.
Barca đã muốn Kubo trở lại sau khi đã trưởng thành ở Nhật Bản, nhưng anh đã chọn Madrid. Còn với đội bóng thủ đô, đó là một thắng lợi lớn trong chính sách trẻ hóa của họ vài năm qua. Đó là chưa kể Kubo sẽ giúp Real Madrid tiếp cận thị trường châu Á một cách dễ dàng hơn.
La Masia: Một đi không trở lại Sau vụ vi phạm quy định chuyển nhượng với cầu thủ U18 của FIFA, Barca đã bị cấm chuyển nhượng 2 năm, và các cầu thủ trẻ buộc phải trở về quê nhà. Trong số đó có 1 cầu thủ quốc tịch Mỹ, 1 Cameroon, 2 Hà Lan, 1 Venezuela, 2 Pháp, 3 Hàn Quốc, và Kubo. Điều đáng chú ý là không cầu thủ trẻ nào trong số này trở lại Catalan nữa. Nổi tiếng nhất chính là thủ thành Andre Onana, người vừa có một mùa giải tuyệt vời cùng với Ajax, đội bóng đã đoạt cú đúp nội và vào tới bán kết Champions League. Onana, 22 tuổi, cũng đang là thủ thành số một của đội tuyển Cameroon, và là một món hàng hot trên thị trường chuyển nhượng mùa hè. Nhưng không phải ai cũng được thành công như thế. Paik Seung Ho thuộc biên chế Girona, nhưng không có chỗ đứng lên phải đá cho đội B ở giải hạng Ba Tây Ban Nha. Lee Seung Woo, người từng tỏa sáng giúp Hàn Quốc loại Việt Nam ở bán kết ASIAD 2018, cũng từng được so sánh với Lionel Messi, nhưng đang chật vật ở Verona, đội bóng chỉ vừa mới thăng hạng Serie A. Một sao trẻ xứ Kim chi khác ở lò La Masia là Jang Gyeol Hee đã trở về Pohang Steelers sau một thời gian lưu lạc tại Asteras Tripoli (Hy Lạp). Bản thân Kubo khi mới được đôn từ U23 Tokyo lên đội một cũng gặp ít nhiều khó khăn và bị cho mượn tới Yokohama Marinos trước khi trở về ở mùa giải vừa rồi và thành tích cũng chỉ tàm tạm với 5 bàn thắng sau 16 trận. Một số cầu thủ khác vẫn đang ở dạng tiềm năng. Có thể kể đến Ian Carlo Poveda, người được ví như Alexis Sanchez mới, hiện đang khoác áo đội trẻ Man City. Bobby Adekanye, mang hai quốc tịch Hà Lan và Nigeria, đang là thành viên chủ lực của U23 Liverpool. Theo Chendri thuộc biên chế đội trẻ Nantes. Maxi Rolon có lẽ là người truân chuyên nhất trong số các tài năng trẻ phải rời La Masia năm đó. Cựu tuyển thủ U20 Argentina lưu lạc qua Santos, Lugo, Arsenal de Sarandi, Coquimbo Unido, Publia Casas, và bây giờ thi đấu ở Ecuador trong màu áo Fuera Amarilla SC. |
Tuấn Cương
Tags