(Thethaovanhoa.vn) - Ăn mày ở Dubai một ngày được 1,6 tỷ; trong khi “trai đẹp bị trục xuất” sinh ra và lớn lên ở Dubai thì lại sống ở Canada và vẫn lặng lẽ đẹp trai như thế. Fan nữ Việt từng phát cuồng về trai đẹp này, còn các trai khác, theo ca sĩ Đức Tuấn thì “chỉ quan tâm đến eo, mông..."
- Remix Giải trí: Ngắm ảnh cưới Hoài Linh làm gì khi nghe đồn là họ đã... chia tay?
- Remix Giải trí: Rock Trần Lập tới Paris. Thủy Tiên thấy giống Mỹ thì 'vinh', giống Hà Hồ thì 'nhục'
Đó là những tin tức nổi bật trong bản tin Remix Giải trí của báo Thể thao & Văn hóa tính đến sáng ngày 21/4. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật.
Như thường lệ, bản tin Remix Giải trí bắt đầu bằng các tin tức quan trọng.
* Người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm có phải vì sách quá đắt?
Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra trước thềm Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 3. Ông còn cho biết, trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác.
Thực ra thông tin này không mới, từ lâu rồi chúng ta đã biết, so với các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, Israel - lượng sách người dân Việt Nam đọc chỉ bằng 1/5.
Khai mạc Ngày hội sách Việt Nam
Nhưng thông tin đó khiến chúng ta thấy đắng lòng trong Ngày hội sách đang được tổ chức rầm rộ tại Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước bắt đầu từ ngày hôm nay. Chỉ riêng tại công viên Thống Nhất, Hà Nội thôi, Ngày sách Việt Nam đã giới thiệu hơn 30.000 đầu sách của 87 đơn vị xuất bản và đơn vị phát hành. Vậy mà sức mua tính trên đầu người của cả xã hội vẫn là con số rất khiêm tốn.
Mỗi lần có ngày hội sách, hay phố sách... tôi lại tò mò trước những thông tin “hạ giá” hay "đại hạ giá" các loại sách khác nhau, thậm chí có nơi, hạ giá chỉ còn đến 5.000 đồng/cuốn.
Giá sách của Việt Nam có cao không? Có lẽ không có câu trả lời chung, vì còn phụ thuộc vào thu nhập của mỗi người. 5 -10 ngàn đồng với người này là một số lẻ, nhưng với người khác thì lại là cả một ngày sống.
Nhưng có một điều mà ta có thể thấy ngay là tâm lý ham rẻ khi mua sách rất nặng nề. Chính vì thế mà sách lậu mới có cơ hội phát triển, nhờ chiêu trò đại hạ giá 50% giá bìa, thậm chí đến 80%. Nhưng chiêu trò đó đôi khi lại là lừa bịp, vì sách lậu đề giá trên trời.
Để biết sách ở Việt Nam rẻ hay đắt, ta hãy so sánh với các mặt hàng tiêu dùng khác. Ví dụ, bát phở bây giờ từ 20-50 ngàn đồng. Trong khi một cuốn sách giá trung bình cũng chỉ ngần đó.
Cách đây khoảng chục năm, giá sách vẫn như thế, trong khi, phở Thìn Lò Đúc là 7 ngàn đồng/bát. Hồi đó ai cũng phải đắn đo vì mua một cuốn sách thì mất 7 bát phở. Nhưng giờ một cuốn sách đúng bằng bát phở Thìn 50 ngàn đồng.
Trong cuộc sống, chúng ta cần tính chi phí cho văn hóa nữa, nhất là văn hóa đọc.
Mà xét cho cùng thì, từ chính bản thân tôi mà suy ra, thì việc ít đọc sách dường như không phải vì không có sách mà đọc. Giá sách dù hạ xuống đến bao nhiêu cũng không cứu vãn được văn hóa đọc, nếu như người ta đánh mất hoặc chưa có thói quen đọc sách.
* Ăn bánh chưng khổng lồ, càng nhớ lời Lang Liêu
Giỗ Tổ đã qua được mấy ngày, nhưng ồn ào quanh chiếc bánh chưng kỷ lục ở TP.HCM thì vẫn chưa nguôi. Có báo giật tít “Ngao ngán cảnh chia, bốc bánh chưng tiến vua Hùng”, báo khác lại giật “Bánh to thế, tổ nào làm chứng”!
Quan điểm của tôi ngay từ đầu đã là, lễ vật to nhỏ như thế nào không quan trọng, miễn lòng thành là được.
Xắt bánh chưng khổng lồ cho khách. Ảnh Tuổi trẻ
Nhân nói đến lòng thành thì lại phải kể đến Lang Liêu, “ông tổ” của món bánh chưng, bánh dày. Như truyền thuyết đã ghi, sáng tạo của Lang Liêu trong chiếc bánh kết tụ tinh hoa của trời đất này đã làm đẹp lòng vua cha, chứ không phải những thứ cao lương mỹ vị khác.
Mà bánh chưng, sở dĩ được đẹp lòng vua Hùng, không chỉ vì nó ngon, bổ, rẻ, mà vì triết lý sâu xa của Lang Liêu thể hiện ở trong đó.
“Họ lại lấy lá dong tươi gói gạo nếp sống, ngâm đỗ xanh làm một thứ bánh hình vuông có màu xanh cây cỏ, có những thứ hạt nuôi sống người, giống như mặt đất. Để tiêu biểu cho loài muông thú trên mặt đất, Lang Liêu xách nỏ vào rừng săn lợn to để làm nhân thịt vào bánh”.
(Trích trong truyện “Bánh chưng, bánh dầy”)
Nghĩa là trong hình thái chiếc bánh chưng có cả triết lý ở trong đó. Khi ăn một chiếc bánh chưng bình thường, tức là loại bánh mà ta có thể xắt ra bằng lạt, xọc vào đầu đũa hoặc cho lên đĩa - ta sẽ cảm nhận được trong từng miếng bánh đó cả phần dẻo thơm của gạo nếp, cả phần bùi bùi của đỗ và phần béo ngậy của nhân thịt. Tất cả chín dừ hòa quyện vào nhau từ khi nấu. Miếng bánh chưng dù cắt 4 hay cắt 8 vẫn đầy đủ cả 3 thành phần hòa quyện đó, giúp ta cảm nhận được triết lý về vũ trụ của Lang Liêu.
Thử hỏi cảm giác đó có thể có khi chúng ta xả loại bánh chưng khổng lồ ra – vỏ nếp thì đi đằng vỏ nếp, nhân đỗ đi đằng nhân đỗ, thịt đi đằng thịt? Dù có ghép lại để thành suất bánh có đầy đủ phần gạo-đỗ-thịt thì cũng rời rạc, không còn là một "Thiên - Địa - Nhân" hợp nhất nữa. Không còn cái cảm giác sung sướng như ăn cái bánh chưng con con mà hồi ta còn bé, mỗi dịp Tết nhất, bố mẹ vẫn làm riêng cho mỗi đứa một cái, tuy rất bé nhưng có đủ các thành phần như hồi cụ Lang Liêu làm, để ta được vớt ra ăn trước.
* Đã xuất hiện đạo diễn gốc Việt ở Cannes
Không phải Trần Anh Hùng, cũng không rõ Thanh Thúy và Angela Phương Trinh có chắc chắn tới Cannes hay không, mà là một cái tên khác. Đó là Kim Nguyễn, đạo diễn người Canada gốc Việt. Anh tranh giải ở hạng mục La Quinzaine des réalisateurs của LHP Cannes 2016 với bộ phim Two lovers and a bear.
Báo Tuổi trẻ cho hay, đây là một trong ba hạng mục song hành cùng sáu hạng mục chính thức của LHP Cannes.
Đạo diễn gốc Việt (trái) với diễn viên “Phù thủy chiến tranh” War witch (Phù thủy chiến tranh)
Kim Nguyễn không mấy xa lạ với những người phim Việt nhất là khi bộ phim War witch (Phù thủy chiến tranh) được đề cử giải Oscar 2013 hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Kim Nguyễn sinh năm 1974 tại thành phố Montreal (Canada). Cha anh là một du học sinh Việt Nam. Anh tốt nghiệp Đại học Concordia chuyên ngành Sản xuất phim.
* Ăn mày ở Dubai có thể kiếm tới 1,6 tỷ đồng/ngày
Đó là thông tin khá sốc trong ngày hôm nay trên kenh14.vn. Dẫn lời cơ quan chức năng tại thành phố Dubai, tờ báo cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2016, họ đã bắt giữ 59 người ăn mày là những người nước ngoài đến thăm Dubai theo con đường du lịch hoặc kinh doanh rồi tranh thủ hành nghề ăn xin.
Do đất nước này giàu có bậc nhất thế giới, nên “doanh thu” nghề ăn mày ở đây cực lớn, cao thì như đã nói, còn thấp nhất cũng khoảng 55 triệu đồng một ngày.
Ăn mày ở Dubai có thể kiếm 1,6 tỷ/ngày
Vì thế ban đêm, đám ăn mày ngoại quốc này lại trở về sống trong các khách sạn 5 sao và hưởng cuộc sống xa hoa không tưởng.
Thật tuyệt vời không thể tin được. Tuy nhiên, hy vọng đó không phải những thông tin dạng như người bán vé số dạo có thể thu nhập lên đến 100 triệu đồng/tháng!
“Trai đẹp bị trục xuất” vẫn lặng lẽ đẹp trai
Lâu lắm rồi, bỗng dưng hôm nay mới thấy báo chí nhắc đến “trai đẹp” Omar Borkan Al Gala – chàng trai râu ria được loan báo ầm ĩ là bị trục xuất khỏi lễ hội của Ả Rập vì quá đẹp trai (sau mới rõ chỉ là tin bịa).
Anh sinh ra và lớn lên ở Dubai, thành phố mà doanh thu của người ăn mày có thể lên tới 1,6 tỷ một ngày như nêu trên, tuy nhiên anh lại sống ở Canada để theo học ngành diễn xuất và làm người mẫu.
Sau khi cơn sốt “trai đẹp bị trục xuất” hạ nhiệt, các fan nữ Việt Nam thấy anh hiện diện ở sân bay Tân Sơn Nhật cũng chẳng đẹp trai như trên ảnh, giờ đây, cuộc sống của Omar giờ đây có vẻ trầm lắng hơn, không được báo chí quốc tế đề cập đến nữa, dù anh vẫn post ảnh đều đặn lên mạng. Anh cũng không còn các hợp đồng để đến cho các fan nữ ngắm như hồi đến Việt Nam nữa.
"Trai đẹp bị trục xuất" từng đến Việt Nam
Tuy vậy, anh đã tặng cho cộng đồng Việt Nam một mỹ từ mà bây giờ thanh niên nam nữ vẫn rất ưa chuộng: đó là từ “trai đẹp”.
* "Bây giờ người ta chỉ quan tâm đến eo, mông..."
Phụ nữ quan tâm đến trai đẹp, soái ca, nam thần, còn đàn ông thì... “chỉ quan tâm đến eo, mông” – ca sĩ Đức Tuấn nhận xét có phần hờn dỗi, mặc dù anh cũng xứng tầm “trai đẹp” được nhiều người quan tâm.
Đức Tuấn nói đúng. Chí ít là trong những ngày qua, đâu đâu người ta cũng bàn tán về cả con người và tác phẩm “Vòng eo 56” của Ngọc Trinh – nữ hoàng nội y. Còn trên truyền thông thì những thông tin về trai đẹp, gái đẹp luôn là hot nhất, còn những thứ tử tế về văn hóa thì xếp xuống hàng dưới.
Giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa không hề bỏ quên Đức Tuấn với Album “Những bài ca không quên”
Thật đỏ mặt khi nghe Đức Tuấn than thở: “Trước đây mình làm dự án hay hoạt động gì, truyền thông ai cũng biết. Nhưng thời gian gần đây các thông tin về các nghệ sĩ như tôi dễ dàng bị phủ lấp hoặc bị trôi qua... Truyền thông bị thao túng bởi scandal nên những thông tin ra đĩa, làm liveshow của nhiều nghệ sĩ không còn được xuất hiện quan trọng ở vị trí quan trọng trên các trang thông tin nữa. Đó là điều rất đáng buồn”! – anh chia sẻ với Vietnamnet.
Cám ơn lời cảnh tỉnh của Đức Tuấn. Nhưng chí ít anh cũng thấy rằng, Giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa (sẽ trao vào ngày 24/4 tới đây) không hề bỏ quên Album “Những bài ca không quên” của anh trong Danh sách đề cử chính thức. Hy vọng rằng cái tên Đức Tuấn và “Những bài ca không quên” sẽ lại được xướng lên trang trọng tại buỗi lễ và sau đó xuất hiện trên trang nhất của những tờ báo tử tế.
Đông Kinh (tổng hợp)
Tags