(Thethaovanhoa.vn) - Buông phịch cái ba lô đầy bụi xuống sàn sau chuyến “phượt” vùng cao, ông chủ hỏi bà chủ về những ngày tắm biển miền Trung của bà trong kỳ nghỉ lễ. Bà chủ thở dài: “Người tắm người chứ tắm biển nỗi gì! Đi nghỉ mà bon chen mệt hơn đi làm”.
Ông chủ cười ha hả trách bà chủ không đi cùng ông chủ, không chấp nhận cuộc “hành xác” an nhiên trên những cung đường rẻo cao mà muốn “du lịch lười” để miễn cưỡng bị cuốn vào một cuộc “hành xác” khác, tệ hại hơn nhiều lần.
Ông chủ say sưa kể về cung đường vắng vẻ, chon von lên đèo Khau Phạ (một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc Việt Nam). Ông kể về cái sướng của lữ khách khi chạy xe xuyên mây mịt mùng cả ngày trời rồi được hưởng bữa cơm giản dị, đậm hương vị núi rừng ở Dế Xu Phình (Mù Cang Chải, Yên Bái).
Rồi ông mê say tả: Những rừng chè vắng ngắt ẩn hiện trong mây sớm tại Phình Hồ; những thửa ruộng bậc thang chằng chịt đường chân trời tại La Pán Tẩn; nụ cười hiền của chàng trai H’ Mông Giàng Seo Sồng dẫn ông lên Chế Cu Nha; con đường đá bầm dập dấu chân người ở bản Thào Chua Chải; những cây chè cổ thụ thân xạm màu thời gian ở Suối Giàng; món bọ xít rang ở Nghĩa Lộ, món bọ hung xào ở Nậm Đông... Những cái tên mới chỉ nhắc tới thôi đã khiến ông lâng lâng như vừa nhấp bát rượu ngô giữa núi rừng đại ngàn.
Thêm nữa, điều làm ông chủ khoan khoái nhất là chuyến du lịch của ông xứng với “đồng tiền bát gạo”. Ông bỏ tiền ra mua sự thanh bình, vốn sống và ông nhận lại được đúng những gì ông muốn. Còn sau chuyến đi “tắm người”, bà chủ chẳng những không mang lại sự thư thái, vui vẻ mà ngược lại, bà còn mua thêm cả sự bực dọc, bon chen (những thứ bà vốn dư thừa trong cuộc mưu sinh thường nhật).
Thảm cảnh của bà chủ là một trong số hàng ngàn cuộc “hành xác” tập thể của người dân trong kỳ nghỉ lễ này. Họ tới những bãi biển nổi tiếng để tắm và để ngắm. Họ muốn hưởng trọn vẹn niềm an lạc sau những ngày căng thẳng. Họ xách ba lô đi để vun vén tình cảm gia đình, tình đồng nghiệp sau những xô bồ hối hả của công việc, cuộc sống.
Song, thực tế và lý thuyết có khoảng cách quá xa. Thời gian gần đây, khi người dân tạm không phải lo miếng ăn từng ngày, khi những con đường cao tốc nối dài những điểm du lịch toàn quốc, khi các hãng lữ hành mọc lên như nấm sau mưa, số lượng khách du lịch tăng vọt. Các địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng trở nên quá tải. Khách du lịch nghỉ dưỡng miễn cưỡng chịu đựng “du lịch trải nghiệm”.
Hơn thế, các địa điểm du lịch không được quy hoạch để đón đầu sự tăng trưởng này. Cầu vượt quá cung đã tạo lên hình ảnh những bãi biển “vỡ trận” như báo chí đồng loạt đăng tải mấy ngày qua. Và bà chủ cùng những người muốn dành kỳ nghỉ lễ để nghỉ dưỡng bên những bãi biển “ngon- bổ- rẻ” trở thành nạn nhân...
Người dân nghỉ dưỡng mà mệt hơn... đánh trận, đó là hệ quả nhỡn tiền. Sâu xa hơn, số lượng du khách quá đông sẽ ảnh hưởng tới sức chịu tải của môi trường. Và khi ấy, khẩu hiệu du lịch là ngành công nghiệp không khói, bền vững cũng không còn đúng.
Phân tích một hồi, ông chủ cười: Chờ quy hoạch vĩ mô để thay đổi tình trạng này chắc còn lâu. Thôi thì tự “cứu” mình trước bằng việc đi du lịch, nghỉ dưỡng theo châm ngôn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”!
Bà chủ cố vớt vát: Mà ở tây, tàu, bãi biển còn đông hơn...
Remote
Thể thao & Văn hóa
Tags