Đêm nhạc Phú Quang vừa trở lại với khán giả Thủ đô trong hai đêm diễn 12 và 13/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với tên gọi Miền ký ức.
Thưởng thức đêm nhạc dài trong 3 tiếng đồng hồ trong đêm 12/10, bên cạnh những kỷ niệm ăm ắp, không ít khán giả cảm thấy “món ăn tinh thần mỗi độ Thu”của Phú Quang lần này, dù sao cũng đã kém ngon hơn so với những lần trước,khi nhạc sĩ còn tại thế.
Sự khác biệt lớn nhất ở chương trình này so với hàng loạt đêm nhạc mang thương hiệu Phú Quang đã từng diễn ra đều đặn vào tháng 10 các năm trước - đó là vắng bóng chính nhạc sĩ - linh hồn của từng đêm nhạc. Ông đã lặng lẽ ra đi, theo mùa Đông về nơi xa vắng vào tháng 12/2021. Và đêm nhạc này được chính những người con của nhạc sĩ tổ chức thực hiện để tưởng nhớ, mừng sinh nhật của cha (13/10/1949).
Và đúng như tên gọi Miền ký ức - đêm nhạc dựng nên bức chân dung Phú Quang từ những lát cắt hoài niệm của từng ca sĩ cùng các ca khúc đã gắn bó với mỗi người, hoặc đơn giản là được họ yêu thích: Ca sĩ trẻ Minh Chuyên (Nỗi nhớ mùa đông, Có một ngày), ca sĩ Tấn Minh (Hà Nội ngày trở về; Biển nỗi nhớ và em; Mẹ), ca sĩ Thanh Lam (Nỗi nhớ, Rock buồn, Miền ký ức), ca sĩ Hồng Nhung (Về lại phố xưa, Im lặng đêm Hà Nội, Tình khúc 24), ca sĩ Đức Tuấn (Khúc mưa; Hà Nội và em khi thu chớm đông sang; Chiều không em) và ca sĩ Ngọc Anh (Trong ánh chớp số phận, Khúc mùa thu, Chuyện bình thường số 7).
“Rock buồn”
Mỗi ca sĩ trình diễn liền một mạch chùm bài mình đảm nhiệm, cộng với chia sẻ thêm về những kỷ niệm liên quan đến nhạc sĩ, hoàn cảnh ra đời ca khúc. Giữa phần chuyển của từng người sẽ là một tiết mục song ca giao thoa của người trước với người sau. Kết cấu khá tự do này tạo cảm giác đêm nhạc đơn giản như một cuộc hội ngộ, gặp mặt mừng sinh nhật và ôn lại kỷ niệm về cố nhạc sĩ qua những câu chuyện kể, những ca khúc quen thuộc mà chưa bộc lộ được nhiều ý tưởng nghệ thuật.
Có lẽ cũng bởi phụ thuộc vào ký ức, lời kể của từng ca sĩ nên người chỉ đạo đêm nhạc (pianist Nguyễn Trinh Hương - con gái cả của nhạc sĩ Phú Quang) cũng khó nắm bắt được nội dung câu chuyện, cũng như khó kiểm soát được thời lượng phần chia sẻ của từng ca sĩ, dẫn đến tình trạng đêm nhạc kéo dài thời lượng quá 30 phút so với dự kiến (thực tế đã diễn ra từ 20 giờ đến 23 giờ).
Sau màn “chuyển giao sân khấu” bằng tiết mục Điều giản dị song ca cùng ca sĩ sĩ Tấn Minh, ca sĩ Thanh Lam thể hiện nỗi nhớ Phú Quang bằng kỷ niệm “mỗi khi hát, nhìn vào bên trong cánh gà, có chú đang ngồi soi. Hát mà sai một cái là chú giận cho thôi xong luôn. Hôm nay hát mà vẫn nhìn vào cánh gà như một thói quen, nghĩ rằng chú đang ngồi đây để xem, kiểm tra từng câu chữ của mình”.
Ca khúc đầu tiên Thanh Lam thể hiện là bài Nỗi nhớ - đầy da diết. Cảm xúc thương nhớ lan tỏa, chưa kịp lắng đọng thì đột ngột tan mất khi chị thể hiện ngay sau đó bài Rock buồn. Cách phối, cách hát và ngôn ngữ hình thể biểu diễn ca khúc này trên sân khấu - phiêu hết mình theo tiếng nhạc rộn ràng, mang đến một bài Rock buồn nhưng vẫn trong sáng, lấp lánh niềm vui. Nhưng ngay lập tức ca khúc thứ 3 được Thanh Lam biểu diễn là Trong miền ký ức, lại mang âm hưởng hoài niệm trầm lắng, cùng mạch cảm xúc giống bài Nỗi nhớ.
Chính trình tự thể hiện theo biểu đồ hình sin - trầm lắng đến tận cùng - thăng hoa đến tận cùng - rồi lại đột ngột xuống đến tận cùng này khiến cho nhiều khán giả thắc mắc: Vì sao lại chọn bài và thứ tự biểu diễn “nhấp nhô” đến vậy?
Trên thực tế, theo tìm hiểu của người viết bài này, trong danh sách biểu diễn, thứ tự trình diễn của ca sĩ Thanh Lam sẽ là: Rock buồn - Nỗi nhớ - Trong miền ký ức. Nếu theo kết cấu mạch cảm xúc này, vẫn tạm có thể chấp nhận được - khi để ca khúc rộn ràng biểu diễn đầu tiên, sau đó trở về với sự lắng sâu, đặt hai ca khúc cùng mạch cảm xúc liền nhau. Nhưng sau phần trò chuyện trên sân khấu cùng Thanh Lam, MC của chương trình lại không theo đúng thứ tự trong danh sách biểu diễn, mà giới thiệu luôn Thanh Lam hát bài Nỗi nhớ, dẫn đến tình trạng cảm xúc trồi sụt,“leo dốc” trong tổng thể 3 ca khúc mà nữ ca sĩ trình diễn.
Còn chị Giáng Hương - con gái thứ hai của nhạc sĩ Phú Quang, người biên tập lên danh sách ca khúc, phụ trách triển lãm ảnh tại sảnh và sân khấu trong chương trình đã chia sẻ với người viết bài (trong khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa hai phần trong đêm nhạc) về hồi ức khi cả nhà vào TP.HCM lập nghiệp, gia đình còn nghèo và ở nhờ nhà một người bạn. “Trời rất nóng, mà chưa có điện. Hai bố con ở nhà với nhau, mình kêu nóng, bố lấy tờ báo quạt cho mình hỏi mát chưa. Mình nói chưa, thì bố bảo con hãy nhìn ra ngọn cây, thấy gió lay ngọn cây thì tưởng tượng là sẽ thấy mát” - chị Giáng Hương nói.
Từ câu chuyện hồi ức của mình, chị Hương lý giải cho việc chọn sử dụng bài Rock buồn trong đêm nhạc là bởi muốn thể hiện thông điệp: “Cuộc đời không có gì tròn trịa. Có vui có buồn, nỗi buồn qua đi rồi thì niềm vui lại đến”.
Chị Hương cũng cho biết, trong cả một quãng thời gian chuẩn bị cho chương trình, chị thường thức đến 2 giờ sáng, và hàng đêm đều gặp bố trong mơ, nghe bố hướng dẫn chỉ bảo.
Còn nhà thơ Vi Thùy Linh - người viết lời dẫn cho MC Nguyễn Hồng Nhung thì bày tỏ niềm nuối tiếc khi chị đã dành nhiều tâm huyết viết lời dẫn mang tính nghệ thuật và bay bổng cho đêm nhạc, nhưng khi nghe MC dẫn thì biết những lời chị viết không còn giữ nguyên vẹn mà được “xé” ra nhỏ giọt. Điển hình như khi kết thúc chương trình, nhà thơ Vi Thùy Linh viết, đêm nhạc như một giấc mơ và không kết thúc - như thông điệp muốn giữ những dư âm bay bổng trong lòng khán giả. Nhưng lời dẫn của MC thì lại là: “Người ta vẫn nói,giấc mơ thường đẹp (đẹp như mơ). Người ta mơ rồi lại tỉnh”.
Video đêm nhạc:
Sức nặng đêm nhạc nằm ở Tấn Minh và Ngọc Anh
Sức nặng, sự hấp dẫn “cứu vãn” cho đêm nhạc Miền ký ức nằm ở phần xuất hiện của ca sĩ Tấn Minh và Ngọc Anh.
NSƯT Tấn Minh trình diễn 3 ca khúc Hà Nội ngày trở về; Biển nỗi nhớ và em; Mẹ với giọng hát nồng nàn, đầy tình cảm, sử dụng kỹ thuật ngân, luyến quyện hòa đẩy cảm xúc mênh mang, rất ra chất Phú Quang.
Chia sẻ tại đêm nhạc, ca sĩ Tấn Minh cho biết trong nhiều năm qua, giữa anh và nhạc sĩ Phú Quang có rất nhiều câu chuyện vui buồn, trao đổi với nhau về nghề.
“Tất cả những câu chuyện về cuộc sống, âm nhạc của chú Quang, Minh luôn là người đầu tiên được chú chia sẻ. Gần như các tác phẩm mới nhất của ông, ông đều gọi Minh đến hát demo cho ông nghe. Minh yêu nhạc Phú Quang, và luôn cảm thấy xúc động với từng câu chữ” - ca sĩ Tấn Minh kể.
Và tình yêu ấy được thể hiện rất cụ thể, khi Tấn Minh là ca sĩ duy nhất hát ở phần đầu chương trình mà còn ở lại để xuất hiện trên sân khấu khi kết thúc đêm nhạc (cùng với hai ca sĩ biểu diễn trong phần cuối là Đức Tuấn và Ngọc Anh).
Đêm nhạc khép lại bằng phần trình diễn của ca sĩ Ngọc Anh. Sự xuất hiện của Ngọc Anh như một món quà bất ngờ - khi trước đó trong các thông tin truyền thông về đêm nhạc không đề tên Ngọc Anh. Ngọc Anh cho biết mãi tối 11/10 chị mới từ Mỹ bay về để góp mặt cùng đêm nhạc.
- Nhạc sĩ Phú Quang tái 'xuất hiện' như một giấc mơ
- Một miền ký ức riêng về Phú Quang
- Nỗi nhớ Phú Quang
Và khán giả thực sự tìm lại được cảm xúc, tinh thần rất Phú Quang khi lắng lòng cùng những ca khúc Ngọc Anh thể hiện. Bài hát Trong ánh chớp số phận được Ngọc Anh thể hiện đầu tiên. Ca khúc này được phối với giai điệu nhanh, gấp theo phong cách rock, nhưng cách hát, phong thái biểu diễn của Ngọc Anh không “tưng tưng”, không phô trương ngôn ngữ hình thể mà đẩy nội lực vào trong giọng hát, cách hát, thể hiện ra sự cồn cào, khao khát, muốn sống và cháy hết mình với tình yêu.
Kết thúc đêm nhạc bằng ca khúc Chuyện bình thường số 7, ca sĩ Ngọc Anh khẳng định: “Âm nhạc của Phú Quang chứa đựng bên trong những thông điệp hay và tinh tế. Nếu nghe ca khúc mà chỉ nghe tiếng đàn tiếng hát là chưa đủ, mà cần đi sâu vào bên trong để cảm nhận nhiều hơn những thông điệp”.
Dù còn những hạt sạn đáng tiếc, nhưng dẫu sao vẫn phải ghi nhận, đêm nhạc là một sự cố gắng, nỗ lực - là tình yêu của các con dành cho người cha, tình yêu của các ca sĩ, của ê-kíp thực hiện dành cho người nhạc sĩ tài hoa, là lòng yêu mến, nhớ thương của người hâm mộ. Đây là một sự tiếp nối đẹp đẽ. Và trong tương lai, khán giả vẫn có quyền hy vọng vào những đêm nhạc dần hoàn thiện hơn từ kịch bản đến ý tưởng nghệ thuật - tương xứng với thương hiệu âm nhạc của Phú Quang.
“Việc chọn sử dụng bài Rock buồn trong đêm nhạc là bởi muốn thể hiện thông điệp: “Cuộc đời không có gì tròn trịa. Có vui có buồn, nỗi buồn qua đi rồi thì niềm vui lại đến” (chị Giáng Hương - con gái nhạc sĩ Phú Quang). |
Bài và Ảnh: Lương Đình Khoa
Tags