Nhạc sĩ - Ca sĩ Trần Lập |
* Nhạc rock Hà Nội bước đầu hình thành như thế nào? Ban nhạc nào được xem là đầu tiên của Hà Nội?
- Có thể nói rock Hà Nội xuất phát từ phong trào ca nhạc của sinh viên Hà Nội những năm đầu 1990, nhưng sức nóng của dòng nhạc này đã lan tỏa ra ngoài “biên giới” của sinh viên. Báo chí thời bấy giờ đã gọi đó là “Hiện tượng ca nhạc sinh viên Hà Nội”. Âm nhạc của Hà Nội sau ngày thống nhất đất nước cho đến trước 1990 chưa hề có khái niệm về rock. Có chăng, rock chỉ tồn tại trong giới trí thức trẻ được học tập và làm việc tại nước ngoài trở về. Đáng nói thay, chính điều đó là những đốm lửa âm ỉ để rồi bùng lên vào những năm đầu 1990 tạo thành một trào lưu rock cho Hà thành và ban nhạc đầu tiên của lịch sử rock tại Hà Nội là Những Bậc Thang, tiền thân của Đại Bàng Trắng sau này.
* Anh có thể nói tình hình nhạc rock tại Hà Nội sau Đại Bàng Trắng?
Nhạc sĩ - Ca sĩ Trần Lập |
Cho đến thời kỳ mà Đại Bàng Trắng ra đời thì Những Bậc Thang chỉ còn là kỷ niệm nhưng chính Đại Bàng Trắngcũngdần nguội nhiệt và chuyển phong cách sang rock’n’roll và blues. Ban nhạc đã tạo nhiều ảnh hưởng “sóng gió” đến rock Hà Nội với phẩm chất kỹ thuật cao cho tới nay phải nói đó là The Light. Nhưng cái tên đã làm nên sức ảnh hưởng lớn về tư tưởng âm nhạc và nhiều “kỳ tích” nhất thì lại là Bức Tường. Tuy Bức Tường đã chính thức chia tay khán giả nhưng sức sống của nó vẫn luôn còn lại khi những ca khúc và sự kiện mà nó đi qua vẫn luôn còn đó. Không ít bài báo tôi sưu tầm được đã đánh giá những gì mà Bức Tường tạo ra vẫn là những thử thách lớn cho các ban nhạc Việt Nam cho đến nay. Thế hệ các ban nhạc Hà Nội sau The Light, Bức Tường là Gạt Tàn Đầy, Buratinox, 625 - Mulation, Orion, Coming late - Thủy Triều Đỏ rồi Smallfire… đã và đang tạo nên một “sức sống rock Hà Nội” chứ không chỉ còn là những “Hiện tượng ca nhạc sinh viên”như thuở nào.
* Anh có sự so sánh nào giữa rock Sài Gòn và rock Hà Nội?
- Công bằng mà nói, phẩm chất kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ của các cá nhân chơi nhạc rock phía Nam với đại diện là TP.HCM luôn tốt hơn phía Bắc mà tiêu biểu là Hà Nội. Nhưng ngược lại, về nội dung thì các ban nhạc phía Bắc có cách làm mạch lạc hơn, có tính tích cực hơn.Các ban nhạc phía Nam có sự nhạy bén về việc cập nhật các trào lưu nhạc mới trên thế giới hơn so với phía Bắc. Về khách quan, chính điều này cũng do tính đặc thù về “gu” thưởng thức và sự hòa nhập của mỗi vùng miền với âm nhạc thế giới là khác nhau.
* Nhìn chung về hoạt động biểu diễn của các ban nhạc rock Hà Nội trong suốt những năm qua như thế nào?
- Nhìn chung, hoạt động biểu diễn của tất cả các ban nhạc rock ở Việt Nam đều manh mún, tự phát là chính, đó là điều đáng buồn. Điều này có quá nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan nhưng những người hiểu về rock ở Việt Nam đều biết là sự khách quan của nhạc rock Việt lại chính từ… chủ quan mà ra. Các ban nhạc cần biết, họ không chỉ chơi nhạc thế nào, hát ra sao mà quan trọng nhất là phải biết sống thế nào và hướng đến đâu nữa.
Khá nhiều ban nhạc chạy theo phong trào chơi rất “nặng” hoặc những tư tưởng âm nhạc “dị biệt” mà họ thích trong khi khả năng của họ có hạn và văn hóa Việt Nam khó chấp nhận. Quan điểm của tôi thì chơi nặng hay nhẹ không quan trọng bằng việc lựa chọn sao cho phù hợp khả năng thực tế và cần nhìn nhận rằng không phải cứ cái gì mình thích thì mọi người cũng thích. Nhiều ban nhạc mải mê tung ta những sản phẩm nháp (demo) để chia sẻ tứ tung trên Internet nhưng chưa được chuẩn bị kỹ càng, dẫn đến vô số những bình luận hỗn độn làm cho công chúng mất phương hướng và rút cuộc sẽ làm hại chính họ trên con đường tiếp theo.
* Tình hình rock Hà Nội hiện nay như thế nào? Dự đoán của anh về sự phát triển của nó trong tương lai?
- Thực tế là phong trào rock của Hà Nội hiện nay có kém sôi động hơn ở TP.HCM do ít có các chương trình như những năm về trước. Tuy nhiên, tôi vẫn tin là điều này chỉ có tính thời điểm vì đất Hà thành không bao giờ cạn tài năng. Những viên đá quý rồi sẽ tiếp tục lộ diện và chắc là sẽ nhanh thôi.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Hữu Trịnh