Roger Federer chính thức từ giã sự nghiệp: Vĩ đại theo phong cách FedEx

Thứ Hai, 26/09/2022 08:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Quần vợt thế giới đã trải qua một cuối tuần đáng nhớ ở sân O2, London, nơi Roger Federer ra sân lần cuối, bên cạnh người bạn thân/kình địch Rafael Nadal. Và sau đó là những khoảnh khắc đẫm lệ…

Roger Federer bật khóc sau trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp

Roger Federer bật khóc sau trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp

Roger Federer đã chơi trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp huy hoàng của anh vào đêm thứ Sáu khi đánh đôi cùng đối thủ lâu năm Rafael Nadal tại Laver Cup.

Federer và Nadal đã thua ngược cặp đôi Jack Sock/Frances Tiafoe 6-4, 6-7 (2), 11-9 ở ngày thi đấu đầu tiên của Laver Cup. Nhưng lý do mà bộ đôi huyền thoại này bật khóc là vì họ không thể kìm nén được cảm xúc trong lần cuối cùng sánh vai nhau trên sân quần.

Vĩ đại theo cách của riêng mình

Roger Federer cuối cùng cũng nhận ra rằng thứ ma thuật mà anh vẫn thường biểu diễn trên sân quần đã không còn lung linh nữa khi mà gánh nặng tuổi tác đã đè nặng lên cơ thể ọp ẹp sau rất nhiều lần phẫu thuật đầu gối của anh.

Khi siêu sao người Thụy Sĩ bước vào ánh hoàng hôn huyền ảo của sự nghiệp, những tranh cãi về vị trí của anh trong ngôi đền của những huyền thoại quần vợt vẫn còn tiếp diễn. Roger Federer, cùng với Rafael Nadal và Novak Djokovic đã tạo ra một kỷ nguyên vĩ đại trong gần 2 thập kỷ qua. Hai người còn lại, theo thời gian, đã vượt qua Federer trong cuộc đua danh hiệu Grand Slam. Nhưng chính người đàn ông đến từ Basel này mới khiến cho quần vợt trở nên sang trọng và hiện đại.

Nếu sự vĩ đại được đo bằng số lượng fan hâm mộ của môn thể thao này, cũng như lượng fan trung lập từ các môn thể thao khác thì Federer chắc chắn là người tạo ra ảnh hưởng lớn nhất của môn thể thao này từ trước đến nay. Sự thực là ngay cả một khán giả không thể phân biệt một cú xoáy cồng (topspin) hay cắt bóng (slice) cũng sẵn sàng dành thời gian để xem Federer thi đấu. Đó có lẽ là điều mà chỉ anh có thể làm được.

Trong nhiều thập kỷ qua, làng banh nỉ thế giới có không ít tay vợt theo trường phái thanh lịch. Họ là những người đã kết hợp sức mạnh thể thao với sự duyên dáng của… ballet. Nhưng sở dĩ, Federer nhanh chóng trở thành một hiện tượng như thế vì anh thi đấu trong thời đại mạng xã hội và YouTube, những công cụ giúp lượng fan của anh tăng đột biến. Tất nhiên, Nadal và Djokovic không phải không có những thước phim ấn tượng kiểu như thế, song sức mạnh của họ tập trung nhiều hơn vào sự gan dạ, tốc độ, thể lực, và độ chính xác, hơn là ma thuật.

Vì sao Federer luôn được yêu?

Với việc Federer đã nói lời từ giã sự nghiệp, không ít người sẽ tự hỏi hai kình địch của anh sẽ tiếp tục thi đấu đến bao giờ. Djokovic và Nadal đã vô địch 3/4 Grand Slam trong năm 2022, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sự chuyển giao về mặt thế hệ.

Carlos Alcaraz, sinh năm 2003, vừa mới vô địch US Open và cũng chiếm luôn vị trí số 1 thế giới. Và đứng ở vị trí sẵn sàng tiếp quản ngôi số một ATP là một loạt những đại diện của thế hệ NextGen như Daniil Medvedev, Casper Ruud, Matteo Berrettini và Stefanos Tsitsipas. Một hoặc nhiều người trong số họ có thể sẽ tiếp tục thống trị quần vợt trong những năm tới. Nhưng thật khó để tưởng tượng ra rằng họ có thể cống hiến như Federer đã từng làm.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc Federer và Nadal bật khóc sau trận cuối cùng của tay vợt người Thụy Sĩ

Với những người hâm mộ trung thành của FedEx, tay vợt người Thụy Sĩ là điều tuyệt vời nhất. Nadal và Djokovic đương nhiên bị xem là đối trọng của Federer, dù thực tế tương tác giữa cả ba phần lớn là rất thân mật và nồng nhiệt. Federer thường xuyên được cổ vũ nồng nhiệt ngay cả khi thất bại, thậm chí còn nhiều hơn cả khi chiến thắng. Trong khi những đối thủ của anh thì ngược lại, nhất là Djokovic, người thường coi đó là một chiêu trò tâm lý trong các trận đấu của mình.

Có nhiều lý do lý giải cho sự ủng hộ cuồng nhiệt dành cho Federer, và nó xuất phát không chỉ từ chuyên môn. Từ phong thái sang trọng của anh ở trong và ngoài sân, từ việc thường xuyên thể hiện tinh thần thể thao, cho đến thành thạo các vấn đề khác nhau (quần vợt và hơn thế nữa), với 5 thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, và Ý). Những phẩm chất ấy đã biến anh trở thành con cưng của các nhà tài trợ và các kênh truyền hình. Không có gì ngạc nhiên khi Federer vẫn là tay vợt kiếm tiền nhiều nhất trong năm vừa qua, dù anh không thi đấu trận nào.

Federer và Nadal rõ ràng đã thu hút được số đông sự ủng hộ vì sự gần gũi của họ, chẳng hạn như sẵn sàng selfie và ký tặng người hâm mộ mọi lúc mọi nơi, cũng như thường xuyên tương tác với truyền thông, ngay cả khi không thi đấu.

Phong cách và tinh thần thể thao

Tất nhiên, ký ức sâu đậm nhất về Federer vẫn là phong cách lịch lãm và trôi chảy của anh trên sân đấu. Từ những chuyển động mượt mà và thanh thoát trong cú giao bóng, những cú thuận tay đẹp mắt đến… tàn khốc, và cú trái một tay đẳng cấp, cho đến những pha lốp bóng và bỏ nhỏ.

Và còn nhiều cú quả mà có lẽ chỉ Federer mới có thể thực hiện được. Cách mà anh tìm được những góc đánh không tưởng trên sân và khiến đối thủ chôn chân khiến người ta phải kinh ngạc. Anh thường lựa chọn những cú đánh đẹp, thay vì trực diện và đơn giản. Không phải lúc nào Federer cũng thành công, nhưng anh chưa bao giờ thiếu niềm tin về việc mình có thể làm được những điều không thể. Anh có thể chơi tốt khi bám baseline, nhưng không bao giờ hài lòng với việc chỉ ăn điểm từ cuối sân.

103 danh hiệu ATP, trong đó có 20 Grand Slam, là đủ để gây ấn tượng với bất kỳ người hâm mộ nào. Nhưng điều đáng trân trọng ở Federer còn nằm ở tinh thần của anh. Anh đã từng đánh mất vị thế của mình trong một số trận đỉnh cao, nhất là trước Novak Djokovic, nhưng cũng chính anh đã trở lại mạnh mẽ hơn. Chất thép trong sự lịch lãm của Federer là điều không phải ai cũng thấy trong di sản mà anh để lại. Anh cũng không hề ngần ngại trong bày tỏ cảm xúc của mình, từ chức vô địch Grand Slam đầu tiên, hay thất bại trước Nadal sau 5 set ở chung kết Australian Open 2009.

Sự tri ân của các đồng nghiệp dành cho Federer khi anh tuyên bố giải nghệ là ghi nhận thực tế nhất. Họ hiểu rằng chính anh là người đã biến quần vợt trở thành một trò chơi đẹp mắt, chứ không chỉ là một cuộc triển lãm về sức mạnh, khả năng chịu đựng và thể lực.

Novak Djokovic: “Tôi chưa quá già để giải nghệ”

“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy mình chưa quá già để kết thúc sự nghiệp. Tôi vẫn cảm thấy cơ thể mình đang được bảo dưỡng tốt. Tôi lắng nghe cơ thể tôi rất tốt. Tôi nghĩ đó là chìa khóa mà khi bạn trên 35 tuổi”, Djokovic đã chia sẻ với báo giới như thế tại Laver Cup, giải đấu đầu tiên của anh kể từ sau chức vô địch Wimbledon 2022.

Điều này thực ra cũng chẳng có gì bất ngờ. Djokovic là người trẻ nhất trong Big Three (sinh năm 1987), và cũng có nền tảng thể lực tốt nhất, ít phải vật lộn với chấn thương nhất trong số ba huyền thoại này. Tất nhiên, Nole đã có những điều chỉnh cần thiết trong việc chăm sóc và bảo vệ cơ thể mình.

“Tôi không thi đấu nhiều như những năm trước. Tôi muốn chơi với phong độ cao ở những giải đấu hay nhất, lớn nhất trên thế giới. Đó là Grand Slam và một số giải lớn nhất của ATP, hay thi đấu cho đất nước của tôi. Đó là những điều sẽ mang lại cho tôi nhiều động lực nhất và truyền cảm hứng để tôi chơi thứ quần vợt tốt nhất. Tôi muốn tiếp tục và chưa có ý định kết thúc sự nghiệp ở thời điểm này. Tôi vẫn tiếp tục, miễn là tôi cảm thấy còn có thể cạnh tranh với các đối thủ trẻ. Tôi có thể khẳng định rằng, tôi vẫn là một trong những ứng cử viên để đoạt Grand Slam”, Nole quả quyết.

Khác với Djokovic, Nadal từng tính đến chuyện giải nghệ hồi năm ngoái cũng như sau Roland Garros năm nay vì anh thường xuyên phải vật lộn với chứng Muller Weiss quái ác khiến anh phải tiêm thuốc tê trước mỗi trận đấu. Hiện Nadal đang điều trị bằng tần số vô tuyến và chưa có ý định giải nghệ.

Phương Chi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›