(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/12, hãng hàng không giá rẻ Lion Air thông báo chi hàng triệu USD nhằm nối lại chiến dịch tìm kiếm hộp đen thứ hai và những nạn nhân gặp nạn trên chiếc máy bay Boeing 737-MAX 8 của hãng này hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Tuyên bố của Lion Air nêu rõ cuộc tìm kiếm này với sự tham gia của một công ty Hà Lan sẽ kéo dài trong 10 ngày trong tháng 12 này. Do sức ép của gia đình các nạn nhân, Lion Air đã buộc phải chi thêm 2,6 triệu USD để thuê công ty trên với sự hỗ trợ của tàu lặn MPV Everest để tìm kiếm thi thể của các nạn nhân xấu số còn lại. Hiện thi thể của 64 nạn nhân chưa được tìm thấy. Tàu MPV Everest, có chiều dài 142 m, trang bị thiết bị điều khiển từ xa hiện đại nhất sẽ tiếp cận khu vực gần nơi máy bay Boeing 737-MAX 8 bị rơi vào ngày 19/12 tới.
Cho tới nay, các phần thi thể nạn nhân đã được tìm thấy và bảo quản trong 200 túi đựng. 125 nạn nhân đã được xác định danh tính. Nhân viên cứu hộ cũng đã trục vớt được các bộ phận và động cơ máy bay. Ngoài các nạn nhân trực tiếp của vụ tai nạn, một thợ lặn tham gia chiến dịch cũng thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.
Hồi tuần trước, hàng chục thân nhân của các hành khách thiệt mạng trên chuyến bay trên đã lên tiếng yêu cầu nối lại chiến dịch tìm kiếm, đồng thời yêu cầu các nhà chức trách chi trả các khoản bồi thường. Khoảng 30 thân nhân của các nạn nhân cũng đã đệ đơn kiện hãng chế tạo máy bay Boeing, cho rằng những sự cố của chiếc máy bay 737 MAX đời mới trên là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn này.
Máy bay gặp nạn thuộc mẫu Boeing 737-MAX 8, thế hệ mới nhất và hiện đại nhất trong dòng máy bay chở khách thương mại. Cho tới nay, các nhà điều tra vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến máy bay rơi chỉ ít phút sau cất cánh. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ các máy bay Boeing 737-MAX 8 đang được khai khác. Bộ Giao thông Indonesia cũng đã đình chỉ công tác của một số lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật của hãng này để phục vụ điều tra.
Sáng 29/10, máy bay Boeing 737-MAX 8 mang số hiệu JT 610, chở 189 người trên chuyến bay nội địa từ thủ đô Jakarta đến Pangkal Pinang, đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Các dữ liệu cho thấy máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000m, với vận tốc 640km/h. Bộ phận đo vận tốc không khí của máy bay đã gặp trục trặc trong 4 chuyến bay gần đây, trong đó bao gồm cả chuyến bay cuối cùng khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
TTXVN/Thanh Hương
Tags