(Thethaovanhoa.vn) - Super League xuất hiện vào cuối mùa giải trước và rồi đổ vỡ chỉ sau 48 giờ ra mắt. Thế nhưng, nếu đúng đó là giải đấu để giúp các đội bóng lớn ngày càng giàu có hơn, thật khó để nó biến mất hoàn toàn.
Khi Premier League và các giải đấu lớn khai mạc vào cuối tuần qua, những hợp đồng bom tấn trên thị trường chuyển nhượng là điều đáng nói nhất trong hè, đúng hơn là sau EURO 2020. Cách đó vài ngày, Chelsea thông báo vụ chuyển nhượng Romelu Lukaku từ Inter với giá 97,5 triệu bảng. Lukaku từng khoác áo The Blues, nhưng 7 năm trước, họ đã bán anh và giờ, họ mua lại anh với số tiền gấp 3 con số đó. Không có gì là lạ khi Chelsea nổi tiếng là để mất nhiều cầu thủ giỏi, từ Kevin de Bruyne tới Mohamed Salah, nhưng cũng không có gì bất ngờ nếu hậu thuẫn cho họ là một tỉ phú như Roman Abramovich.
Vậy mà bản hợp đồng của Lukaku vẫn chưa là gì nếu so với số tiền 100 triệu bảng Man City đã trả cho Aston Villa để đưa về tiền vệ Jack Grealish. Và con số này có thể sẽ cao hơn nữa nếu đội chủ sân Etihad giành được Harry Kane từ Tottenham, đội bóng đang hét giá 160 triệu bảng cho đội trưởng đội tuyển Anh.
Nhưng rồi tất cả đều không thể so sánh được với vụ chuyển nhượng cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Lionel Messi từ Barcelona sang PSG. Tiền đạo người Argentina gia nhập Barcelona từ năm 13 tuổi, nhưng mối quan hệ của anh với CLB đã trở nên khó khăn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Messi vẫn đồng ý với một thỏa thuận khác - một thỏa thuận bị cắt giảm 50% lương - chỉ để phát hiện ra rằng tài chính của Barcelona đã bị sử dụng sai đến mức không thể cứu vãn. Thật khó tin là đội bóng xứ Catalan đã mất 487 triệu euro trong mùa giải trước và hiện đang nợ 1,173 tỉ euro.
Đó là lí do và cơ hội để PSG xuất hiện, bổ sung Messi vào hàng công vốn đã có hai cầu thủ đắt giá nhất thế giới, Neymar và Kylian Mbappe, những người được mua với giá lần lượt là 222 triệu euro và 180 triệu euro. Và nên nhớ Man City thuộc sở hữu của Mansour, một thành viên của gia đình hoàng gia Abu Dhabi, PSG thì thuộc về nhà nước Qatar, thông qua một quỹ đầu tư có chủ quyền. Vì thế, khi nói đến tài chính bóng đá, ngay cả các nhà tài phiệt Nga cũng không thể cạnh tranh với giới giàu có của các quốc gia vùng Vịnh.
Trong tất cả những điều này, thật dễ dàng để quên rằng chưa đầy 4 tháng kể từ khi Super League ra mắt và sau đó đổ vỡ một cách nhục nhã sau sự phẫn nộ của người hâm mộ chỉ trong vòng 48 giờ. Super League là một nỗ lực của các CLB giàu nhất châu Âu nhằm giúp họ trở nên giàu có hơn nữa bằng cách thiết lập một giải đấu mà họ không thể xuống hạng, một dự án được thiết kế không dành cho người hâm mộ mà cho những ông chủ để đảm bảo dòng tiền ổn định và không bị gián đoạn.
Do vậy, việc PSG kí hợp đồng với Messi cho thấy lí do tại sao các CLB như Barcelona lại khao khát Super League đến vậy. Họ có thể là một trong những siêu CLB của châu Âu, nhưng họ không được hậu thuẫn bởi sự giàu có từ Qatar. Và đó là một trong những lí do khiến Barcelona cuối cùng để mất cầu thủ vĩ đại nhất của mình. Những gì đang xảy ra với Barcelona cũng đúng với hầu hết các đội bóng ở những giải đấu hàng đầu khác trên khắp châu Âu. Đại dịch Covid-19 và những sân vận động không khán giả trong năm qua đã tước đi nguồn thu nhập khổng lồ của các CLB, làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa những đội bóng tưởng là giàu có và những đội bóng mà tiền không phải là vấn đề khi các ông chủ của họ coi những CLB giống như cách mà các tỉ phú Richard Branson và Jeff Bezos nhìn nhận về thám hiểm không gian.
Vì thế, nếu coi Super League là tham vọng, mục tiêu của các đội bóng giàu có là vì bản thân họ, chứ không vì bóng đá nói chung. Cũng đừng quên rằng, chẳng ai muốn bóng đá trở lại những năm 1980 hay 1990, khi sức mạnh đồng tiền hiện tại đã giúp bóng đá toàn cầu hóa, nâng cao chất lượng và cho phép xây dựng nhiều sân vận động mới. Và như vậy, sớm muộn Super League cũng trở lại trong một tương lai gần.
Mạnh Hào
Tags