(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ giành 1 HCV tại SEA Games 27 và mục tiêu ở SEA Games 28 là phấn đấu đoạt được từ 3 tới 4 HCV, nhưng tại Singapore, ĐT Rowing Việt Nam đã thi đấu xuất sắc vượt trên cả mong đợi khi lấy được 8 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ để đứng thứ nhì toàn đoàn (chỉ xếp sau Indonesia vì ít hơn 1 HCB).
Chỉ riêng ngày hôm qua, môn này đã mang về tới 4 HCV cho Việt Nam. Chiến tích xuất sắc nhất là của cặp Phạm Thị Huệ - Lê Thị An (HCV nội dung thuyền đôi 1000m).
Do xuất phát không tốt nên Phạm Thị Huệ và Lê Thị An bị đôi Syiva Lisdiana và Rahmanjani Wa Od của Indonesia dẫn trước trong suốt toàn bộ chặng đua.
Tuy nhiên, Phạm Thị Huệ và Lê Thị An đã chứng tỏ nghị lực tuyệt vời khi bám sát đôi VĐV Indonesia trên suốt quãng đường đua, rồi tung ra cú nước rút không thể tin nổi để cán đích trước nửa mũi thuyền, chỉ nhanh hơn 7% giây (3’41’’72) so với đôi VĐV Indonesia (3’41’’79). Cho tới lúc lên bờ nhận huy chương, đôi VĐV Indonesia vẫn còn thất thần vì không thể hiểu nổi sao lại tuột mất HCV.
Để có được thành tích này, rowing Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Hải Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Tổng cục TDTT kiêm trưởng bộ môn đua thuyền (gồm các môn rowing, canoeing…), cho biết: “Ở ĐH TDTT toàn quốc năm 2014, Tổng cục TDTT đã trang bị cho 2 ĐT rowing và canoeing 26 chiếc thuyền có chất lượng rất tốt. Điểm mấu chốt cho thành công của đua thuyền là việc các VĐV đã được tập luyện trên kênh sông Giá ở Hải Phòng có điều kiện mặt nước như con kênh nhân tạo cùng bộ thuyền mới. Khi sang Singapore thi đấu, đội rowing cũng đã được sử dụng những bộ thuyền rất tốt của BTC.
Ông Đường còn tiết lộ, để tập trung tối đa cho SEA Games 28, đội rowing nam ở lại luyện tập qua Tết không về, còn đội rowing nữ thì ngay ngày mồng 2 Tết đã tập lại.
Ngoài ra, được biết cự ly tiêu chuẩn của môn rowing tại SEA Games là 2000m và đây cũng là nội dung thi đấu của Olympic, nhưng do điều kiện mặt nước tại vịnh Marina nên BTC chỉ cho thi đấu ở 2 cự ly 500m và 1000m.
Điều này vô tình lại trở thành trợ lực cho ĐT rowing Việt Nam, bởi các VĐV chúng ta thường chỉ mạnh ở xuất phát và nửa chặng đường đầu tiên, còn nửa chặng cuối và nước rút thì không xuất sắc bằng VĐV Indonesia.
Hiện tại rowing Việt Nam vẫn đang tích cực sửa chữa nhược điểm này nhưng chưa giải quyết triệt để, song cũng nhờ thế mà chúng ta đã giành được tới 8 HCV ở SEA Games 28 nhờ khả năng xuất phát rất tốt, vượt xa chỉ tiêu.
Ông Đường cho biết trước lúc lên đường “chúng tôi đặt mục tiêu giành 4 HCV nhưng ở SEA Games 28 các VĐV rowing đã đoạt được 8 HCV, và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên rowing đã hoàn thành chỉ tiêu 4 HCV. Nhờ thế mà tinh thần của VĐV rất thoải mái, và trên cơ sở đó, hôm nay các em tiếp tục thi đấu rất tốt, giành thêm được 4 HCV để giúp Việt Nam giành được vị trí thứ nhì toàn đoàn với 8 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ (xếp sau Indonesia vì ít hơn 1 HCB)”.
Nuối tiếc lớn nhất 10 ngày trước khi ĐT rowing lên đường tham dự SEA Games 28, tay chèo chủ lực Đường Thanh Bình bất ngờ bị chấn thương và BHL ĐT rowing chỉ có 10 ngày để thay thế VĐV Đàm Văn Hiếu vào chỗ Thanh Bình. Tuy mới tập luyện với nhau nhưng Văn Hiếu và Đình Huy đã phối hợp rất tốt với nhau để giành được HCV tại nội dung 500m đôi nam vào ngày 11/6 vừa qua, thành tích mà BHL ĐT rowing không nghĩ tới trước ngày lên đường. Hôm qua, ở chặng thi đấu của nội dung 1000m đôi nam, Văn Hiếu và Đình Huy đã xuất phát rất tốt và liên tục dẫn đầu trong khoảng 750m đầu tiên. Cứ ngỡ như bộ đôi này sẽ tiếp tục có chiếc HCV thứ 2 tại SEA Games năm nay thì Đình Huy bất ngờ bị tuột mái chèo ở 300m cuối. Đình Huy đã khóc như một đứa trẻ sau khi về đích, và do quá nỗ lực cộng với sự mệt mỏi về tinh thần, Đình Huy đã sup sụp tới mức không thể đứng lên sau khi kết thúc nghi thức nhận huy chương, khiến BHL phải kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế của BTC cũng như của ĐT rowing Việt Nam. Rất may sau khi được nghỉ ngơi và bù nước, Đình Huy đã hồi tỉnh nhưng anh vẫn rất buồn vì chiếc HCV bị tuột mất này. |
Hoàng Huy (từ Singapore)
Thể thao & Văn hóa
Tags