Ruben Amorim có thể đã sai khi đánh giá đội bóng của mình, nhưng chắc chắn MU đang trải qua một giai đoạn tồi tệ chưa từng có.
1. Sau trận thua Brighton tại Old Trafford, Ruben Amorim đã không ngần ngại thừa nhận: "Chúng tôi có thể là đội bóng tệ nhất trong lịch sử Manchester United". Dù nhận xét này có phần hơi quá, nó đã trở thành tiêu điểm của truyền thông. Thay vì tập trung vào trận thua đơn thuần, dư luận chuyển hướng sang sự thất bại mang tính hệ thống của đội bóng.
Dưới thời Amorim, MU trung bình chỉ giành được 1 điểm mỗi trận, với 11 điểm sau 11 trận. Thành tích gần đây còn tệ hơn khi họ chỉ thu được 4 điểm trong 6 trận gần nhất. So sánh với giai đoạn của Erik ten Hag - người đưa MU xuống vị trí thứ 8 ở mùa trước - đội bóng hiện tại đang cách xa vị trí này tới 10 điểm. Điều này khẳng định sự bi quan của Amorim có cơ sở.
Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử, MU từng trải qua nhiều giai đoạn đen tối. Newton Heath, đội bóng tiền thân của MU, chỉ giành được 14 điểm trong mùa giải 1893-94. Thập niên 1930, MU xuống hạng và để thủng lưới 115 bàn trong mùa giải 1931-32. Những thời kỳ này chứng minh rằng đội bóng đã từng rơi vào khủng hoảng sâu hơn, nhưng sự khác biệt nằm ở kỳ vọng. tham vọng và quy mô của MU hiện tại lại lớn hơn rất nhiều.
2. Thời kỳ Sir Alex Ferguson cầm quân là đỉnh cao của MU với 22 mùa giải liên tiếp nằm trong Top 3. Khi ông nghỉ hưu, đội bóng vẫn giữ được vị thế của một siêu câu lạc bộ giàu có, bất khả chiến bại. Kể cả trong những năm tháng khó khăn sau đó, MU vẫn không tụt sâu hơn vị trí thứ 7 hoặc 8, điều từng được xem là thảm họa với đội bóng.
Bóng đá hiện đại đã thay đổi. Thời đại của các siêu câu lạc bộ mang lại sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết và MU dù có nguồn lực khổng lồ, họ đang là nạn nhân của chính mình. Gary Neville từng nhận xét sau thất bại của MU trước Newcastle rằng đây là "đội bóng tệ nhất xét trên giá trị đầu tư ở nước Anh". Nhưng nhận định này có thể chưa chính xác hoàn toàn. Xét trên từng bảng Anh, từng đô la, từng euro đầu tư, MU có thể là đội bóng tệ nhất thế giới hiện nay.
Ở thời điểm đánh bại MU, Brighton chỉ sử dụng những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng rất thấp: Kaoru Mitoma (3 triệu bảng), Yasin Ayari (5,2 triệu bảng), Joel Veltman (900 nghìn bảng) và Jan Paul van Hecke (1,8 triệu bảng). Trong khi đó, đội hình xuất phát của MU trong trận đấu có tổng giá trị lên tới 430 triệu bảng, chưa kể băng ghế dự bị trị giá gần 300 triệu bảng. So sánh này càng khẳng định sự kém hiệu quả trong cách sử dụng tài nguyên của đội bóng.
3. MU hiện sở hữu đội hình đắt đỏ thứ hai thế giới (chỉ sau Chelsea) với tổng giá trị hơn 1 tỷ euro nếu các điều khoản phụ được kích hoạt. Quỹ lương của đội bóng trong mùa giải trước đạt 364,7 triệu bảng, nhưng hiệu quả mang lại là con số không. Những cầu thủ tốn nhiều tiền để mua về như Antony hay Casemiro cũng không thể nâng tầm đội bóng.
Tất nhiên, Ruben Amorim không phải người chịu trách nhiệm cho những khoản chi tiêu khổng lồ trước đó nhưng ông không thể phủ nhận sự kém cỏi hiện tại. "Bất cứ ai ở đây cũng đang thể hiện kém", ông nói. Đây chỉ là một cách nói giảm, vì thực tế MU đang chơi dưới mức kỳ vọng so với mức lương và giá trị chuyển nhượng hơn bất kỳ đội bóng nào khác trong lịch sử.
Thất bại này không chỉ phản ánh vấn đề của Amorim, mà còn là hệ quả từ một chuỗi sai lầm kéo dài qua nhiều thời kỳ quản lý. Từ các HLV trước như Ten Hag, đến những người điều hành chính sách chiêu mộ và cả các ông chủ đội bóng… Tất cả đều có phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện tại.
T. Giáp
Tags