LHP Cannes lần thứ 75 đã khép lại vào đêm 28/5 và bộ phim châm biếm sâu cay về thân phận con người, Triangle Of Sadness (tạm dịch: Tam giác buồn), của đạo diễn Thụy Điển Ruben Ostlund (48 tuổi) đã đoạt giải Cành cọ Vàng.
Triangle Of Sadness đã nhận được tràng pháo tay dài tới 8 phút của khán giả khi được chiếu tại LHP Cannes. Đáng nói, đây là lần thứ 2 Ostlund đoạt giải cao nhất của LHP Cannes, khi cách đây 5 năm anh đã “rinh” giải thưởng danh giá này với phim The Square.
Khi lên nhận giải Cành cọ Vàng năm nay, Ostlund nói: “Chúng tôi có một mục tiêu là thực sự cố gắng tạo ra một bộ phim thú vị cho khán giả và mang đến sự kích thích về tư duy. Để giải trí cho khán giả, hãy đặt cho họ những câu hỏi”.
“Thử thách sức chịu đựng” trong mùa dịch
Sử dụng phong cách làm phim lôi cuốn vốn đã trở thành “thương hiệu” của Ostlund, bộ phim đặt những siêu mẫu và những người siêu giàu lên một con tàu du lịch và địa vị xã hội của họ đột nhiên bị đảo lộn vì những sự kiện bất ngờ. Trong phim Harris Dickinson (thủ vai Carl) và Charlbi Dean (Yaya) hóa thân thành cặp siêu mẫu, dù trong tay chẳng có gì ngoài vẻ đẹp là tấm vé duy nhất đến với cuộc sống thượng lưu. Dàn diễn viên quốc tế bao gồm Woody Harrelson, Henrik Dorsin, Zlatko Buric, Iris Berben và Oliver Ford Davies.
Ostlund từng chia sẻ với báo giới tại Cannes về “đồng tiền của sắc đẹp” - nguồn cảm hứng ngoài đời thực đằng sau tất cả các bộ phim của anh, cũng như việc tại sao 3 bộ phim của anh lại tạo thành bộ 3 phim có cái nhìn “khác người” về nam giới trong xã hội.
Ostlund nói rằng ngay sau khi đoạt giải Cành cọ Vàng với phim The Square hồi năm 2017, anh đã bắt tay ngay vào xúc tiến làm phim Triangle Of Sadness và mất nhiều thời gian để hoàn tất tác phẩm này. Kinh phí cho bộ phim này gần như gấp đôi kinh phí những bộ phim trước của Ostlund nên anh phải mất nhiều thời gian hơn một chút để kiếm nguồn tài trợ, trước khi ê-kíp của anh 2 lần phải ngừng sản xuất phim vì Covid-19.
Song Ostlund nói rằng kế hoạch làm phim dài như vậy cũng là nhịp làm việc bình thường của anh. Với anh, quá trình làm phim kéo dài thêm 2 năm là thử thách đối với sức chịu đựng, nhưng thời gian đó quả là hữu ích vì anh có thể phát triển kỹ kịch bản hơn.
Lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình
Đạo diễn cũng chia sẻ rằng anh thường lấy cảm hứng làm phim từ chính cuộc đời mình và Triangle Of Sadness được “thai nghén” kể từ khi anh gặp vợ Susanna - một nhiếp ảnh gia thời trang. “Khi tôi gặp Susanna, tôi chỉ muốn nghe mọi thứ về công việc của cô và ngành công nghiệp thời trang, đồng thời có được góc nhìn của người trong cuộc về ngành đó. Susanna kể cho tôi nghe những sự thật và câu chuyện thú vị về thế giới đó” - anh nói - “Tôi luôn quan tâm tới cách nghĩ coi sắc đẹp như một loại tiền tệ đặc biệt. Bạn biết đấy, nếu bạn sinh ra đã xinh đẹp, đó là thứ có thể giúp bạn vươn lên trong xã hội, ngay cả khi bạn không có tiền hay học vấn”.
Chính vì vậy mà Ostlund quyết định kể về thế giới thời trang qua phim Triangle Of Sadness. Nội dung phim gắn với một cặp nam nữ làm người mẫu trong thế giới thời trang. Không ai trong số họ xuất thân từ giàu sang, vì vậy sắc đẹp đã là tấm vé để họ đến với xã hội thượng lưu. Họ được mời lên du thuyền sang trọng vì Yaya có một lượng người khổng lồ theo dõi trên Instagram. Tuy nhiên, du thuyền đã gặp bão và tất cả - những người mẫu, vài tỷ phú và một phụ nữ làm tạp vụ - đều phải lên một hòn đảo hoang vắng. Trớ trêu là chỉ có mỗi người tạp vụ biết câu cá và nhóm lửa nên cô ấy trở thành người “cầm trịch” trên đảo. Để rồi, muốn kiếm thêm cá ăn, nam người mẫu đã có cuộc tình với cô tạp vụ này.
Ostlund còn tiết lộ thông tin gây sốc khi kể: “Tôi đặc biệt hứng thú khi Susan nói với tôi về những người mẫu nam. Ví dụ: người mẫu nam chỉ kiếm được 1/3 hay 1/4 số tiền so với người mẫu nữ. Nhưng nếu muốn cánh cửa sự nghiệp của mình mở rộng thì nhiều người mẫu nam phải chấp nhận quan hệ với những người đàn ông đồng tính có thế lực trong ngành. Ý tưởng về tình dục và sắc đẹp như một loại tiền tệ dành cho nam giới cũng làm tôi thấy thú vị, vì trong thế giới này chúng ta hầu như chỉ thấy phụ nữ đối mặt với những tình huống như vậy”.
Giới phê bình điện ảnh cho rằng Triangle Of Sadness là tác phẩm khép lại bộ 3 phim của Ostlund, còn gồm Force Majeure và The Square. Đạo diễn nói rằng anh chưa bao giờ lên kế hoạch xây dựng một chùm bộ 3 phim. Nhưng xem lại, anh thấy các nhân vật nam chính của mình đều đang phải vật lộn để đối phó với kỳ vọng của mình. Ostlund cho biết, có nhiều tình huống trong 3 bộ phim này được kể dựa trên những gì mà anh đã trải qua. “Ở đó là cuộc xung đột giữa việc tôi muốn trở thành một người đàn ông bản lĩnh và những tình huống mà tôi phải đối mặt khi cảm thấy dường như bản lĩnh của mình đã mất đi chỉ trong khoảnh khắc”.
“Có duyên” với LHP Cannes
Ruben Ostlund sinh năm 1974 tại Styrso, một hòn đảo nhỏ ở bờ Tây Thụy Điển. Anh học thiết kế đồ họa trước khi đăng ký học tại Đại học Gothenburg, nơi anh gặp Erik Hemmendorff, người mà sau này cùng anh thành lập Công ty sản xuất Plattform Produktion.
Ostlund đã trở nên nổi tiếng với những miêu tả hài hước và chính xác về hành vi xã hội của con người. Phim điện ảnh đầu tay The Guitar Mongoloid của anh đã giành được giải FIPRESCI tại Moscow vào năm 2005. Phim thứ 2 của anh, Involuntary, do Hemmendorff sản xuất và được công chiếu lần đầu ở hạng mục Un Certain Regard (hạng mục trong danh sách tuyển chọn chính thức của LHP Cannes hằng năm, được tổ chức song song với cuộc tranh giải Cành cọ vàng) tại LHP Cannes hồi năm 2008. Bộ phim này sau đó được phát hành tại hơn 20 nước và được trình chiếu tại nhiều liên hoan và giành được sự công nhận quốc tế.
Bộ phim điện ảnh thứ 3 của anh, mang tựa đề Play (2011) được chiếu ở hạng mục “Directors’ Fortnight” ở LHP Cannes và được trao giải Coup de Coeur. Sau Cannes, Play được chiếu tại LHP Venice, LHP Toronto cũng như nhiều LHP khác và nhận được thêm các giải thưởng và danh hiệu.
- 'Elvis' ra mắt LHP Cannes được hoan nghênh nhiệt liệt
- Khai mạc LHP Cannes lần thứ 75: Cuộc hội tụ của các 'cựu binh' Cannes
- Phim về huyền thoại âm nhạc Elvis công chiếu tại LHP Cannes
Bộ phim điện ảnh thứ 4 của anh, Force Majeure, được công chiếu ở hạng mục “Un Certain Regard” tại Cannes và được trao giải của Ban giám khảo. Phim đã được chọn tham gia nhiều LHP và giành được 16 giải Phim nước ngoài hay nhất, được đề cử tại Quả cầu vàng và lọt vào danh sách rút gọn cho giải Oscar.
Trong khi đó, The Square là phim đầu tiên của Ostlund được chọn để tranh giải Cành cọ Vàng. Phim đã giành giải Cành cọ Vàng năm 2017 và được đề cử Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất năm 2018.
Sau khi “rinh” giải Cành cọ Vàng thứ 2 với Triangle Of Sadness, Ostlund cho biết anh đã có kế hoạch làm phim với câu chuyện diễn ra trên một chuyến bay đường dài. Ngay sau khi máy bay cất cánh, phi hành đoàn cho hành khách biết hệ thống giải trí trên máy may đã trục trặc. Vì vậy mọi người đều trải qua 14 giờ trong thế giới giải trí không còn công nghệ, nơi họ phải ngồi cùng nhau và không thể phân tâm với màn hình của mình.
“Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi nhìn con người hiện đại cố gắng đối phó với một thế giới tương tự” - Ostlund cho biết.
Cannes 2022 trở lại hào nhoáng nhờ phim Hollywood Năm nay, các bộ phim Hollywood gây chú ý nhất tại Cannes là Elvis, Top Gun: Maverick, Three Thousand Years Of Longing. Các bộ phim này đều nằm ngoài danh sách tranh giải của Cannes nhưng sự hiện diện của các tác phẩm này đã giúp khôi phục lại phần nào vẻ hào nhoáng của Cannes sau khi đại dịch Covid-19 khiến sự kiện điện ảnh danh giá bậc nhất hành tinh này buộc phải thu nhỏ lại trong hai năm qua. Tại buổi ra mắt Top Gun: Maverick, một phi đội máy bay chiến đấu của Pháp bay trên bầu trời và phun ra những làn khói mang màu cờ Pháp – “chiêu” quảng cáo rầm rộ cho bộ phim hành động Hollywood này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags