1. Brazil thua, nhưng họ lại trở thành nhân vật chính trên các mặt báo khắp thế giới ngày hôm nay. Ở Italy, Tuttosport chơi chữ: “Brasati” (Om chín); Corriere dello Sport giật số 7 khổng lồ ra bìa. Ở Tây Ban Nha, ABC đăng ảnh David Luiz khóc chào khán giả kín trang bìa, Marca và Mundo Deportivo đều giật tít “Nhục nhã”. Ở Hà Lan, Gazet van Antwerpen đăng ảnh một CĐV áo vàng-xanh đang gục mặt kèm tít lớn: “Chưa từng thấy”. Aujourd’hui của Pháp và Scotsman của Scotland đều đưa tấm ảnh nữ CĐV ôm đầu khóc thảm thiết ra bìa.
Gần như toàn bộ thế giới đều cố lý giải.
Người Đức chiến thắng, nhưng họ lại trở thành nhân vật phụ. Người ta mải khai thác nỗi đau Brazil mà quên mất rằng ai mới là những người góp phần lớn hơn trong “trận cầu lịch sử” này. Brazil có thể đã tự vỡ trận, nhưng tỷ số 7-1 được tạo ra bởi đối thủ của họ là Đức, những người có thể lạnh lùng tận dụng gần như không sót một cơ hội nào được tạo ra.
Chỉ có tờ Businessweek, một tờ báo chính trị-kinh tế và có đối tượng độc giả là những người Mỹ đang khao khát thúc đẩy nền bóng đá của họ, viết một bài cố lý giải tỷ số kinh hoàng này từ phía những người Đức: “Kế hoạch 14 năm của bóng đá Đức đã hủy diệt Brazil như thế nào”.
2. Đức đã xây dựng một kế hoạch đến nay kéo dài 14 năm, bắt đầu từ EURO 2000. Một chiến dịch đào tạo quốc gia được xây dựng và đã trở nên nổi tiếng toàn cầu. Tất cả các CLB từ hạng 2 của họ trở nên đều có học viện và ngân sách cho đào tạo trẻ, và chỉ trong vòng hơn một thập kỷ qua, tổng số tiền nước Đức chi cho đào tạo trẻ đã tăng gấp đôi.
Rốt cục thì họ có một thế hệ mà không ai là Neymar, Ronaldo, Messi, hoặc tất cả đều là Neymar, Ronaldo, Messi. Tất cả đều có vẻ... nhàn nhạt và không ra bóng dáng của một siêu sao. Nhưng tất cả đều là thần tượng của đám đông nước Đức, đều có vai trò và tư thế gần như ngang nhau.
Chính bởi điều đó nên đội bóng này mới có thể chơi như một khối hoàn chỉnh và thống nhất đến như thế.
3. Có thể Đức sẽ không vô địch World Cup. Có thể thôi. Nhưng mô hình của họ thì đã được thần tượng ở khắp nơi trên thế giới. Người Bỉ đang xây dựng một thứ như vậy, và có vẻ đang thành công. Người Anh cũng đang muốn học theo mô hình Đức. Người Mỹ thì đã “thích” ông Klinsmann lắm rồi và đang trở nên yêu bóng đá một cách bất ngờ, việc họ ứng dụng một mô hình Đức cho toàn bộ nền bóng đá chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bởi vì người ta đã thấy được sự nguy hiểm của việc tồn tại một Neymar trong đội tuyển. Một Neymar khiến cho đội trưởng đội tuyển phải ôm cái áo của anh hát quốc ca ngay cả khi anh không ra sân. Việc David Luiz giơ chiếc áo của Neymar lên khi hát quốc ca, bây giờ nhìn lại thấy giống việc trẻ nhỏ phải có chiếc áo của... phụ huynh cho đỡ nhớ mùi mới ngủ được. Nó có vẻ yếu đuối. Và trên thực tế là đội tuyển Brazil cũng đã mất hoàn toàn tinh thần. Và nếu nhìn Ronaldo hay Messi, các cá nhân xuất chúng mà cả đội phụ thuộc, cũng thấy ở họ tồn tại những mặt trái như thế. Nó khiến cả một nền bóng đá trở nên mong manh.
Đức đã vô địch thế giới từ lâu, theo khía cạnh đó. Người Brazil, nếu muốn đứng dậy, có lẽ cũng nên bắt đầu rời xa cái nền đào tạo phụ thuộc vào đám trẻ đã tự trau dồi trên đường phố, những Ronaldinho, Ronaldo và Neymar mà nghĩ đến một hệ thống quy củ hơn. Theo kiểu của người Đức.
Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa
Tags