(Thethaovanhoa.vn) - Trận chung kết World Cup, tôi từ chối tụ tập để về nhà xem với vợ. Vừa xem, tôi vừa giải thích cho “kẻ ngoại đạo” ấy thêm một ít về bóng đá.
1. Khi bước vào hiệp phụ, các cầu thủ Argentina đã thấm mệt vì những pha nước rút suốt nửa sân mà họ đã gồng lên thực hiện hòng “phủ đầu” người Đức. Tôi bảo vợ: “Ngày xưa, lúc người Anh mới phát minh ra bóng đá, cũng đá hơi giống Argentina như thế này”.
Khi người Anh phát minh ra bóng đá, họ triển khai tấn công bằng cách cùng quả bóng chạy từ đầu sân tới cuối sân. Một mình. Ai có bóng thì người ấy cứ thế chạy, nếu đến gần khung thành thì dứt điểm, còn nếu bị mất bóng, thì người lấy được bóng lại cứ thế chạy theo chiều ngược lại.
Sau đó nhiều năm, người Scotland mới nghĩ ra ra một thứ thần kỳ làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Tên của thứ ấy rất đơn giản: chuyền bóng. Tức là phối hợp với nhau để cùng đưa bóng đến gần khung thành. Bóng đá qua cải cách của người Scotland mới trở thành môn thể thao tập thể.
“Sao lại buồn cười thế hả anh?” – vợ tôi hỏi. Đó là điều rất khó giải thích, nhưng một số tư liệu nói rằng người Anh tin rằng việc nhờ người khác “giúp đỡ” trong việc tấn công làm mất đi phẩm chất của các quý ông. Ghi bàn một mình, thì giống một Hiệp sỹ hơn.
Vợ tôi cười và nói một câu khiến tôi bất ngờ: “Còn ‘bọn’ Scotland kia là đàn ông mặc váy đúng không?”.
2. Những người đàn ông mặc váy đã biến bóng đá thành môn thể thao của tập thể. Còn nếu nó tiếp tục được duy trì bởi các quý ông người Anh, thì mãi vẫn chỉ là môn thể thao cá nhân.
Tất nhiên là không ai nói rằng người Scotland thiếu dũng cảm hay thiếu chất đàn ông. Đó chỉ là một câu nói đùa. Nhưng sự tương phản giữa vẻ ngoài bình dân của dân Scot và sự cao ngạo của người Anh, là một ẩn dụ tuyệt vời về sự tôn sùng cá nhân trong thể thao.
Những cầu thủ sẽ rất dễ trở thành thần tượng của đám đông nếu như anh ta có khả năng đi bóng với tốc độ hơn 30 km/h từ giữa sân đến vòng cấm, lừa bóng qua 3 hậu vệ đối phương, hạ gục thủ môn và ghi bàn. Đó là điều khiến cho Maradona và Messi đi vào huyền thoại. Đó là những pha bóng mà trong tiềm thức của mọi người yêu bóng đá, đều mong muốn được chứng kiến.
Nếu một đội bóng khác, có một dàn cầu thủ đều đều, không ai có thể ghi bàn kiểu đó, nhưng có khả năng phối hợp chuẩn xác để đưa bóng đến gần khung thành và dứt điểm đơn giản theo kiểu Klose hay Mueller, thì họ sẽ không tạo ra được “thần thượng cá nhân”.
3. Nếu nhìn kỹ lại lịch sử thì rất khó nói rằng bóng đá là môn thể thao của tập thể hay cá nhân.
Nhưng hôm qua thì thể thao tập thể đã chiến thắng. Không có một cầu thủ Đức nào, và có lẽ là vĩnh viễn không có với tư duy làm bóng đá của họ, có thể được ngưỡng mộ nhiều như Lionel Messi. Nhưng người Đức đã vô địch.
Chức vô địch của người Đức không thể làm người ta thôi yêu mến những cá nhân xuất chúng và mong chờ họ xuất hiện trên bầu trời bóng đá. Bản thân tác giả cũng vậy, vẫn “thèm” được chứng kiến cái thứ bóng đá theo kiểu Maradona ấy như bất kỳ ai.
Nhưng hôm qua, người ta cũng nhận ra rằng sự bất lực của Lionel Messi không đến từ việc anh không lừa bóng qua được 2-3 hậu vệ, mà đến từ việc không có một đồng đội nào hiểu ý anh. Chính Messi cũng muốn chuyền bóng. Chính người Argentina cũng thèm được phối hợp nhuần nhuyễn chứ không muốn đá bóng kiểu… thiên cổ như người Anh thế kỷ 19. Nhưng họ không thể làm được.
Người Scotland đến tận hôm nay vẫn đi “đòi” bản quyền phát minh ra môn bóng đá từ người Anh. Và có lẽ là người Scotland có lý trong trường hợp này.
Đức Hoàng
Tags