1. “Khi bạn mặc chiếc áo Brazil, lúc nào cũng có áp lực. Bạn phải thắng mọi trận đấu” – cựu tiền vệ Juninho, một thành viên của Brazil dự World Cup 2002, lần gần nhất họ đăng quang, kể lại – “Nhưng áp lực trước khi bước vào mỗi giải đấu còn ghê gớm hơn thế. Nó khiến chúng tôi không thể tập trung được”.
Nghĩa là không phải đến hôm nay, trong những cuộc biểu tình và cả bạo loạn trên phố phường vì World Cup, Selecao mới chịu một thứ áp lực “không thể tập trung được”. Đó là một phần của văn hóa bóng đá Brazil.
Rất dễ nhìn ra cái kiểu cổ vũ như “gí dao vào lưng” của người Brazil trong văn hóa bóng đá của họ. Đó luôn là nơi có tình trạng bạo lực trên các khán đài cao nhất thế giới, với những CĐV lúc nào cũng đầy chất adrenalin trong máu, sẵn sàng chỉ trích (và đánh đập) bất kỳ ai làm họ phật lòng cho dù đó có là cầu thủ đội nhà.
2. Brazil có thể đã chơi không đến nỗi nào trong trận hòa Mexico, và “tội” là thủ môn của đối phương đã chơi quá hay. Cơ hội đi tiếp vẫn còn rất nhiều. Nhưng báo chí nước này lu loa lên không kém gì báo chí Anh, những người đã bị loại.
Đơn cử, nhật báo Folha de Sao Paulo không ngần ngại gọi trận hòa Mexico là “tấn bi kịch” (!?) và tuyên bố “Brazil đã có khởi đầu tệ hại nhất từ World cup 1978 trở lại đây và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đá với các đội lớn”.
Đó không phải là điều gì lạ ở một đất nước mà các cây viết thể thao có thể so sánh trận thua tại World Cup 1950 trên sân nhà trước Uruguay, là… Hiroshima của người Brazil (!). Không thể có sự cường điệu nào ghê gớm hơn thế về bóng đá nữa.
3. Hãy quay trở lại với các cầu thủ. Họ sẽ làm gì với những sức ép như thế? Juninho nhớ lại cái cách mà Felipe Scolari đã làm để đưa đội bóng đến vinh quang tại World Cup 2002:
“Scolari luôn biết cách gỡ bỏ áp lực. Ông ấy luôn thẳng thắn và chia sẻ mọi suy nghĩ của mình. Ông biến đội bóng thành một gia đình lớn. Khi chúng tôi quan tâm săn sóc lẫn nhau, tập thể trở nên mạnh mẽ hơn”.
Điều đó có thể được tái hiện ở World Cup lần này, nơi mà áp lực có vẻ còn cao hơn so với năm 2002? Người ta biết rằng Brazil bây giờ là một tập thể gồm Neymar và 10 người khác. Sau trận thắng đầu tiên trước Croatia, Scolari dường như cũng đã phạm một sai lầm không thể tha thứ: ông dành nhiều mỹ từ để tán dương Neymar thay vì ca ngợi tập thể.
“Điều quan trọng nhất với chúng tôi là Neymar cảm thấy vui vẻ khi chơi bóng. Anh ấy là một cầu thủ đặc biệt” – ông nói. Chúng tôi? Nghĩa là một cách gián tiếp, Scolari thừa nhận rằng đội tuyển đang phục vụ Neymar?
Brazil bây giờ rất khó trở thành một gia đình. Ở đây, có một Neymar “hơn phân” những người còn lại một cách rõ ràng. Năm 2002, họ có rất nhiều ngôi sao, nhiều đến mức không một ai kể cả Người ngoài hành tinh Ronaldo có thể được xem là trung tâm. Không khí gia đình có lẽ sẽ dễ được tạo ra hơn trong một tập thể như thế hơn là như hôm nay.
Cho đến sau trận hòa Mexico thì không còn nghi ngờ gì nữa, là Brazil đang phải đương đầu với chính CĐV của họ chứ không chỉ có đối thủ.
Và liệu để giải quyết bài toán khó ấy, thì điều quan trọng nhất với họ, là Neymar cảm thấy vui khi chơi bóng, hay là cả 11 người trên sân đều phải cảm thấy vui khi chơi bóng?
ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa
Tags