(Thethaovanhoa.vn) - Tiết xuân mưa phùn như cộng hưởng khiến cho không khí ở Hội chữ Xuân Canh Tý càng đậm đà màu Tết. Lễ khai mạc Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 và Triển lãm thư pháp “Thành Đức” được tổ chức tại Hồ Văn, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 18.1 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), đã thu hút đông đảo người dân và du khách.
Náo nức xin chữ
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ, cho chữ, xin chữ đầu Xuân đã trở thành hoạt động văn hóa của Hội chữ Xuân hằng năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hoạt động này được Trung tâm chú trọng và ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần làm sống lại một nét văn hóa truyền thống lành mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam…
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định, “qua 6 năm tổ chức, Hội chữ Xuân tại Hồ Văn đã trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa, thu hút đông đảo khách tham quan và công chúng, không chỉ riêng ở Thủ đô mà còn từ nhiều miền đất nước và bạn bè quốc tế”. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến xin chữ đầu Xuân năm mới, nét mới ở Hội chữ là các gian lều viết chữ của 52 người viết thư pháp năm nay được bố trí tại khu vực phía trước của Hồ Văn. Xung quanh Hồ Văn được dành cho triển lãm 52 tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Thành Đức”.
Bà Nguyễn Thị Hoa (quận Ba Đình, Hà Nội) hôm khai mạc đã đến Hội chữ cùng cháu trai, năm nay sẽ thi Đại học. Bà chia sẻ, năm nào cũng vậy, gia đình bà thường đến Hội chữ Xuân, vừa để có cơ hội được sống trong không khí đầu Xuân mới, vừa để xin chữ và giáo dục cho con cháu truyền thống hiếu học của dân tộc. “Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội chữ Xuân đã trở thành điểm đến nuôi dưỡng tình yêu với vốn di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Gia đình tôi năm nào cũng vậy, tâm trạng náo nức khi đến đây xin chữ”, bà Hoa nói.
Đậm sắc màu văn hóa truyền thống
Sắc đỏ của giấy, những nét chữ tinh tế hội tụ biết bao giá trị văn hóa của dân tộc, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 đã được nâng chất lượng hơn trước. Với mỗi hoạt động được chắt lọc nhiều nhất những nét tinh túy, BTC mong muốn Hội chữ Xuân dần được xây dựng thành sự kiện văn hóa bền vững.
Không gian Hội chữ Xuân được bài trí mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, với các gian trình diễn thư pháp của các ông đồ, đây cũng là những địa chỉ dừng chân nhiều nhất của du khách. Khá thú vị khi đến với không gian đậm sắc màu của Tết truyền thống này, du khách còn có nhiều cơ hội trải nghiệm ấm áp khi Hội chữ đã tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống: không gian sĩ tử đi thi, làng sĩ tử, các cụm tiểu cảnh, các điểm chụp ảnh, check in phục vụ khách du xuân. Nhiều gian hàng của các làng nghề thủ công truyền thống (giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật,…); nhiều trò chơi đậm nét văn hoá (kéo co, đi dép cao su tập thể, đập niêu,…); nhiều chương trình biểu diễn những làn điệu dân ca, những môn nghệ thuật truyền thống… làm nên sự kết nối, trở về với những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.
“Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 giới thiệu những giá trị tốt đẹp của truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài... tới công chúng, thông qua những tác phẩm thư pháp mang hơi thở của cuộc sống đương đại. BTC mong muốn những giá trị văn hóa đó sẽ góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản, với văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ, góp phần phát triển giáo dục “Thành Đức, Đạt Tài”…”, theo ông Lê Xuân Kiêu.
Ngay trong lễ khai mạc, gian hàng của các “ông đồ”, “bà đồ”, những nhân vật chính của Hội chữ đã tấp nập đón nhận nhiều du khách đến thưởng lãm các tác phẩm thư pháp và xin chữ đầu năm. Gian hàng của “bà đồ”- nhà thư pháp Nguyễn Thị Đức, đến từ CLB Thư họa UNESCO Hà Nội, một trong ba nhà thư pháp nữ tham gia Hội chữ Xuân hào hứng khi rất đông du khách đã dừng chân tại gian hàng của mình để xin chữ.
Bà chia sẻ, chủ đề “Thành Đức” của Hội chữ Xuân năm nay rất có ý nghĩa khi hướng cho mọi người đến việc phấn đấu học hành, tôn trọng tri thức. Mọi người đến Hội chữ Xuân không chỉ xin chữ mang ý nghĩa “Thành Đức, Đạt Tài” mà còn xin các chữ có ý nghĩa an khang, thịnh vượng, hưng thịnh, thành đạt…
Nhà thư pháp Bùi Chính Hủy đến từ CLB Thư pháp Tâm Việt Bút cũng bộc bạch, nghệ thuật thư pháp hội tụ, lan tỏa tinh thần yêu văn hóa, một thú chơi tao nhã của người Việt Nam. Ở đó chứa đựng niềm tin, hy vọng, khát khao cho một năm mới hạnh phúc, may mắn. Những lời hay, ý đẹp được viết trong mỗi bức thư pháp đều hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, có thể giúp mỗi người thay đổi được bản thân, thay đổi được cuộc sống. “Mỗi người tìm được một chữ phù hợp, họ có thể lĩnh hội giá trị đó để sống tích cực hơn. Vì vậy, sáu năm qua, tôi đều tham gia Hội chữ Xuân với mong muốn mang đến cho người dân Hà Nội và du khách những con chữ ý nghĩa, mong muốn may mắn đến với họ trong năm mới.
Năm nay, BTC quy định mức giá giấy là 200 ngàn đồng, còn chữ thì “tùy tâm” người cho và xin chữ. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng bởi “phố ông đồ” đơn thuần nhất là nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu với những giá trị văn hóa của dân tộc.
Theo Báo Văn hóa
Tags