'Sắc đành đòi một tài đành họa hai'

Chủ nhật, 15/08/2021 06:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong một cuộc trò chuyện, nhà thơ Trần Đăng Khoa tự nhận là mình đã… bịa: “Anh đến Côn Sơn rồi chứ? Làm gì có cây đa nào nhưng em nghĩ, đã nói “đền” phải có “đa” để có “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Xung quanh việc gieo vần cho thơ, quả thật, có rất nhiều kỳ tích. Hãy cùng ngâm ngợi lại những câu thơ đẹp này.

Từ 'nối điêu' trong 'Truyện Kiều'

Từ 'nối điêu' trong 'Truyện Kiều'

“Hay hèn lẽ cũng nối điêu” là một câu thơ trong lời nói khá dài của Thúy Kiều đối đáp với Thúc Sinh (trong Truyện Kiều). Tình huống dẫn tới lời thoại đó là khi Thuý Kiều còn trong thân phận gái lầu xanh, dưới trướng của Tú Bà, thì “Khách du bỗng có một người/ Kỳ Tâm học Thúc cũng nòi thư hương”. Đó chính là chàng Thúc Sinh “quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.

1. Theo “mức khoán” của lao động thơ ca thì chỉ cần 3 vần cho 4 câu. Chính Nguyễn Du đã nhắc về định lượng này: “Rút trâm sẵn giắt mái đầu / Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần” (Truyện Kiều)! Ấy vậy mà trong thời sung sức nhất, nhà thơ Tố Hữu vẫn “tăng năng suất” để “vượt khung”:

“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng

Một giọng thơ ngâm một giọng đàn”

Thử đếm, lan - tan- tràn - ngâm - đàn đã là 5 vần lại thêm 3 vần đường - dương - sương và chưa hết, vọng - giọng vẫn còn 2 vần nữa! Đó là chưa kể, xét trong phạm vi vần thông thì 2 chữ xưa và thơ cũng cùng vần với nhau! Chưa biết khổ thơ trên đã phải là khổ thơ nhiều vần nhất, chỉ biết thơ “cầu” 3, thi sĩ “cung” tới 10, vượt kế hoạch hơn 300% và nhờ vậy khổ thơ vang lên như một hợp xướng khi 2 khi 3 khi 5 bè đồng thanh.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ “Truyện Kiều” của họa sĩ trẻ Phạm Đức Hạnh

2. Đọc Chinh phụ ngâm tới câu số 203 ta được biết, nỗi buồn của người thiếu phụ nhớ chồng đã khiến thời gian chậm lại, 1 giờ dài bằng cả năm, “khắc giờ đằng đẵng như năm”, cái ý mà Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm muốn nói với bạn đọc là vậy. Nhưng khổ nỗi, liền trên câu này, câu 202 lại là “Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”. Chữ “bên” không ăn vần với chữ “năm”, cho nên chữ năm phải được thay bằng một chữ khác có vần ên! Và chữ niên (khác âm nhưng đồng nghĩa) đã được chọn. Khi chữ này đứng vào vị trí ấy, đoạn thơ trở nên liền lạc:

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”

Đó là phép gieo vần theo kiểu “thế chữ”. Thế chữ vài bằng chữ va, Nguyễn Du đã giữ lấy vần a trong câu “Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau”. Cũng để giữ lấy vần a, trong Truyện Kiều nhiều lần chữ đã (giọng trắc) được thế bằng chữ đà (giọng bằng), đã có câu “Nhẫn từ quán khách lân la/ Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai”; lại có câu “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”…

Chú thích ảnh
“Chinh phụ ngâm” - một đỉnh cao của thể thơ song thất lục bát

3. Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu rất khoái chữ “choang” trong câu ca dao, “Xuềnh xoàng đánh bạn xuềnh xoàng/ Trẻ thời bạn trẻ già choang bạn già”. Chữ ấy, rơi vào vị trí ấy, tượng thanh mà gợi hình, vang lên như chuông đã tìm được dùi, Bá Nha đã thấy Tử Kỳ, cụ ông đã kết cụ bà! Nói cho hết ý thì ta nghe được trong 1 chữ ấy âm thanh sảng khoái khi “dùi ông” đụng tới được đại hồng chung “chuông bà”! Mà thứ nhạc cụ gõ này thì vốn là thứ “Chuông già đồng điếu chuông kêu/ Anh già lời tán em xiêu tấm lòng”.

“Già choang bạn già” như thế, hèn gì nhà thơ thời nay Nguyễn Duy muốn “Bao giờ cho tới ngày xưa/ yêu như các cụ cho vừa lòng ta…”! Nội một chữ “choang” kia thôi, vang lên đầy đủ ý tứ của các sự tìm bạn, kết bạn, đãi bạn, giã bạn… tất tần tật các ý ấy chỉ từ cái nghĩa mới hình thành tức thời khi “choang” theo đà vần “xuềnh xoàng” mà nâng cấp lên và có được. Đó là nghĩa lâm thời của chữ, là nghĩa chỉ xuất hiện trong một văn cảnh cụ thể nhờ… vần.

4. Nói lý thuyết thì phức tạp thế, nhưng thao tác đã quen tay, công việc làm vần trong thơ ca lại đơn giản! Nhiều khi câu trên là vần a cho nên câu dưới tất mọc lên vườn cà hay cây đa chứ không thể là phù dung hay lệ liễu. Đó là trường hợp Trần Đăng Khoa làm kỹ xảo, tạo hình cho tiếng, trong bài thơ Đêm Côn Sơn rất nổi tiếng của ông:

Chú thích ảnh
Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa

“Tiếng chim vách núi nhỏ dần

Thì thầm tiếng suối khi gần khi xa

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

Chẳng cần giâm, chiết gì hết, trong bài thơ trên, chính chữ a đã gieo hạt vần để cây đa kia mọc lên mà rụng lá xuống. Về kỹ xảo này, chính Trần Đăng Khoa đã giải thích trong Thế Giới Mới số 289 với nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Anh đến Côn Sơn rồi chứ? Làm gì có cây đa nào nhưng em nghĩ, đã nói “đền” phải có “đa” để có “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.

5. Nhờ vần, người Việt có Tập Kiều, một thú chơi tao nhã (tên một tập sách trong bộ đọc Kiều nhiều tập của Phạm Đan Quế). Nhờ tập Kiều, người viết bài này được một bạn thơ trên Gia Lai tặng cho một văn bản kỳ lạ, chỉ 8 dòng thơ in mà dẫn ra được những 9 câu Kiều:

“Than ôi sắc nước hương trời

Đã đành nước chẩy hoa trôi lỡ làng

Ôm lòng đòi đoạn xa gần

Một xe trong cõi hồng trần như bay

Thương ôi tài sắc bậc này

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

Họa bao giờ có gặp người

Mà lòng đã chắc những ngày một hai

(Bài tập Kiều của Dương Thị Thu Vân)

Nói về một mỹ nữ “sắc nước hương trời” bằng thơ lục bát có vần lưng, vần chân - yêu vận, cước vận - có eo có ngực thì hợp quá đi! Nhưng một cơ thể thơ ca ngoài vẻ đẹp da thịt như thế, còn cần đến sự khỏe mạnh, vững vàng. Và sự vững vàng này, bạn thơ Thu Vân tạo bằng 8 cái đinh chữ như 8 kim thoa găm kỹ lưỡng vào một mái tóc, giúp người tập Kiều gói ghém, nâng niu những 9 câu Kiều trong một tờ thơ in 8 dòng Truyện Kiều! Câu thứ 9 người viết bài này đã cố tình gõ phím “bold” (in đậm) để bạn đọc dễ nhận: “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”…

T.Q.T

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›