(Thethaovanhoa.vn) - Gần 1 tháng sau khi sắc lệnh nhập cư đầu tiên bị các tòa án Mỹ ngăn chặn, ngày 6/3/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh nhập cư tạm thời mới. Điều này đang cho thấy quyết tâm của ông Trump trong việc ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép vào Mỹ.
- Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh nhập cư mới
- Ông Trump sẽ sửa gì trong sắc lệnh cấm nhập cư mới? Những ai sẽ bị ảnh hưởng?
Tiếp tục cấm nhập cảnh trái phép
Đầu tháng 2/2017, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 cũng ủng hộ phán quyết của thẩm phán James Robart. Đến ngày 27/2, Toà Phúc thẩm liên bang tại San Francisco đã bác bỏ đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ về tạm ngừng việc dừng thi hành sắc lệnh này. Trong bối cảnh đó, Tổng thổng Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục ban hành một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư.
Sắc lệnh nhập cư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3, theo đó tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm công dân từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somali, Syria, Sudan và Yemen được phép vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Riêng Iraq, nước có trong danh sách lệnh cấm trước đó, đã được loại khỏi danh sách mới này, sau khi Iraq đồng ý về các biện pháp rà soát thị thực bổ sung.
Tổng thống Donald Trump
Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Công dân 6 nước trong danh sách mới nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ thì cũng không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới này.
Nói về sắc lệnh mới, Tổng thống Trump tuyên bố sắc lệnh nhập cư sửa đổi này là nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi sắc lệnh mới là một "biện pháp quan trọng giúp tăng cường an ninh quốc gia".
Nhiều phản ứng trái chiều
Ngay sau khi sắc lệnh cấm nhập cảnh mới vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành, đã có nhiều phản ứng trái chiều từ giới chức Mỹ, các nước liên quan cũng như các tổ chức quốc tế.
Ủng hộ văn kiện trên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan khẳng định sắc lệnh đã thúc đẩy mục tiêu chung trong vấn đề bảo vệ nước Mỹ, đồng thời đánh giá cao công việc của các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions thì nhấn mạnh sắc lệnh giúp nước Mỹ có thể cân nhắc về các thỏa thuận với những người đến từ các quốc gia liên quan.
Một số nghị sỹ của Đảng Cộng hòa ban đầu vốn chỉ trích gay gắt sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump nay cũng đã tỏ ra tích cực hơn đối với sắc lệnh mới. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker cho biết, ông cảm thấy hài lòng hơn với cách tiếp cận mới và ủng hộ việc Iraq được loại khỏi danh sách các nước có công dân bị cấm đến Mỹ.
Tuy nhiên, nhằm phản đối lại sắc lệnh mới, người đứng đầu ngành tư pháp bang Massachusetts Maura Healey tuyên bố đang xem xét tất cả các hành động pháp lý có thể để thực hiện với sắc lệnh của Tổng thống Trump. Tương tự, Bộ trưởng Tư pháp bang Virginia, ông Mark Herring, thì gọi sắc lệnh mới là “một thông điệp tồi tệ” đến với thế giới, mặc dù dường như đã được giảm quy mô đáng kể.
Liên đoàn Tự do công dân Mỹ thậm chí khẳng định sẽ nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn sắc lệnh này có hiệu lực. Trong khi đó, ngay đêm ngày 6/3, hàng chục người đã bắt đầu biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để phản đối lệnh cấm.
Với dư luận thế giới, trước động thái đưa Iraq ra khỏi danh sách các quốc gia Hồi giáo có công dân bị cấm nhập cảnh trong sắc lệnh mới lần này, chính quyền Iraq đã hoan nghênh và khẳng định động thái này đã gửi đi “một thông điệp tích cực” về tương lai quan hệ song phương, trong bối cảnh hai nước đang hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Còn người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi thì nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ trong vấn đề tái định cư người tị nạn thế giới, song ông cũng bày tỏ quan ngại sắc lệnh tạm thời này sẽ làm gia tăng sự khó khăn cho những đối tượng trong diện bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Cứu trợ quốc tế David Miliband tuyên bố đây là cuộc tấn công lịch sử vào việc tái định cư người tị nạn đến Mỹ, đặc biệt vào thời điểm làn sóng di cư toàn cầu vẫn đang bất ổn và gia tăng mạnh mẽ.
Các nhà phân tích thì cho rằng, trong khi sắc lệnh nhập cư cũ vừa ban hành đã lập tức vấp phải làn sóng phản đối và vướng vào khoảng 20 vụ kiện, dẫn đến việc phải đình chỉ thi hành, thì sắc lệnh mới được cho là sẽ khó bị bắt bẻ hơn bởi các điều khoản có phần cụ thể và rõ ràng hơn.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc ban bố sắc lệnh nhập cư mới này của tổng thống Trump được cho là linh hoạt, mềm dẻo hơn, nhằm phá vỡ những rào cản mang tính pháp lý mà sắc lệnh nhập cư cũ vấp phải. Hơn nữa nó cũng ít ảnh hưởng đến người dân Mỹ hơn sắc lệnh cũ.
Tuy nhiên, liệu nó có đủ thành công để xóa đi ấn tượng về sắc lệnh ban đầu vốn gây ra sự phản đối lớn trong dư luận hay không thì lại cần phải có thêm thời gian. Những người ủng hộ nhập cư vẫn cho rằng, sắc lệnh mới vẫn thể hiện sự phân biệt với những người theo đạo Hồi, và chưa giải quyết được những vấn đề chính tồn tại trong sắc lệnh cũ.
Tags