(Thethaovanhoa.vn) - Ít ngày sau khi Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đăng bài “Bức xúc vì sách tái bản “cẩu thả” đoạt Giải Sách hay” (số báo ra ngày 17/9/2014), thêm một cuốn sách bị phát hiện biên tập cẩu thả, nhiều sai sót và không tôn trọng tác quyền. Đó là cuốn Văn hóa Việt Nam của cố GS Trần Quốc Vượng bị NXB Thời đại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nhà sách Thăng Long (TP.HCM) liên kết tái phát hành mà chưa có sự đồng ý của gia đình tác giả.
Cuốn Văn hóa Việt Nam (NXB Thời đại & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2013) là sách tái bản. Theo Luật Xuất bản, sách chỉ được phép tái bản khi “có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”. Vì GS Trần Quốc Vượng đã qua đời, nên về tác quyền sách phải hỏi người thân của ông. Còn ở đây, chính con gái GS là TS Trần Thúy Anh cũng bất ngờ vì việc tái bản này.
Tùy tiện đổi tên sách
Điều đầu tiên phải nhắc tới khi cầm trên tay cuốn Văn hóa Việt Nam (VHVN) là toàn bộ nội dung cuốn sách này đều lấy từ cuốn Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm (VHVNTTVSN) do NXB Văn học ấn hành năm 2003 khi GS Trần Quốc Vượng còn tại thế. Chỉ một chi tiết khác là sách tái bản đã cắt bỏ bài Người theo nết đất của Đỗ Lai Thúy (có thể coi như lời bạt). Nhưng không hiểu tại sao tên tác phẩm lại thành VHVN mà không có lấy một lời giới thiệu cho bạn đọc được biết?
Đáng lưu ý, VHVNTTVSN là 1 trong cụm 3 tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 (hai tác phẩm còn lại là: Việt Nam cái nhìn Địa - Văn hóa và Trên mảnh đất ngàn năm văn vật).
“Tên sách này làm giảm tính Trần Quốc Vượng” - PGS-TS Lâm Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) - nhấn mạnh - “Văn phong khoa học của GS Trần Quốc Vượng rất khác mọi người. Tên sách ban đầu là thầy nhấn mạnh vừa tìm tòi vừa suy ngẫm về vấn đề văn hóa Việt Nam. Đặt tên như sách tái bản quá là trung tính. Tại sao NXB lại tùy tiện bỏ tên sách ban đầu đi?”.
Những lỗi nghiêm trọng
Vì “xào”/ “luộc” sách nên trong VHVN, phần vài nét về tiểu sử của GS Trần Quốc Vượng được sao chép nguyên xi và chuyển vào những trang nội dung đầu tiên mà không được biên tập, cho nên mới có lỗi nghiêm trọng sau: “Đang đảm nhiệm chức vụ…”. Trang 6 viết: “Ủy viên BCH Hội liên hiệp VHNT Hà Nội - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội (từ 1976 đến nay)”. “Đang” và “đến nay” có nghĩa là năm 2014 tác giả vẫn đương chức, trong khi đó GS Trần Quốc Vượng đã qua đời từ năm 2005!
Nếu như ở VHVNTTVSN, 74 bài viết của tác giả Trần Quốc Vượng (không kể Lời bạt và Tự bạch), được chia làm 6 mục lớn: I. Những vấn đề chung, II. Diễn trình văn hóa, III. Văn hóa dân gian, IV. Nghệ thuật, V. Ứng xử, VI. Danh nhân; đồng thời có cả mục lục bằng tiếng Anh; thì ở cuốn VHVN, toàn bộ phần mục lục tiếng Anh bị tước bỏ và việc phân chia các phần cũng được đánh đồng với nhau.
Đáng chú ý là phần biên tập rất cẩu thả, tùy tiện, không nhất quán. Ngay bài đầu tiên Truyền thống văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á và Đông Á những chú thích tên tiếng Pháp đều viết sai. Đặc biệt, tất cả những chữ Hán đều biến mất, khiến cho câu cú trở nên lộn xộn đến ngớ ngẩn. Những chữ viết in hoa nhằm nhấn mạnh ý hoặc vấn đề của GS Trần Quốc Vượng nhiều chỗ bị cào bằng thành chữ thường.
PGS-TS Lâm Mỹ Dung bất bình cho biết: “GS Trần Quốc Vượng là người rất cẩn trọng trong từng câu chữ. Nhiều người đọc qua, không hiểu nói thầy khoe chữ, hoặc thầy đảo chữ. Tất cả những chỗ đó đều có ý của thầy. Ví dụ những từ chuyển ngữ từ tiếng Anh sang thầy đều chua tiếng Anh bởi vì thầy cho rằng cách chuyển ngữ của thầy có thể phù hợp với nghiên cứu này nhưng không phù hợp với nghiên cứu khác, với người này họ đồng ý nhưng với người khác họ chưa đồng ý, cho nên phải chua thêm tiếng Anh để người ta có thể tìm được từ gốc”. Bà Lâm Mỹ Dung cho rằng ngôn ngữ của những người làm khoa học như GS Vượng đấy là ngôn ngữ mang tính chủ định, nếu không hiểu sẽ làm sai cả ý tưởng của tác giả.
TS Trần Thúy Anh, con gái cố GS Trần Quốc Vượng, cho biết: Khoảng ngày 4 Tết Giáp Ngọ (2014), con trai chị thấy cuốn sách của ông ngoại được giới thiệu trên truyền hình. Mấy ngày sau, hai mẹ con lên phố Đinh Lễ mua sách. Chị đã rất bất bình trước việc cuốn Văn hóa Việt Nam bị biên tập rất cẩu thả. Việc làm này xúc phạm đến vong linh của GS Trần Quốc Vượng! |
“Đối với một công trình khoa học của một tác giả đã mất, không thể tùy tiện thay đổi tên tác phẩm, huống hồ đây là tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (truy tặng năm 2012). Khi in Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, thầy đang sống, thầy phải suy ngẫm, có ý tưởng, có mục đích của mình cho nên thầy tập hợp các bài theo các chuyên mục và đặt ra tên gọi tác phẩm như thế” - PGS-TS Lâm Mỹ Dung. |
(Còn nữa)
Mai Kiều
Thể thao & Văn hóa
Tags