Có khi nào, ta thảng thốt nhận thấy công trình vượt sông Hồng đem lại cảm xúc nhiều nhất đến giờ vẫn là cây cầu Long Biên mà người Pháp làm từ trăm năm trước?
Rồi, có bao giờ đi giữa phố phường Hà Nội, ta giật mình trước những tấm tường bê tông xám xịt - hoặc những con "quái vật" ngoằn nghèo chạy trên không trung - ở nơi mà chỉ mới đây thôi còn là con đường rợp mát bóng hàng cây?
Đó là những gì mà dịch giả Nguyễn Tuấn Bình - giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội - viết trong lời mở đầu cuốn sách mới được anh hoàn thành: Mỹ học cầu. Vốn rất quen thuộc với người đọc qua vai trò giám đốc công ty sách Bình Book, nhưng ít ai biết, Bình cũng là một chuyên gia về cầu, và từng tham gia thiết kế những cầu vượt nhẹ đầu tiên tại Hà Nội.
"Bản thân tôi đã tham gia thiết kế nhiều cầu vượt tại Thủ đô và chưa bao giờ hài lòng với sản phẩm của mình. Không khó để đưa ra nguyên nhân. Thứ nhất, nhà quản lý chưa quan tâm thực sự đến thẩm mỹ công trình cầu, ưu tiên hàng đầu vẫn dành cho giá thành và tiến độ thi công" - Bình nói - "Thứ hai, bản thân người kỹ sư thiếu nền tảng kiến thức và mong ước làm đẹp công trình cầu. Chính trong môi trường đào tạo đại học mà tôi trực tiếp giảng dạy, phần lịch sử và mỹ học cầu hầu như ít được nhắc đến, điều này rất khác biệt nếu so sánh với bên dân dụng và kiến trúc có hẳn môn học chuyên biệt về lĩnh vực này".
Dường như, đó là lý do để Nguyễn Tuấn Bình đặc biệt hứng thú trong việc dịch những cuốn sách về lịch sử, thẩm mỹ và tất cả những gì diễn ra quanh số phận của những cây cầu lớn nhất trên thế giới. Năm 2022 vừa qua, anh đã hoàn thành việc dịch cuốn Lịch sử của những cây cầu của Henry Grattan Tyrrell (NXB Tổng hợp TP. HCM) - cuốn sách cung cấp quá trình hình thành và phát triển của những cây cầu trải qua nhiều thế hệ trên thế giới.
Còn lần này, cũng là sách của Henry Grattan Tyrrell - tác giả người Canada vốn được biết tới với những khảo cứu về lịch sử, kỹ thuật và mỹ học công trình - nhưng Mỹ học cầu (NXB Dân trí) là một trường hợp khác. Như những gì được giới thiệu, sau khi nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều công trình và nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản về thẩm mỹ công trình cầu, Tyrrell hoàn thành tiểu luận Mỹ học cầu (Artistic Bridge Design) vào năm 1912. Cuốn sách được tập hợp, chỉnh lý từ những bài báo về đề tài trang trí công trình cầu của tác giả đăng trên tờ Kiến trúc nước Mỹ từ năm 1901.
"Trình độ thẩm mỹ của mỗi quốc gia hay dân tộc bộc lộ qua cách họ xây dựng công trình trong đó có kết cấu cầu. Đây cũng là thước đo trình độ văn minh và văn hóa của họ" - Tyrrell viết trong cuốn sách.
Còn như lời dịch giả, anh mong muốn một ngày không xa, khi lững thững dạo bước bên sông Tô Lịch hay lướt đi trên dòng Hồng Hà mênh mông, ta có dịp đứng lại trầm trồ, ngắm nhìn cảnh quan tươi đẹp từ bàn tay người nghệ sỹ làm cầu Việt Nam.
Tags